Đóng các lối mở nhỏ lẻ qua đường sắt tại Hà Nội
Sau 2 vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp những ngày đầu năm mới qua địa phận các huyện Thường Tín, Thanh Trì (Hà Nội), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo chi tiết, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn và có phương án bảo đảm an toàn ngay tại các vị trí lối mở qua đường sắt trên toàn mạng lưới, kiểm tra quy trình an toàn chạy tàu.
Làm rõ nguyên nhân
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) báo cáo nguyên nhân của 2 vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp. VNR có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn đường sắt; tăng cường kiểm tra, rà soát thiết bị cảnh báo an toàn đường sắt; thông tin về lịch chạy tàu với chính quyền địa phương để tổ chức cảnh giới. Cục Đường sắt Việt Nam siết chặt quản lý, cảnh giới lối đi tự mở tại 2 địa phương trên.
Cụ thể, ngày 28/1, trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội) xảy ra tai nạn giữa tàu khách SE5 và xe đầu kéo chở sắt, làm một nhân viên gác chắn bị thương, xe đầu kéo và đầu máy HSE5 hư hỏng.
Ngay hôm sau (ngày 29/1), vụ tai nạn thứ 2 xảy ra tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) giữa ô tô với tàu khách SE36 đang di chuyển theo hướng Thường Tín - Giáp Bát, khiến một ô tô con bị nát đầu, thanh chắn tự động bị gãy hỏng.
Hai vụ tai nạn đã cho thấy vấn đề về thao tác của nhân viên gác chắn và ý thức tham gia giao thông của lái xe ô tô, cũng như những nguy cơ mất an toàn tại các lối mở.
Nguyên nhân các vụ việc và thiệt hại đang được điều tra làm rõ, nhưng qua kiểm tra hiện trường của lực lượng chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định do nhân viên cảnh giới địa phương đã không làm tín hiệu cho lái tàu dừng tàu khi xe đầu kéo rơ moóc chở sắt mắc kẹt trên lối đi tự mở, mặc dù trước khi tàu va, xe đầu kéo mắc kẹt khá lâu trên giao cắt này và các nhân viên cảnh giới tại chỗ đều đã được học bài bản về nghiệp vụ gác đường ngang, cấp chứng chỉ. Thêm vào đó, tại các vị trí lối mở xảy ra tai nạn chưa cắm biển hạn chế, nên xe đầu kéo mới đi qua, trong khi trách nhiệm cắm biển thuộc Hà Nội.
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh khi đi kiểm tra hiện trường lối đi tự mở qua huyện Thường Tín do Hà Nội tổ chức cảnh giới, đặc biệt là tại Km 28+800 - vị trí xảy ra vụ tai nạn tàu SE5 ngày 28/1, tại các lối đi tự mở có bố trí chòi gác và thiết bị cảnh giới theo quy định, nhưng bề mặt giao cắt không êm thuận, cao độ giữa đường sắt - Quốc lộ 1A lớn, góc cua hẹp, che khuất tầm nhìn...
Còn ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh (đơn vị thực hiện công tác an toàn đường sắt địa phương), hết tháng 1/2023, tổng số lối đi tự mở trên địa bàn huyện Thường Tín là 74 vị trí, trong đó có 35 lối đi tự mở có chiều rộng nhỏ hơn 1,5m; 10 lối đi tự mở có chiều rộng từ 1,5 - 3m; 24 lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m và 5 lối đi tự mở vào nhà dân. Công ty đã chủ động lắp đặt biển chú ý tàu hỏa 41 lối đi tự mở. Phối hợp với địa phương rào và thu hẹp 25 lối đi tự mở và xây dựng 1 gờ giảm tốc.
Theo quy định hiện hành, tại các lối đi tự mở, địa phương phải rào, thu hẹp chiều rộng lối đi và cắm biển báo chỉ cho xe có trọng tải 2,5 tấn và xe khách dưới 9 chỗ ngồi qua lại, nhưng hiện địa phương chưa cắm biển và nhân viên cảnh giới thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp, không làm tín hiệu dừng tàu cho lái tàu kịp thời để ngăn ngừa tai nạn.
Đóng tất cả các lối đi chỉ phục vụ một vài hộ dân
Qua tìm hiểu, tuyến đường sắt Bắc Nam qua huyện Thường Tín dài 17,2 km, đi qua 11 xã, với nhiều khu dân cư đông đúc, lưu lượng người và phương tiện qua lại các giao cắt đường bộ - đường sắt, trong đó có lối đi tự mở lớn. Thời gian qua, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại địa phương, huyện Thường Tín đã phối hợp với đường sắt rào, thu hẹp và xóa lối đi tự mở. Cụ thể, năm 2018 đóng 43 lối, năm 2020 đóng 50 lối, thu hẹp 11 lối, năm 2022 đóng 10 lối... Kế hoạch năm 2023 sẽ tiếp tục khảo sát để thực hiện đóng tiếp.
Quan điểm của lãnh đạo huyện Thường Tín là sẽ phải đóng tất cả các lối đi chỉ phục vụ cho một vài hộ dân, nhất là các hộ vi phạm đất dọc đường sắt, tự mở lối qua đường sắt. Tuy nhiên, đối với các lối đi tồn tại do lịch sử, lối vào các trung tâm dân cư, trung tâm xã, liên huyện chưa thể xóa bỏ được cần có giải pháp cảnh giới hoặc nâng cấp thành đường ngang cảnh báo tự động.
Đối với các lối đi liên xã, liên huyện, huyện Thường Tín sẽ rà soát để xác định loại phương tiện, tải trọng phương tiện được phép đi qua để cắm biển báo, biển hạn chế; rào thu hẹp các lối quá rộng, chỉ cho người dân qua, không cho phương tiện qua.
Về vấn đề này, ông Trần Thiện Cảnh cho biết, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn huyện Thường Tín để thống nhất biện pháp quản lý, đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn. Đối với các lối đi rộng hơn 3m đi vào đường liên xã, liên huyện đề xuất điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành để có thể nâng cấp các lối đi tự mở thành các đường ngang hợp pháp; đồng thời, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, sát hạch lại lực lượng cảnh giới. Trong năm 2023, Cục sẽ xây dựng kế hoạch sửa chữa hạ tầng như: Giảm độ dốc, cải tạo khúc cua, đảm bảo êm thuận tại các lối đi tự mở, tạo thuận lợi cho các phương tiện qua lại, cắm biển hạn chế phương tiện.
VNR cũng kiến nghị TP Hà Nội tổ chức kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn phù hợp với từng lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, nhất là các lối đi tự mở rộng hơn 3 m, có đường bộ chạy song song với đường sắt và lưu lượng xe cơ giới đường bộ có tải trọng lớn qua lại. Nhất là hạn chế phương tiện giao thông qua các giao cắt này, chỉ cho phép xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn qua lại theo Điều 7, Khoản 2.2, mục a, Quy chế phối hợp số 33/QCPH-BGTVT-UBND ngày 16/8/2013 giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội.