Đồng bào xã vùng khó Đạ Tông nỗ lực vươn lên
Nhiều năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự nỗ lực vươn lên, thay đổi tư duy trong lao động sản xuất nên đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã vùng khó Đạ Tông (Đam Rông) ngày càng có những đổi thay đáng mừng. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương.
Xã Đạ Tông có 8 thôn, đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên chiếm 92% dân số toàn xã. Nghị quyết số 09 của Huyện ủy và Nghị quyết số 83 của Đảng ủy xã về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ... chính là động lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tăng cường sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Nếu như nhiều năm trước đây việc sản xuất của bà con còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào thời tiết thì hiện nay, trình độ sản xuất của bà con đã từng bước được nâng lên. Nhiều hộ dân đã chú trọng tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Cùng với việc canh tác 318 ha lúa nước, người dân cũng đã biết cách chăm sóc thâm canh 518,6 ha cà phê, 100 ha điều, phát triển 126 ha sầu riêng và chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng gần 200 ha cây dâu tằm… để từng bước nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đời sống của nhiều hộ đồng bào DTTS đã có những cải thiện đáng kể, cái đói, cái nghèo dần lùi xa vào quá khứ.
Gia đình ông Rơ Ông Ha Líp - Bí thư Chi bộ Chiêng Kao - Cil Múp được coi là một trong những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả của thôn. Với 3,5 ha cà phê nhưng được sử dụng giống cà phê cao sản đầu dòng như Thiện Trường, TR4, xanh lùn… và áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc nên cho năng suất khá ổn định, mỗi năm, gia đình ông Ha Líp thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Ha Líp bộc bạch: “Lập gia đình và ra ở riêng từ hai bàn tay trắng, nhưng với quyết tâm không cam chịu cảnh đói nghèo, tôi không quản ngại khó khăn, gian khổ, vận động vợ con để tạo lập kinh tế gia đình ổn định. Trong số 3,5 ha cà phê, đến nay đã có 2 ha cho kinh doanh, 1,5 ha đã cho thu bói với bình quân sản lượng đạt trên 7 tấn cà phê nhân. Còn 70 cây sầu riêng cũng đã có một số cây cho thu hoạch. Ngoài ra, gia đình tôi còn mở tạp hóa buôn bán nhỏ phục vụ bà con trong vùng. Điều đáng mừng là hiện nay nhận thức phát triển kinh tế của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét, bà con đã biết tự lực vươn lên, việc vay nóng, vay non cà phê nay đã giảm đáng kể”.
Rời thôn Chiêng Kao - Cil Múp chúng tôi xuôi về thôn Đa Kao 2. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Lơ Mu K’Phi cho biết: Trước đây, ngoài sản xuất cà phê gia đình chị trồng khoảng 7 sào cây ca cao và cây điều. Mặc dù cây điều cho chất lượng quả tốt nhưng do đã lâu năm cây già cỗi nên năng suất kém. Còn về cây ca cao chỉ cho chất lượng quả vào mùa khô, còn mùa mưa thường xuyên xảy ra một số dịch hại như bệnh nấm, thối lá, bọ xít, muỗi gây hại… nên phải thường xuyên phun thuốc phòng trừ. Do đó đến năm 2022, gia đình chị Phi đã quyết định phá bỏ ca cao, điều và chuyển đổi toàn bộ diện tích 5 sào lúa nước sang trồng dâu, nuôi tằm. “Bây giờ trồng dâu nuôi tằm hiệu quả mang lại cao hơn nhiều so với một số cây trồng khác. Tùy theo lượng lá dâu, bình quân 1 tháng gia đình tôi nuôi 2 hộp tằm con. Với giá kén tằm trên thị trường luôn ổn định ở mức cao, mỗi đợt nuôi sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 9 triệu đồng/hộp”, chị Lơ Mu K’Phi nói.
Được sự quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con làm ăn, phát triển kinh tế, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đến nay đời sống của bà con đã khá hơn trước, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng những ngôi nhà kiên cố khang trang, mua sắm được các nông cụ phục vụ sản xuất, các vật dụng, phương tiện đi lại đắt tiền cho gia đình.
Ông Mai Đức Sơn - Chủ tịch UBND xã Đạ Tông cho biết: Đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm xuống còn dưới 12,93%, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 48 triệu đồng/người/năm. Để tiếp tục giảm tỉ lệ hộ nghèo tại địa phương và cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, nhất là người đồng bào DTTS, thời gian tới, xã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sự vào cuộc của người dân làm thay đổi tư duy của người dân về cách nghĩ, cách làm và tạo được động lực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Tiếp tục khai thác có hiệu quả các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình hỗ trợ sinh kế; đồng thời, quan tâm tạo điều kiện và vận động người dân phát huy tính cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên làm ăn, phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện nói chung và đồng bào DTTS ở các xã vùng khó khăn nói riêng.