Đồng bộ các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội
Lượng phương tiện giao thông liên tục gia tăng trong khi diện tích đất dành cho giao thông còn hạn chế, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng chưa cao dẫn đến phát sinh nhiều điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng đang nghiên cứu để có phương án tổ chức giao thông hợp lý, mở rộng mặt đường, xử lý nghiêm phương tiện đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội, tính đến tháng 11-2022, trên địa bàn thành phố có hơn 7,7 triệu phương tiện giao thông, trong đó, số ô tô là hơn 1 triệu và xe máy hơn 6,5 triệu. Ngoài ra, có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương tham gia giao thông tại Thủ đô. Mỗi năm, phương tiện giao thông gia tăng từ 4 đến 5%. Theo quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội trên tổng diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt 20-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ đáp ứng của vận tải công cộng đạt 50-55%. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đến 1%. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố có 154 tuyến, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đáp ứng được khoảng 17,8% nhu cầu đi lại.
Số lượng phương tiện gia tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp. Thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội cho thấy, đến hết tháng 11-2022, số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là 35 điểm, tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ đường Vành đai 3 trở vào. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã xử lý được 8/35 điểm ùn tắc. Dự kiến, có thể phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới trong thời gian tới. Sở GTVT TP Hà Nội sẽ phối hợp với lực lượng liên ngành tiếp tục tập trung công tác tổ chức giao thông, xử lý 4 điểm ùn tắc giao thông gồm: Nút giao Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám; ngã tư Châu Văn Liêm-Lê Quang Đạo; khu vực cống Trung Văn; nút giao Lê Quang Đạo-đường gom Đại lộ Thăng Long và theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông trên nhiều tuyến đường khác.
Bên cạnh đó, sẽ rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí lực lượng chốt trực hướng dẫn, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý như điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông, điều chỉnh hạ tầng nút giao... Đồng thời, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm quy định khi tham gia giao thông, nhất là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi xe lên vỉa hè... Thành phố cũng tiến hành mở rộng tối đa mặt đường để tăng khả năng lưu thông cho phương tiện, mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải để giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ khi qua nút giao. Sở GTVT TP Hà Nội cũng kiến nghị cần sớm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, các trục chính có tính kết nối và cầu qua sông.
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để khắc phục ùn tắc giao thông là tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng và hướng đến hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Sở GTVT TP Hà Nội), việc ưu tiên cho phương tiện vận tải công cộng trong đó có xe buýt là cần thiết, đơn cử như ưu tiên trong phương án tổ chức giao thông. Vấn đề ùn tắc, quá tải về giao thông xảy ra chủ yếu ở khu vực nội thành nhưng quỹ đất tại khu vực này rất hạn hẹp, đường không mở được nhiều, không thể tổ chức giao thông theo kiểu dàn hàng ngang, phải có chỗ ưu tiên và chỗ không ưu tiên. Ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, cần ưu tiên quỹ đất để làm hạ tầng cho xe buýt như điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, dừng đỗ. Bản thân xe buýt cũng cần tổ chức mạng lưới, nâng cao chất lượng phương tiện, đào tạo lái xe, ứng dụng công nghệ, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP Hà Nội) cho biết, thời gian tới, Sở GTVT TP Hà Nội sẽ rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả xem tuyến nào cần phải điều chỉnh để tiếp tục tăng khả năng tiếp cận của xe buýt, đặc biệt hướng đến những khu vực chưa có xe buýt tiếp cận. Bên cạnh đó, sẽ rà soát kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, kết nối không gian, thời gian, thông tin. Tổ chức hoạt động vận tải để các loại hình hỗ trợ nhau, cùng thu hút người dân sử dụng vận tải công cộng với đa dạng phương tiện từ sức chứa lớn, tàu điện đến sức chứa nhỏ, minibus, taxi, xe hai bánh... Cơ quan chức năng cũng tiếp nhận phản ánh của hành khách để làm cơ sở tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ của vận tải hành khách công cộng, giúp thu hút nhiều hơn nữa người dân sử dụng loại hình vận tải này.