Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế
Trong những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đồng bào Khmer ở các phum sóc còn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo từng bước vươn lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ hơn 30% dân số của tỉnh với khoảng 400.000 người. Trong những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đồng bào Khmer ở các phum sóc còn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo từng bước bước vươn lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng.
Đang chăm sóc đàn bò sữa 9 con, trong đó có 4 con đang cho sữa, anh Khâu Đức Lập, thành viên tổ hợp tác nông dân Đại Ân, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên phấn khởi chia sẻ, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, với mỗi tháng cũng kiếm được trên 10 triệu đồng tiền lợi nhuận từ việc vắt sữa bán, giúp kinh tế gia đình ổn định.
"4 con này cho khoảng 40 kg, mỗi con cho 10kg, chuồng trại thì mình phải luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, còn kỹ thuật thì bên nông nghiệp tập huấn cho" - anh Lập chia sẻ.
Tiếp lời, chị Phương Thị Hoàng Ngân, vợ của anh Lập, cho biết thêm: "Để sữa bán được giá cao thì gia đình tôi phải chăm sóc cho bò thật kỹ, ăn đầy đủ. Rồi mua vitamin, canxi... bổ sung cho bò. Như bò vừa mới đẻ xong là phải bổ sung canxi để làm sao bò không bị yếu chân".
Được biết, gia đình anh Lập và chị Ngân trước đây kinh tế cũng khó khăn, khi thu nhập từ 2 công màu và 2 công trồng lúa thường xuyên bấp bênh. Tuy vậy, từ lúc gia đình tham gia vào Tổ hợp tác nông dân Đại Ân, được các thành viên trong Tổ hợp tác giúp tìm hướng phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi bò sữa, được tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật, từ đó, thu nhập từ mô hình nuôi bò sữa với sản xuất màu và lúa ngày càng tăng lên và ổn định, đời sống gia đình ngày càng vươn lên, chăm lo các con học tập tốt hơn. Hiện con lớn của anh chị đang là sinh viên ngành Y tại đại học Cần Thơ và con thứ hai đang là học sinh lớp 12.
Ông Hứa Thành Nghĩa, tổ trưởng tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân cho biết, ngoài mô hình nuôi bò sữa, tổ hợp tác còn có thêm trồng màu đặc biệt là mô hình nhân giống lúa đặc sản ST24, ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững với doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí trên diện tích 100 ha. Lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt từ 40-50 triệu đồng/ha. Cùng với thu nhập từ nuôi bò sữa, trồng màu, hiện nay 32 thành viên tổ hợp tác đều có kinh tế gia đình ổn định, khá giả, nhà cửa khang trang.
Theo ông Nghĩa: "Tổ hợp tác chủ yếu là nhân giống ST24, ST25, sản phẩm thì được doanh nghiệp Hồ Quang Trí bao tiêu, giá lúc nào cũng cao hơn bên ngoài từ 800-1000 đồng/kg. Từ đó người dân mà sản xuất lúa giống có thu nhập khả quan, lợi nhuận được nâng lên".
Trong những năm qua, đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng luôn đoàn kết trong phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Thực hiện chủ trương làm cánh đồng mẫu lớn, mô hình kinh tế tập thể theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, bà con Khmer ở Sóc Trăng đã tổ chức lại sản xuất, thay đổi tập quán canh tác.
Chúng tôi về xã Viên Bình, huyện Trần Đề, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng chừng 30km, cũng là xã vùng sâu với người dân tộc Khmer chiếm 73% dân số được nghe người dân kể nhiều về việc sản xuất lúa ST theo mô hình cánh đồng lớn, giúp nông dân địa phương “đổi đời”. Những căn nhà tường khang trang từng bước thay thế cho những nhà ngồi nhà cũ nát, chứng minh cho đời sống đồng bào Khmer nơi đây nay đã khởi sắc.
Ông Lâm Sung, nông dân ở xã Viên Bình cho biết, trước đây, tập quán canh tác của bà con Khmer ở địa phương còn lạc hậu. Mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa, năng suất không cao. Từ năm 2004, nông dân Khmer đã biết liên kết sản xuất, rủ nhau làm lúa thơm trên một diện tích lớn. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và vận dụng những kiến thức thu được từ các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp, các buổi hội thảo, những cánh đồng lớn sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể với dòng lúa thơm ST5, ST20… rồi đến nay là ST24, ST25, ST tím từng bước phủ khắp cánh đồng tại địa phương.
"Lợi nhuận bình quân so với lúa thường từ 5 -10 triệu đồng/ha. Nếu như lúa thường lợi nhuận 20 triệu thì ST24, ST25 phải lời hơn 25 triệu đồng/ha trở lên. Nói chung từ khi chuyển qua làm lúa ST thì đời sống của bà con chúng tôi phát triển, khá giả lên" - ông Sung chia sẻ.
Với mô hình cánh đồng lớn, sản xuất theo kiểu tổ hợp tác, hợp tác xã, hiện nay nông dân xã Viên Bình sử dụng giống lúa cao sản, đặc sản chiếm khoảng 87%. Vụ lúa vừa qua, lúa đặc sản ST có giá từ trên 7000 đồng/kg, vì vậy mà lợi nhuận của bà con sản xuất lúa đạt khoảng trên 30 triệu đồng/1ha.
Ông Lê Trung Tuấn, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Viên Bình, huyện Trần Đề, cho biết: "Đến thời điểm này thì diện tích cánh đồng lớn của xã Viên Bình hơn 2.000 ha. Trên cơ sở diện tích tăng là do hiệu quả kinh tế mang lại nên người dân mình thấy được thì tham gia, đặc biệt là dòng ST 24, ST25, ST tím. Hàng năm chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ đặc biệt chú trọng đến diện tích cánh đồng lớn , quan tâm chỉ đạo, giữ vững diện tích để làm sao tạo kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân".
Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Những mô hình kinh tế tập thể cho thu nhập cao đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.