Đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS.TS Đinh Văn Hải - Khoa Kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng, bên cạnh các chính sách giảm thuế, phí, để phát huy hiệu quả hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Hoàn thiện thể chế nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động trong nước tận lực phát triển kinh tế; phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, dịch vụ tài chính…
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm, ông đánh giá thế nào về ý kiến trên?
PGS.TS Đinh Văn Hải: Tôi cho rằng, chính sách giảm thuế trên đã tác động tới cung - cầu, hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm. Trong đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Riêng mặt hàng than được giảm thuế GTGT ở khâu khai thác bán ra, còn các khâu khác không được giảm thuế GTGT. Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế GTGT đối với mặt hàng than khai thác bán ra. Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế… Như vậy, các cơ sở kinh doanh khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, ước giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương sản lượng xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến tiêu thụ năm 2023, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường (sau giảm 50%) giảm khoảng 38.929 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước, bao gồm cả phần giảm thuế GTGT giảm khoảng 42.822 tỷ đồng. Tính cả giai đoạn 2020 - 2023, tổng quy mô các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân ước đạt 700 nghìn tỷ đồng. Đây cũng chính là khoản tiền mà nhà nước đã hỗ trợ các doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.
Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Theo PGS.TS Đinh Văn Hải, những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế chưa được xử lý dứt điểm; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn… Do vậy, tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm đã chứng minh sự vượt khó của Chính phủ và cộng đồng các doanh nghiệp.
Mặt khác, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do vậy, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Từ đó góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu và giảm các chi phí gián tiếp từ việc tiêu dùng các sản phẩm khác. Đồng thời, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt với các ngành giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt...
PV: Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét tiếp tục giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024. Chính sách này sẽ hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 ra sao, thưa ông?
PGS.TS Đinh Văn Hải: Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Theo tôi, giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp thuế, phí khác sẽ là một cách làm mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế và các doanh nghiệp, đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, thúc đẩy sản xuất phát triển, cùng với đó tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp và cho sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PV:Bên cạnh các chính sách giảm thuế, phí, theo ông, cần phối hợp thêm những chính sách nào để phát huy hiệu quả hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế thời gian tới?
PGS.TS Đinh Văn Hải: Bên cạnh các chính sách giảm thuế, phí, để phát huy hiệu quả hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, theo tôi, cần phải áp dụng đồng bộ hệ thống giải pháp như: Hoàn thiện thể chế nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động trong nước tận lực phát triển kinh tế; phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, dịch vụ tài chính…
Đồng thời, tích cực hỗ trợ và đẩy mạnh công tác R&D (nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ) cho các doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển kinh tế; tiếp tục tái cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả, ổn định, phát triển các ngành có lợi thế, truyền thống, phát triển mạnh kinh tế số, logistics; đẩy mạnh xuất khẩu, làm chủ thị trường trong nước.
Cùng với đó, làm tốt công tác môi trường; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, an sinh xã hội, quan tâm thỏa đáng lợi ích của người lao động; mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực đặc biệt là xúc tiến thương mại, giải quyết các tranh chấp…
PV: Xin cảm ơn ông!
Khó khăn vẫn đang hiện hữu và thách thức cho tăng trưởng
PGS.TS Đinh Văn Hải cho hay, trong 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,5% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD… những con số này cho thấy những kết quả nỗ lực to lớn, vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với việc thực hiện những chính sách đúng đắn của Chính phủ như: Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư FDI, tăng chi đầu tư phát triển nền kinh tế, giảm thuế, phí một số lĩnh vực…
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn đang hiện hữu và thách thức cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Cụ thể, quý I/2024 đã chứng kiến nhiều rủi ro, bất định trên nhiều phương diện khác nhau như địa chính trị, kinh tế, công nghệ, biến đổi khí hậu.
Trong đó, lãi suất đồng USD và EUR cao nhất trong hơn hai thập kỷ; giá vàng tăng lên mức kỷ lục; xu hướng chính sách tiền tệ trái chiều giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc, Nhật Bản đang thúc đẩy các yếu tố bất định gia tăng; xung đột địa chính trị leo thang.
Điều này đã gây ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng và thương mại, làm bất ổn thị trường năng lượng, chuỗi cung ứng, thị trường tài chính, cũng như làm tăng giá cả thực phẩm và đẩy nhanh việc mất an ninh lương thực của nhiều quốc gia, nhiều khu vực.
Những diễn biến này đang thử thách khả năng của các Chính phủ và doanh nghiệp trong việc duy trì ổn định và phát triển kinh tế trong bối cảnh địa chính trị không ngừng thay đổi.