ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG
Cho rằng ngành du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh để bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người; hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt được nhiều kết quả tăng trưởng hơn so với giai đoạn trước.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cho biết, năm vừa qua chúng ta đã thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp tục cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực dịch vụ quan trọng như: thương mại, dịch vụ logistics, vận tải, hàng không…Tập trung đầu tư “làm mới” ngành du lịch; đổi mới các hoạt động quảng bá xúc tiến, truyền thông; phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ. Thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động, ước cả năm giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,82% và thu hút được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần so với năm 2022.
Việc áp dụng hiệu quả các chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch đã giúp du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đạt hơn 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chỉ rõ, trong báo cáo của Chính phủ có nêu ước tính cả năm giá trị tăng thêm của khu vực du lịch là khoảng 6,82%, thu hút được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần so với năm 2022. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm số liệu về lượt khách du lịch nội địa vào báo cáo để thấy rõ được bức tranh tổng thể về sự phát triển của ngành du lịch.
Hiện nay, tình hình thế giới cũng bất ổn sẽ làm ảnh hưởng đến lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Do vậy, trong năm 2024 này, chúng ta cần có nhiều giải pháp để kích cầu lượng khách du lịch trong nước, như giảm giá vé máy bay nội địa và giảm giá xăng, dầu vào những ngày lễ, Tết và mùa cao điểm; tăng thêm nhiều sản phẩm du lịch để kích cầu du lịch và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, để tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, chúng ta cũng cần có những chính sách cởi mở hơn nữa, có thể bằng con đường ngoại giao, song phương và đa phương.
Đại biểu cũng cho rằng, chúng ta cũng cần nghiên cứu để mở rộng thêm danh mục các nước được miễn thị thực vào Việt Nam; khai thác các điểm du lịch mới, hấp dẫn và làm mới thêm các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, về việc khai thác các điểm du lịch, trong đó có du lịch tâm linh, hiện nay nhiều địa phương giao cho tư nhân khai thác các điểm du lịch, các doanh nghiệp lại đầu tư xây dựng những ban thờ tự ở những điểm du lịch này. Tuy nhiên, do cách làm không thận trọng, thiếu hiểu biết, dẫn đến việc khiến các điểm du lịch trở nên xấu xí, phản cảm, làm mất đi hình ảnh, sự tôn nghiêm của tôn giáo; công tác quản lý cũng không tốt và thiếu vắng sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Theo đại biểu, người nước ngoài đến Việt Nam, tâm lý họ muốn tìm đến những điểm hoang sơ và chưa có sự tác động nhiều của con người. Cách đầu tư, khai thác các điểm du lịch như vậy không những không thu hút được khách du lịch, mà còn giảm lượng khách du lịch đến các địa điểm du lịch đó, do vậy cần phải thay đổi để cách làm khác phù hợp hơn.
Bàn về vấn đề kinh tế du lịch, đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chỉ ra thực tế, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua có tình trạng giá máy bay tăng cao, dẫn đến việc những địa bàn phụ thuộc vào đường hàng không thì tỷ lệ khách nội địa giảm. Phú Quốc là ví dụ tiêu biểu, khi đây vốn là một địa bàn thu hút nhiều khách nội địa trước đây, nhưng trong dịp nghỉ lễ này, số lượng khách nội địa đã giảm. Nhiều người dân phải thay đổi kế hoạch của mình, do giá vé máy bay tăng cao, thậm chí nhiều người còn đổi từ việc tham gia du lịch nội địa sang du lịch ở nước ngoài, khi các gói du lịch ở nước ngoài như Thái Lan hay một số các nước trong khu vực lại rẻ hơn so với trong nước. Theo đại biểu, đây là điều rất đáng quan tâm, Chính phủ cần có chỉ đạo kịp thời nhằm duy trì được mức phát triển của ngành du lịch trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng một số điểm du lịch trong nước, đặc biệt là các điểm du lịch đặc sắc về giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang mất dần bản sắc truyền thống vốn có. Hiện đang có những sự lai tạp trong văn hóa, ví dụ như việc sử dụng các trang phục dân tộc. Điều rất đáng quan ngại hơn nữa là ở một số các điểm du lịch cộng đồng, người ta lại không chú trọng việc giữ lại những nếp nhà hay những nét văn hóa truyền thống Việt, mà lại trang trí cửa nhà giống như cửa nhà của một số đất nước khác.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ Chính phủ, đặc biệt là các bộ, ngành chuyên môn để có sự định hướng đúng đắn đối với ngành du lịch để không làm mất đi bản sắc, giá trị và sự thu hút thật sự đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là một niềm tự hào của dân tộc mà chúng ta phải phát huy truyền thống thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch.
