Đồng bộ trong sửa luật để tránh mâu thuẫn
Để tránh tình trạng luật mới thông qua chưa bao lâu đã phải sửa, ngay từ bây giờ, cần phải sửa đổi, bổ sung dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 (gọi tắt là Dự thảo luật). Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung thu hút sự chú ý là Điều 25 liên quan đến chế độ, hình thức làm việc có thời hạn hay không có thời hạn.
Điều 25 quy định những gì?
Điều 25 của Dự thảo luật quy định về các loại hợp đồng làm việc, như sau:
Thứ nhất, hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người mới trúng tuyển vào viên chức.
Kể từ ngày 1.7.2020, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Thứ hai, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp sau đây: viên chức đã ký kết hợp đồng làm việc trước ngày 1.7.2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định; viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Từ quy định trên, “diễn nôm” cho dễ hiểu, từ ngày 1.7.2020, khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, những trường hợp nào ký hợp đồng sau ngày này sẽ là hình thức hợp đồng lao động có thời hạn. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với những trường hợp viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều này có nghĩa, những trường hợp được tuyển dụng mới hoặc tuyển dụng trước ngày 1.7.2020 nhưng chưa được ký hợp đồng không xác định thời hạn thì phải ký hợp đồng có thời hạn. Theo quy định, hợp đồng có thời hạn, sau 12 tháng cho đến 36 tháng thì người sử dụng lao động và người lao động thương thảo để ký lại một lần. Đây chính là điều mà nhiều người vẫn nói là “xóa biên chế suốt đời”.
Làm việc trong trạng thái hồi hộp?
Câu chuyện “bỏ biên chế suốt đời” (nói cho đúng là bỏ hình thức hợp đồng không thời hạn trong thời gian làm việc đối với viên chức) đã từng được bàn luận rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chuyện giữ hay bỏ biên chế vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới viên chức, công chức. Theo ý kiến của một vị làm công tác tổ chức trong ngành Giáo dục Tây Ninh, thực ra việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trong đó phần quy định bỏ biên chế suốt đời không quá quan trọng.
Người này phân tích, hiện tại, viên chức làm trong các cơ quan hành chính, cơ quan sự nghiệp công lập có thể chia làm hai loại, gồm hợp đồng lao động có thời hạn và không xác định thời hạn. Trong đó, trường hợp lao động ký hợp đồng có thời hạn thì đã rõ, tức sau khi hết hạn, có ký tiếp hay không do hai bên thỏa thuận hoặc tùy tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị. Loại thứ hai, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có nghĩa là làm việc lâu dài. Tuy nhiên, cần hiểu đúng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn không có nghĩa là người lao động không bị sa thải.
“Bất kỳ hình thức hợp đồng nào, nếu người lao động vi phạm cũng bị kỷ luật hoặc sa thải, dù đó là hợp đồng có thời hạn hay không xác định thời hạn”- vị cán bộ chỉ rõ. Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc bỏ biên chế suốt đời là một chủ trương đúng.
“Khi người lao động nghỉ việc, thay vì được trả nửa tháng lương cho mỗi năm làm việc như trước, hiện nay, chính sách đó không còn, người lao động hưởng theo chế độ bảo hiểm. Đó chính là hội nhập quốc tế, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”- người này nói.
Hồi tháng 5.2019, ông Trịnh Ngọc Phương, ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh bày tỏ quan điểm, chủ trương bỏ biên chế suốt đời là cần thiết và đúng đắn. “Hiện nay, biên chế đã và đang là một bài toán khó đối với Chính phủ. Mặc dù chính sách tinh giản biên chế đã đạt được phần nào kết quả nhưng số lượng người làm công ăn lương vẫn rất nhiều.
Tổ chức bộ máy, như đã đề cập nhiều lần, còn cồng kềnh, hiệu quả hoạt động, năng suất lao động chưa cao. Mặt khác, chủ trương của Đảng và Nhà nước là thu hút những người thật sự có trình độ, có khát vọng cống hiến vào làm việc trong khu vực công mà chúng ta thường nghe nói là thu hút nhân tài.
Vấn đề đặt ra là, mình thu hút, kêu gọi họ về phục vụ, cống hiến nhưng hết biên chế rồi, còn chỗ đâu sắp xếp? Đã đề cao và triển khai thực hiện chính sách đào tạo, thu hút người có tài mà lại cứ duy trì chính sách như hiện nay thì không có cách nào bố trí việc làm cho người tài. Một lãnh đạo hết tuổi, nghỉ hưu hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, bị kỷ luật chẳng hạn mới rời khỏi vị trí đang ngồi. Chờ đến đó thì rõ ràng cơ hội dành cho những người có trình độ, tâm huyết đã qua mất rồi”- ông Trịnh Ngọc Phương nói.
Nếu không bỏ biên chế suốt đời, tiếp tục duy trì chính sách như hiện tại thì làm thế nào để cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức? Trả lời câu hỏi này, ông Phương đề xuất: “Trước hết phải rà soát thật nghiêm túc để loại bỏ, sa thải những người không có khả năng làm việc hoặc chây ỳ, không chịu làm việc.
Tiếp theo, trao quyền cho người đứng đầu được quyền tuyển dụng cũng như có quyền sa thải người lao động. Thực tế hiện nay, việc tuyển một công chức, viên chức thì dễ nhưng để sa thải họ là không đơn giản, trừ khi người đó liên tiếp hai năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm pháp luật. Có một thực tế chúng ta nên nhìn nhận thẳng thắn, đó là chuyện đánh giá, xếp loại công chức, viên chức phần lớn không chính xác, bởi vì việc làm đó còn nặng tính hình thức. Điều này giải thích vì sao, việc sa thải một công chức, viên chức vô cùng khó khăn, dù thái độ, ý thức lao động, hiệu quả làm việc thấp”.
