Đồng bào một mối 'Cao Sơn Cảnh Hành'
Trong rất nhiều câu chữ quý báu của tiền nhân tạc khắc ở Đền Hùng (Phú Thọ), có lẽ bốn chữ 'Cao Sơn Cảnh Hành' (còn được đọc là Cao Sơn Cảnh Hạnh) gắn trên cổng chính dẫn lên Đền là đặc biệt nhất, hàm ý cũng sâu xa nhất.
Trong biển người hành hương về núi Nghĩa Lĩnh dịp Quốc giỗ, trước lúc lên Đền thành kính thắp nén tâm nhang tưởng nhớ công đức tổ tiên, nhiều du khách đã nán lại hồi lâu ngước nhìn dòng đại tự.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Ảnh: Xuân Chi.
Cổng Đền mà du khách nhìn thấy hiện nay đã có tuổi hơn 100 năm do một nữ thương gia giàu có ở Hà Nội tên là Phạm Thị Thịnh cung tiến xây dựng. Cổng vòm cuốn cao 8,5m có hai tầng lợp giả ngói ống, bốn góc tầng mái trang trí rồng, nghê. Cột trụ hai bên đắp nổi phù điêu hai ông hộ pháp áo giáp cầm giáo rìu uy phong. Mặt sau cổng đắp hai con hổ lớn là hiện thân vật canh giữ thần.
Không rõ đại tự gắn trên cổng do ai hiến ý viết ra nhưng hàm ý rất sâu sắc. Nhiều học giả dịch là “lên núi cao nhìn xa rộng”, hoặc là “núi cao thì hướng lên, đường lớn để mà đi theo”.
Theo nhà văn hóa Lê Kim Thuyên (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Vĩnh Phúc), bốn chữ "Cao Sơn Cảnh Hành" được lý giải là núi cao thì để người ta ngưỡng trông, bậc có đức hạnh lớn thì được người ta xem là khuôn mẫu mà noi theo. Riêng chữ "Cao Sơn" thường được hiểu là "núi cao" nhưng ta nên biết rằng Vua Hùng đời thứ nhất còn có bài vị đặt giữa điện Kính Thiên trên đỉnh núi được các đời Vua Hùng về sau phong mỹ tự là "Đột Ngột Cao Sơn" (hai bài vị hai bên có tên là Viễn Sơn Thánh Vương và Ất Sơn Thánh Vương). Còn chữ "Cảnh Hạnh" theo học giả Trịnh Huyền đời Hán diễn giải là "đức cao hạnh sáng". Từ điển của cụ Đào Duy Anh cũng giải nghĩa tương tự, chữ "cảnh" nghĩa là quang minh, sáng ngời.
Vậy chăng chữ "Cao Sơn" ở cổng đền Hùng bấy nay chưa hẳn là "núi cao", mà là chữ đầu của miếu vị hoàng đế Cao Sơn (Vua Hùng thứ nhất Hùng Hiền Vương)? Chữ kế tiếp nên đọc là "cảnh hạnh" nói về đức độ to lớn của Vua Hùng. Điều này phù hợp với sách "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sỹ Liên (lần đầu tiên lịch sử thời đại Hùng Vương được đưa vào vào sách) ghi chép rằng đức lớn của Hoàng đế Cao Sơn là đức của người lập quốc nhà nước Văn Lang.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, nhà văn hóa Phạm Bá Khiêm, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, lại cho rằng các miếu hiệu "Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất Sơn" dành cho 3 đời Vua Hùng đầu tiên gắn nghĩa Thần Núi, và điều này đã được thể hiện trong tư liệu xưa từ năm 980. Đại tự "Cao Sơn Cảnh Hành" có lẽ chỉ lần đầu tiên được nữ thương gia Phạm Thị Thịnh cho gắn lên cổng Đền, chứ trước đó chưa có. Theo cách dịch của cụ Trần Huy Bá (nhà báo, nhà nghiên cứu sử học) thì đại tự trên nghĩa là "lên núi cao nhìn xa trông rộng" - ông Khiêm nói.
Vẫn theo nhà văn hóa Lê Kim Thuyên, dịch và đọc "Cao Sơn Cảnh Hạnh" hoàn toàn phù hợp câu đối thả dọc hai bên cổng Đền bởi nội dung toát lên công lao dựng nước và đức hạnh sáng ngời của Vua Hùng. "Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch. Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn", tạm dịch: "Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối. Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con". Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tăng, chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm tỉnh Phú Thọ, hai câu đối này đã chiếu vào đại tự "Cao Sơn Cảnh Hành" rõ nét. Và hiểu đại tự đó theo cách nào cũng hay, sâu sắc, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, về gìn giữ non sông, lấy đức hạnh sáng cao mà hướng tới.
