Đồng bào Khmer Sóc Trăng thoát nghèo nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Nhìn những đồ chứa nước sạch vừa mới được hỗ trợ cách đây không lâu, bà Sơn Thị Tốt, ở xã Thuận Hòa không giấu được niềm vui. Bà chia sẻ, do nhà nằm cách xa khu vực đông dân cư nên chưa thể tiếp cận được nước sạch, vì vậy mà lâu nay, bà phải sử dụng nước trong ao để sinh hoạt tạm mỗi ngày. Giờ được hỗ trợ thùng chứa nước sạch, bà đã đựng đầy nước mưa để dành sử dụng.
“Nhận được dụng cụ này thì tôi dành để đựng, chứa nước mưa xài quanh năm cho thoải mái, bởi gia đình không có khoan giếng nước, tôi sử dụng nước trong ao, giờ có thùng đựng nước mưa, có nước sạch sử dụng thoải mái”, bà Tốt phấn khởi.
Tỉnh Sóc Trăng có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Với sự quan tâm triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đã giúp cho đồng bào Khmer từng bước khởi sắc, trong đó, có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.
Bà Đặng Thị Diễm Phương, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành cho biết, năm nay, Thuận Hòa được Chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hơn 40 hộ; trong đó, có 10 hộ được hỗ trợ mua xe nước mía, 9 hộ được hỗ trợ mua máy phun thuốc và máy cắt cỏ, 22 hộ được hỗ trợ mua xe gắn máy để làm dịch vụ chạy xe ôm và làm phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn có 22 hộ được hỗ trợ nước sạch phân tán.
“Người dân rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Xã cũng rất mong bà con được hỗ trợ cố gắng làm ăn phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cho xã vững mạnh thêm trong xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo trong thời gian tới”, bà Đặng Thị Diễm Phương nói.
Năm nay, huyện Châu Thành dự kiến có 78 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Ngoài ra, còn có 228 hộ được quan tâm hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đây điều là những hộ gia đình không có đất sản xuất. Huyện cũng xét hỗ trợ đất ở cho 7 hộ và nhà ở cho 111 hộ với tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng. Riêng trong năm ngoái, huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ về đất ở cho 15 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 46 hộ và 97 hộ được chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 40 hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.
Còn tại huyện Trần Đề, chính quyền địa phương cũng đang đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chương trình để kịp thời hỗ trợ đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho bà con sớm vươn lên ổn định đời sống.
Anh Trần Vũ Đa, là một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở thị trấn Lịch Hội Thượng. Anh là công nhân trong một doanh nghiệp sản xuất nước đá, mỗi tháng anh kiếm được khoảng 7 triệu đồng. Anh Đa cho biết, số tiến này chỉ đủ lo chi phí điều trị đứa con út thường xuyên ốm đau cùng trang trải cuộc sống hằng ngày nên dù nhà đã xuống cấp từ lâu mà không có tiền để sửa chữa. Giờ được Nhà nước hỗ trợ nhà, anh rất vui.
“Được nhà nước hỗ trợ 44 triệu để xây nhà, tôi tự ra công xây và thêm hết 10 triệu đồng để làm nền nhà cho cứng cáp, giờ có nhà tôi sẽ phấn đấu hơn nữa để sớm vươn lên”, anh Trần Vũ Đa cho biết.
Không riêng anh Vũ Đa, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Trần Đề đang đẩy mạnh các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt… Việc triển khai xây dựng nhà ở đã giúp nhiều hộ khó khăn có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Ông Thạch Văn Mến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Đề cho biết, trong năm nay, huyện được Trung ương hỗ trợ kinh phí gần 40 tỷ đồng; trong đó, huyện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo 241 hộ, hỗ trợ mua đất ở 31 hộ cùng nhiều chương trình khác... Riêng đối với nhà ở, đến nay đã có trên 160 căn hoàn thành, các căn còn lại cũng đang xây dựng, đạt tiến độ từ 30% - 50%..
“Trong hơn 1 năm qua, sau khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này thì phum sóc đã có sự thay đổi tích cực. Chương trình đã mang lại rất nhiều ý nghĩa, mang đến lợi ích trực tiếp đến bà con khó khăn, giúp bà con chuyển đổi ngành nghề. Bà con được hỗ trợ nhà, song song đó, được hỗ trợ 10 triệu để chuyển đổi nghề làm ăn có thu nhập”, ông Thạch Văn Mến cho biết thêm.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo huy động, lồng ghép các nguồn vốn triển khai thực hiện và đã mang lại kết quả bước đầu, được đồng bào dân tộc thiểu số đồng thuận cao, phấn khởi cùng chính quyền địa phương tích cực hưởng ứng, sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ từ các nội dung, thành phần, tiểu dự án, dự án thuộc chương trình.
Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, đất ở, chuyển đổi ngành nghề, nước sạch phân tán… qua hơn 1 năm, tỉnh đã xây dựng 85 công trình lộ giao thông, cầu giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng và mạng lưới chợ; 4 công trình cấp nước tập trung. Ngoài ra còn duy tu, bảo dưỡng 31 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 3 trường phổ thông dân tộc nội trú…
Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo, việc triên khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Sóc Trăng giảm trên 2%/năm, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm trên 3%; gần 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%. Đặc biệt, tất cả xã, phường, thị trấn đều đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế....
Dự kiến, đến cuối năm nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 66 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm hơn 87% tổng số xã, trong đó 19 xã đạt chuẩn nuôn thôn mới nâng cao; có 05 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt hơn 83% Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
Với sự quan tâm của Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia đã thực sự đem lại những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội cho đồng bào Khmer nơi đây.