Đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới
Xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục các tồn tại vi phạm đất đai... tạo nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2024, Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thử thách lớn hơn cơ hội. Song, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân, tình hình KT-XH trên địa bàn có nhiều khởi sắc, tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Tăng trưởng GRDP cả năm ước đạt 7,5 - 7,8% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Trong đó, công nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,43% so với năm trước.
Đây là mức tăng cao thứ hai sau mức tăng 15,43% của năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. Công tác quản lý thu, đôn đốc thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục được triển khai quyết liệt, thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tăng do mức lương cơ bản tăng, giúp thu NSNN trong kỳ tăng khá.
Năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 31.400 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán Trung ương giao và tăng 4,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện trong những tháng cuối năm, đến 31/12, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 143 nghìn tỷ đồng, tăng 11,97% so với cuối năm 2023; tổng nguồn vốn huy động đạt 142,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,98%.
Đặc biệt, thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh với 80 dự án FDI cấp mới và tăng vốn, đạt 620 triệu USD, vượt 55% kế hoạch năm; 32 dự án DDI cấp mới và tăng vốn, đạt 5.500 tỷ đồng.
Kết quả trên đạt được là nhờ vào đường lối, chủ trương đúng đắn và quyết liệt của tỉnh trong các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng các chính sách đặc thù, thay đổi cách xúc tiến đầu tư. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Năm 2025, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều khó khăn, thách thức. Tại kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh phiên cuối năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành, tạo nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc vững vàng, tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Do vậy, cả hệ thống chính trị sẽ phải vận hành với tinh thần mới, cán bộ phải quyết tâm hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì mới tạo ra động lực mới cho phát triển KT-XH và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để khơi thông các nguồn lực, nhất là các động lực mới đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngày 12/12, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 45 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.
Theo đó, tỉnh đã cụ thể các chỉ tiêu về KT-XH, môi trường với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT-XH theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh xử lý kịp thời các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn của các ngành, lĩnh vực, địa phương, đặc biệt các tồn tại, hạn chế đã được các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương và tỉnh chỉ ra.
Từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ để triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển nhà ở xã hội, phát triển đô thị. Quyết liệt đôn đốc chủ đầu tư các khu đô thị hoàn thiện hạ tầng, xây dựng chế tài mạnh xử lý đối với các dự án đô thị chậm bàn giao.
Đặc biệt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thu hút các nguồn lực; tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng để phát triển các khu công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu, tăng năng lực sản xuất.
Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư thực chất hơn, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, có giá trị gia tăng cao, tham gia toàn diện vào chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp công nghệ số; công nghiệp sản xuất vật liệu mới... Phấn đấu năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng từ 8 - 9%.