Khi xưa Thục Phán dựng cột đá thề trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, thể hiện cảm kích khi được Vua Hùng nhường ngôi, mà thề rằng: "Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom miếu vũ họ Hùng", rồi mới dời kinh đô về Cổ Loa. Trải qua bao biến thiên lịch sử, giặc giã xâm lăng con cháu Vua Hùng vẫn giữ gìn mộ Tổ, vẹn nguyên khí phách Lạc Hồng.
Tháng 10/1954 tại Đền Hùng, khi Bác Hồ gặp gỡ, căn dặn và giao nhiệm vụ cho những người lính Đại đoàn quân Tiên phong trước ngày về tiếp quản Thủ đô, Người đã khái lược bốn ngàn năm lịch sử nước non ta bằng câu nói nổi tiếng "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". "Cao Sơn" thuở xưa đã công lớn dựng nước, thì "cảnh hạnh" ngày nay cháu con Lạc Hồng noi theo mà giữ nước.

Dòng đại tự "Cao Sơn Cảnh Hành" ở cổng chính Đền Hùng. Ảnh: Hà Thư.
Là thông điệp gửi cho hậu thế, là mật mã văn hóa sâu sắc của Tổ Tiên để lại nước non ngàn dặm, "Cao Sơn Cảnh Hạnh" toát lên truyền thống đề cao nhân nghĩa và đạo lý tốt đẹp. Tiền nhân muốn nhắc nhở con Lạc cháu Hồng hãy hướng tới đức hạnh lớn mà đi theo. Và phải chăng cũng tương nghĩa như Khổng Tử từng nói "Kinh thi chuộng điều nhân nghĩa cứ hướng tới con đường đó mà đi"...
Nhà sử học Nguyễn Tiến Khôi (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Thọ) cho biết, quãng năm 2008 khi Nhà nước ta sửa sang, xây dựng lại quần thể Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, nhóm thợ thi công hạ giải điện Kính Thiên (Đền Thượng) đã phát hiện một viên gạch cổ có khắc chữ Phạn. Nội dung ký tự nôm na hàm ý muốn công kích đức sáng Vua Hùng. Thật tiếc viên gạch đó, sau lúc được dịch nghĩa, không may đã bị vỡ khi chưa kịp đưa về một bảo tàng gìn giữ như một chứng tích đặc biệt về lịch sử dựng nước và giữ nước.
Sâu thẳm tâm thức mỗi người con đất Việt, Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương tự bao đời đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, được vun đắp qua nhiều thế hệ trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ bậc đá đầu tiên con cháu bước lên nơi cổng chính đã thấy đại tự "Cao Sơn Cảnh Hành" hàm ý sâu xa đúc kết. "Đường lớn là để đồng lòng dân đi", theo ông Lê Công Luận - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Phú Thọ, đồng bào một mối đồng thuận và đoàn kết, triệu người như một khi dòng người hành hương về Đất Tổ thắp nén tâm nhang tri ân tổ tiên cũng là tinh thần dân tộc trên con đường lớn mà đất nước đi lên...
Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, cả nước hướng về Đền Hùng tháng Ba mà cảm nhận chiều dài lịch sử của dân tộc từ buổi đầu các Vua Hùng dựng nước, chọn đất linh sơn chầu thủy tụ. Tích rằng Vua Hùng xưa cùng công chúa cưỡi ngựa hồng cùng quần thần tuần du ngoạn cảnh, đã dừng chân vùng đất Phong Châu lập chốn kinh đô. Đất đai màu mỡ, cây cỏ tươi xanh, lại có huyệt thiên đặc biệt kiến tạo bởi ba sông lớn tụ lại (sông Hồng, sông Lô, sông Đà), hai bên núi Tản và núi Ba Vì chầu sang như thấy khí thiêng từ lòng đất. Vua cho là chốn linh địa ắt sinh nhân tài, đã dạy dân trồng lúa, làm nông. Nhân dân về sau còn lập miếu thờ Hùng Vương Tổ Miếu có bức hoành phi "Tham thiên tán hóa" (ý nói Vua Hùng tham sự đạo trời giúp dân) để đời đời hương khói tri ân.
Và từ bao đời nay, Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng đã trở thành đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, không chỉ riêng Phú Thọ có nhiều di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương mà hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Một số địa phương trong cả nước có nhiều điểm thờ Hùng Vương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TPHCM, Bến Tre, Kiên Giang…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-bao-mot-moi-cao-son-canh-hanh-10303082.html