Đại biểu cũng lo lắng khi trong thời gian vừa qua, tình trạng chụp giật, tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến một cách nhìn xấu xí về du lịch của nước ta. Đại biểu cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của ngành, trong vấn đề này còn có trách nhiệm của chính quyền ở địa phương. Đại biểu phân tích, trong ngành dịch vụ du lịch, lực lượng lao động nữ cũng chiếm tỷ lệ rất cao, do đó, cần quan tâm đến góc độ nâng cao nhận thức và kỹ năng cho lao động. Lao động nữ là thành viên của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong một số chương trình, đề án Hội Liên hiệp phụ nữ cũng rất quan tâm đến việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho lao động nữ khi họ tham gia vào các dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá, hiện nay chúng ta phát triển kinh tế du lịch còn rất manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Do vậy, báo cáo của Chính phủ cũng cần phải đánh giá rõ hơn để việc phát triển kích cầu du lịch cũng đồng nghĩa với việc người dân phải có niềm tin và có khả năng để hấp thụ đầu tư. Vừa qua báo cáo giám sát về Nghị quyết 43 của Quốc hội cho thấy rằng có nhiều chính sách chúng ta chưa hấp thụ được, ví dụ như quỹ phát triển du lịch chưa giải ngân được, mặc dù đã có chính sách, cơ chế đặc thù để cho phát triển này. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ hơn vấn đề này và có các giải pháp kích cầu nội địa.
Phấn khởi vì các ngành công nghiệp dịch vụ, nông nghiệp đều tăng trưởng tốt và những tháng sau, quý sau đều tốt hơn tháng trước, quý trước, tuy nhiên đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhận định, khi đánh giá tiềm năng, so sánh với yêu cầu thì vẫn có những băn khoăn đối với hai ngành dịch vụ quan trọng: Ngành dịch vụ đối với phát triển du lịch, Ngành du lịch. Chúng ta đang cố gắng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực tế chúng ta cũng đã đạt được rất nhiều kết quả tăng trưởng, phục hồi nhanh so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với cùng kỳ của những năm trước dịch 2019.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của xã hội, của cử tri, mặc dù tăng trưởng tích cực như vậy nhưng ngành này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện nay và không bền vững và so với các nước trong khu vực. Do vậy, sự cạnh tranh của Việt Nam cũng còn thấp, sự phối hợp giữa các cơ quan để chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ cho ngành du lịch cũng chưa đáp ứng với yêu cầu là một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn, nhiều vấn đề liên ngành chưa giải quyết được.
Đại biểu cho rằng, sự phối hợp trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là giao thông hàng không, hỗ trợ cho du lịch như thế nào đều là những vấn đề cử tri đang bức xúc. Những vấn đề về văn hóa du lịch, về văn minh du lịch cũng đang đặt trong tình trạng báo động, tình trạng chặt chém, chụp giật diễn ra nhiều nơi. Những tệ nạn, tình trạng này kéo dài năm này qua năm khác vẫn chưa khắc phục được. Do đó, đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm và khắc phục sớm vấn đề này.
Cùng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam khi so sánh với các nước khác. Điều đáng mừng là theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm lượt khách quốc tế đến Việt Nam là 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Điều đó cho thấy khách du lịch quốc tế đã trở lại với Việt Nam cao hơn so với trước đây.
Đại biểu nhấn mạnh, đây là ngành lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, do đó chúng ta cần đầu tư nhiều hơn. Ngoài nguồn lực phát triển du lịch từ khu vực tư, ngân sách đầu tư công dành cho lĩnh vực du lịch cũng cần phải được quan tâm, nhất là đầu tư cho việc tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, bảo vệ các danh lam thắng cảnh, đầu tư cho hạ tầng của ngành du lịch, các khu vui chơi, giải trí hay kể cả đầu tư luồng tàu du lịch quốc tế.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới lĩnh vực an ninh, hải quan tại các cửa ngõ, tại các sân bay. Hiện nay, khách du lịch quốc tế phải đứng chờ rất lâu đối với các thủ tục mà đáng lý chúng ta có thể làm nhanh hơn, hoặc có thể thiết kế dành riêng cho những người Việt Nam sống ở nước ngoài. Thủ tục hiện nay ở tại các sân bay còn rất chậm, gây cảm giác khó chị cho khách du lịch. Đồng thời, cần phải đầu tư cho lĩnh vực an ninh du lịch, công an du lịch để hỗ trợ cho khách du lịch quốc tế, có như vậy thì ngành du lịch của Việt Nam mới phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88084