Có nhiều ý kiến lo ngại, nếu bỏ biên chế suốt đời, người lao động khó an tâm làm việc, vì vừa làm vừa lo sau 3 năm không biết có được người đại diện cho Nhà nước ký hợp đồng nữa hay không. Về vấn đề đó, theo đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương, một khi đã quyết định bỏ biên chế suốt đời thì nên nhìn nhận vấn đề đó theo một hướng khác. Đó là gì? Công chức, viên chức phải ý thức rằng, tiền lương hằng tháng mà mình lãnh là từ nguồn ngân sách, nói khác đi, đó là tiền thuế của người dân. Do vậy, đòi hỏi người làm công ăn lương phải thật sự nghiêm túc, tận tụy trong công việc, nhiệm vụ được giao.
Tới đây, Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm, đồng thời căn cứ vào năng suất lao động để đánh giá, xếp loại công chức, viên chức. “Anh cần biết rằng, nếu anh có ý thức, thái độ làm việc đàng hoàng, hoàn thành nhiệm vụ được giao thì không ai vô cớ sa thải anh được. Đồng tiền Nhà nước bỏ ra thì Nhà nước có quyền đòi hỏi anh phải làm xứng đáng chứ không phải để anh “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Anh làm việc tốt thì anh tồn tại, không ai làm gì anh hết. Còn nếu không, trong cơ quan, chuyện có vào có ra, có đến có đi là bình thường”.
Cũng tại thời điểm giữa năm 2019, khi thông tin về bỏ biên chế trong suốt thời gian viên chức đang trong độ tuổi làm việc được công bố, có nhiều ý kiến đề nghị, nếu bỏ biên chế đối với viên chức thì xem xét bỏ luôn đối với công chức. Khi được hỏi về đề xuất này, ông Phan Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ- người giàu kinh nghiệm về công tác tổ chức Nhà nước nhìn nhận, chủ trương bỏ chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức là đúng, nhưng đối với công chức thì nên giữ.
Ông Phan Văn Sử phân tích, những người làm trong bộ máy Nhà nước, ở đây là công chức, lãnh đạo khi có vấn đề gì đó buộc phải áp dụng các biện pháp chế tài hoặc thôi việc hoặc nghỉ hưu theo nguyện vọng thì đó là điều bình thường. Nhưng nếu những công chức, lãnh đạo không gặp phải các tình huống nêu trên thì nên duy trì chính sách như hiện nay để bảo đảm tính hài hòa, có như thế đội ngũ công chức mới yên tâm làm việc.
Tất nhiên, chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhưng rõ ràng, nếu bỏ luôn biên chế đối với công chức thì không phải không có những băn khoăn. “Bỏ biên chế đối với viên chức thì dễ hiểu, vì thực chất đó là những người hợp đồng theo công việc.
Còn bỏ luôn biên chế đối với công chức thì hơi... căng, vì công chức là cái khung sườn của bộ máy Nhà nước, không thể cho nghỉ việc một cách đơn giản”- ông Phan Văn Sử nói. Ông Phan Văn Sử cũng lưu ý, cần phải có chế tài, ràng buộc người đứng đầu để họ- những người sử dụng viên chức bảo đảm quyền lợi cho viên chức một cách công bằng, khách quan, hợp lý nhất để không xảy ra chuyện thích thì dùng không thích thì cho thôi việc. Để làm được điều đó phải xây dựng hành lang pháp lý để hai bên, gồm người sử dụng viên chức và viên chức ý thức được trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên, không để xảy ra lạm quyền.
Phải sửa… Bộ luật Lao động sửa đổi ?
Theo phân tích của một số ĐBQH, nếu bỏ chế độ biên chế, chuyển sang ký hợp đồng không thời hạn thì điều đó trái với quy định của Bộ luật Lao động- bộ luật được coi là luật gốc đối với người lao động. Bộ luật Lao động quy định, không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần, có nghĩa, sau hai lần ký hợp đồng có xác định thời hạn thì phải chuyển sang ký hợp đồng không thời hạn, tức lâu dài.
Nếu tiếp tục ký hợp đồng có xác định thời hạn thì chẳng những trái với Bộ luật Lao động mà còn nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối ở phía sau. Trong đó, quy định ký hợp đồng lao động có thời hạn sẽ khiến người lao động không yên tâm làm việc, vì không biết sau khi hết hợp đồng có được ký tiếp hay không. Như vậy, chủ trương tuyển dụng người có tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn, vì người lao động vừa làm việc vừa nơm nớp lo bị sa thải.
Tại thời điểm này, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (đang được lấy ý kiến rộng rãi) không thấy đề cập đến sửa đổi nội dung quy định “không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần”. Trong các nhóm nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động được đưa ra để lấy ý kiến của giới công nhân, người lao động, viên chức… không thấy nội dung nêu trên.
Như vậy, để tránh tình trạng luật mới thông qua chưa bao lâu đã phải sửa, ngay từ bây giờ, cần phải sửa đổi, bổ sung dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nếu không sửa, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (nếu chủ trương bỏ biên chế được thông qua) sẽ mâu thuẫn với Bộ luật Lao động.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/dong-bo-trong-sua-luat-de-tranh-mau-thuan-a116051.html