Đồng bộ triển khai chương trình mới

Thay vì triển khai song song hai chương trình GD phổ thông, từ năm học 2024 - 2025, các trường bắt đầu thực hiện đồng bộ CT mới ở tất cả khối lớp.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Những thuận lợi có thể nhìn thấy ngay là kinh nghiệm và sự chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ, cơ sở vật chất…) sau một số năm triển khai chương trình mới dần ổn thỏa; chỉ phải tập trung thực hiện một chương trình. Khó khăn, vướng mắc trong phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới cơ bản được tháo gỡ. Các cơ sở giáo dục ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai chương trình; tổ chức quản lý dần chuyển theo hướng quản trị nhà trường...

Tuy nhiên, kèm theo đó là yêu cầu cao hơn, hướng đến chiều sâu chất lượng; đặc biệt 2 kỳ thi quan trọng nhất ở phổ thông là tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 đều lần đầu tiên được tổ chức từ năm học này.

Có thể thấy, bước vào năm học mới với các trường tiểu học khá nhẹ nhàng, vì thời gian thử thách nhất, khi bắt đầu yêu cầu dạy bắt buộc Tin học, Ngoại ngữ từ lớp 3 đã qua. Bộ GD&ĐT thông tin, năm học 2023 - 2024, 100% cơ sở giáo dục tiểu học trong cả nước đã tổ chức dạy Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4. Tỷ lệ lớp 3, 4 được học đủ 4 tiết/tuần theo quy định đạt 99,85%; chỉ còn 0,15% chưa được học đủ 4 tiết/tuần tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, xa.

Tuy nhiên, ở THCS, việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt là Khoa học tự nhiên cần nỗ lực cao nhất, bởi kiến thức từng phân môn khó lên; cùng đó là chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đổi mới. Giáo dục THPT tương tự khi cả thầy và trò đều cần cố gắng cao độ trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.

Những khó khăn chưa được giải quyết triệt để ở các năm học trước cũng là thách thức đặt ra, như triển khai dạy học các môn học tích hợp, nội dung giáo dục địa phương, tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp…; khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thiếu giáo viên và một bộ phận nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Nhận thức rõ thuận lợi, khó khăn, các nhà trường và ngành Giáo dục địa phương đã chuẩn bị để sẵn sàng tâm thế triển khai đồng bộ Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp, đặc biệt là lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến đội ngũ giáo viên với các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm…

Được lựa chọn dạy lớp 9, lớp 12 là những thầy cô nhiều kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn, tâm huyết. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường - điều thể hiện bản sắc, tính chủ động của mỗi cơ sở giáo dục - được quan tâm đặc biệt, thực hiện từ sớm. Kế hoạch giáo dục được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và yêu cầu chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018; tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm để tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực.

Bên cạnh tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, năm học 2024 - 2025, chắc chắn các nhà trường sẽ chú trọng đặc biệt đến đổi mới kiểm tra đánh giá. Bởi cùng với định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT có thay đổi, sự khác biệt quan trọng nhất có lẽ chính là về nội dung, yêu cầu cần đạt của các môn thi theo Chương trình GDPT 2018, thay vì theo Chương trình GDPT 2006. Giúp học sinh nắm chắc kiến thức, yêu cầu của chương trình là mục tiêu cơ bản các trường hướng đến để bảo đảm chất lượng giáo dục, trước mắt là đáp ứng được yêu cầu của hai kỳ thi đổi mới.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-bo-trien-khai-chuong-trinh-moi-post697698.html