Đồng bộ căn cước công dân với mã số thuế: Bước tiến lớn trong cải cách hành chính

Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, việc đồng bộ hóa số căn cước công dân, mã định danh với mã số thuế mang lại nhiều lợi ích quan trọng, tăng tính minh bạch, thúc đẩy tuân thủ pháp luật của người bán hàng, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

Định danh người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử thông qua VNeID

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) để định danh người bán hàng trên các sàn TMĐT thông qua VNeID.

Việc tích hợp căn cước công dân, mã định danh với mã số thuế đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Việc tích hợp căn cước công dân, mã định danh với mã số thuế đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo Nghị quyết 09/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi để thực hiện việc định danh người bán hàng trên các TMĐT thông qua việc sử dụng VNeID.

Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp kết nối đồng bộ các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích là chia sẻ, khai thác dữ liệu của người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ cấp số định danh và căn cước công dân. Đồng thời, các hệ thống này cũng sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để phục vụ việc cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để cung cấp chứng thư số, đáp ứng các yêu cầu của các cơ sở giáo dục đào tạo theo quy định.

Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng tài liệu nghiệp vụ và chức năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia, gửi Bộ Công an để phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản 8871/VPCP-KSTT ngày 2/12/2024.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu xây dựng các yêu cầu và tính năng của hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Công an để đầu tư, xây dựng, quản trị và vận hành các hệ thống này tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 20/9/2024 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 4/9/2024.

Lợi ích từ việc đồng bộ số căn cước công dân, mã định danh với mã số thuế

Trao đổi với PetroTimes, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín nhận định, việc định danh người bán hàng trên các sàn TMĐT thông qua VNeID sẽ mang lại nhiều tác động tích cực không chỉ cho nền kinh tế mà còn đối với cả người tiêu dùng.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín.

Việc sử dụng VNeID xác thực danh tính của người bán hàng giúp giảm thiểu tình trạng gian lận, lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn TMĐT. Người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi mua sắm vì biết rõ danh tính và thông tin của người bán. Quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ nhờ vào sự xác thực và giám sát từ cơ quan chức năng.

“Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế… có thể dễ dàng theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, khuyến khích việc tuân thủ các quy định pháp lý. Khi người bán hàng được định danh rõ ràng, họ sẽ có trách nhiệm cao hơn trong việc tuân thủ các quy định pháp lý, bao gồm các quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng và các quy định khác liên quan đến TMĐT”, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Được, trước khi định danh người bán hàng trên các sàn TMĐT thông qua VNeID để quản lý và thu thuế, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ người dân tích hợp và đồng bộ số cước công dân, mã định danh với mã số thuế. Người dân chỉ phải tham gia vào quá trình này đối với những trường hợp mã số thuế và số căn cước công dân không trùng khớp nhau hoặc có hai mã số thuế.

Quá trình này nhằm giảm bớt các thủ tục phiền hà, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức của người dân và nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Theo chính sách hiện hành, tổ chức, cá nhân bán hàng trên các sàn TMĐT sẽ phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế bất kể là người bán trong nước hay nước ngoài. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng và tránh thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT. Đối với trường hợp người bán hàng là người Việt Nam, việc kê khai và nộp thuế được thực hiện như các hoạt động kinh doanh thông thường. Tuy nhiên, đối với trường hợp người bán hàng là người nước ngoài, sàn TMĐT tại Việt Nam phải có nghĩa vụ thu thuế và nộp cho cơ quan thuế thay cho cá nhân nước ngoài theo quy định.

Việc định danh người bán hàng trên các sàn TMĐT cũng được nâng cao thông qua việc đồng bộ hóa số căn cước công dân, mã định danh với mã số thuế.

Ví dụ, khi đã định danh, trong trường hợp người Việt Nam bán hàng trên sàn quốc tế, dòng tiền từ nước ngoài chuyển về tài khoản tại Việt Nam, cơ quan thuế phối hợp với các tổ chức tín dụng khai thác dữ liệu tài khoản ngân hàng, đây chính là cơ sở để cơ quan thuế yêu cầu kê khai và nộp thuế khi người bán không tự giác tuân thủ pháp luật thuế.

“Mặc dù có một số khó khăn do sự chưa đồng bộ giữa mã số thuế và số căn cước công dân, nhưng các cơ quan quản lý đang phối hợp chặt chẽ để tích hợp và tự động hóa quy trình, giúp người dân dễ dàng tuân thủ các quy định”, chuyên gia Được cho biết.

Cũng theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, việc đồng bộ hóa số căn cước công dân, mã định danh với mã số thuế giúp người dân đơn giản hóa thủ tục hành chính, không cần ghi chép, nhập liệu hay kiểm tra đối chiếu và lưu trữ nhiều loại giấy tờ như trước đây. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu phiền hà trong các giao dịch hành chính.

Ngoài ra, người dân không cần thực hiện các thủ tục đăng ký mã số thuế hoặc xử lý các tình huống liên quan đến thu hồi mã số thuế như trước. Việc tích hợp này giải quyết hiệu quả các vướng mắc thực tế, từ quản lý mã số thuế cá nhân đến đăng ký mã số thuế cho trẻ em thừa kế tài sản hoặc nhận quà tặng, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng đặc thù như nghệ sĩ nhí…

“Việc định danh người bán hàng trên các sàn TMĐT thông qua VNeID không chỉ giúp tăng cường sự minh bạch, bảo mật, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và phát triển TMĐT tại Việt Nam", chuyên gia Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dong-bo-can-cuoc-cong-dan-voi-ma-so-thue-buoc-tien-lon-trong-cai-cach-hanh-chinh-723208.html