Đồng bộ giải pháp giảm phát thải giao thông đường bộ
Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, hiện vận tải đường bộ có nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành giao thông.
Một mâu thuẫn nảy sinh trong sự tăng trưởng số lượng phương tiện cá nhân là vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải độc hại từ động cơ xe ô tô, xe máy thải ra.
Nguồn ô nhiễm này trở thành mối đe dọa chính cho cuộc sống của con người, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ xe cơ giới cao như Hà Nội hay TP.HCM.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi các dòng phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả và mang ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Chính phủ rất quyết tâm với vấn đề chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải. Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT: “Chính phủ cần sớm có công bố về lộ trình dừng sản xuất và dừng lưu hành phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sớm cung cấp cho người dân những hiệu quả, những lợi ích thực sự của các phương tiện thuần điện. Để từ đó, người dân có những quyết định sáng suốt nhất trong việc lựa chọn phương tiện nào sử dụng trong tương lai”.
Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ô tô, hơn 6,6 triệu xe máy. Con số này tăng khoảng 10% mỗi năm. Ô nhiễm trong giao thông vận tải chiếm khoảng 70% trong đô thị.
Thành phố dự kiến chi hàng chục nghìn tỷ đồng từ nay đến năm 2030 để thay thế, đầu tư mới xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh với ba kịch bản: kịch bản một là 100% xe buýt điện; kịch bản hai, đến năm 2026-2030 sẽ có 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; kịch bản ba, sẽ có 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.
Việt Nam đã có cam kết chuyển đổi xanh, mục tiêu Zero Carbon vào năm 2050. Nếu không có sự chuyển dịch mạnh mẽ thì Việt Nam khó hoàn thành cam kết, sẽ rơi vào thế tụt hậu và đứng bên lề cuộc đua tranh phát triển.
Theo Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.
Hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và bảo vệ môi trường sẽ là nền tảng để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và thúc đẩy chuyển dịch từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.