Đồng cảm với người khuyết tật
Chị Nguyễn Thị Dung ở Yên Sơn rất buồn khi biết cô con gái mới sinh chân bị khoèo. Nhờ mọi người giới thiệu, chị Dung đưa con đến sớm gặp kỹ thuật viên chỉnh hình Nguyễn Hữu Dũng - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen (Tuyên Quang). Qua thăm khám tỷ mỉ và bắt tay vào công đoạn chỉnh hình đầy gian khó, cả kỹ thuật viên và người nhà bệnh nhân luôn phối hợp nhịp nhàng, kiên trì với từng động tác, phác đồ. Công việc cứ lặp đi lặp lại vài tháng trời lặng lẽ như vậy, và kết quả chân cháu đã dần thẳng trở lại trong sự kinh ngạc của gia đình.
Con đường đến với nghề
Kỹ thuật viên chỉnh hình Nguyễn Hữu Dũng, sinh năm 1967, lớn lên tại phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang trong một gia đình bố mẹ đều làm giáo viên. Ai cũng động viên anh đi theo nghề giáo, tuy nhiên anh lại đam mê nghề sửa chữa máy móc, điện tử, điện lạnh. Sau khi học xong THPT, năm 1984 anh theo học Trường Công nhân kỹ thuật sửa chữa thiết bị y tế Hà Nội. Gọi là học công nhân nhưng cũng mất 3 năm học tập trung, năm 1987 anh Dũng ra trường về công tác tại Bệnh viện huyện Hàm Yên. Anh được bệnh viện giao làm đúng chuyên môn của mình là sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị y tế của đơn vị trong 12 năm.
Do hoàn cảnh gia đình, anh Dũng đã xin chuyển công tác về Bệnh viện Yên Sơn cho gần nhà. Nghĩ mình phải cần học nâng cao nữa, năm 2000 anh Dũng đi thi và đỗ vào Khoa Điện tử tin học của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai năm sinh viên đèn sách, năm 2002, được sự phân công của tổ chức, anh Dũng tạm dừng học ở Đại học Bách khoa Hà Nội để theo học lớp Kỹ thuật viên chỉnh hình 18 tháng do Hội Chữ thập xanh của Tổ chức Y tế thế giới tài trợ, với mục đích sau khi học xong sẽ về công tác tại Trung tâm Hương Sen.
Ở lớp học anh được giảng viên người nước ngoài truyền đạt những phương pháp, kỹ thuật cơ bản về chỉnh hình mới nhất của thế giới. Đầu tiên là những bài về giải phẫu, sinh cơ học ở người, rồi học về các vật liệu trong ngành chỉnh hình như sắt, gỗ, nhựa, da, băng bột, thạch cao, kỹ thuật, phương pháp chỉnh hình. Người kỹ thuật viên phải học cả dũa, gò, khoan, mài, khoét. Từ các vật liệu đó mà đo đạc làm ra các loại chân, tay giả phục vụ cho người khuyết tật hoặc nẹp chỉnh hình cho bệnh nhân.
Năm 2004 sau khi tốt nghiệp, được Tổ chức Chân tay giả thế giới cấp Bằng Kỹ thuật viên chỉnh hình Bậc II, anh về Trung tâm Hương Sen công tác. Trung tâm cũng tạo điều kiện để anh mở một xưởng chỉnh hình để hoạt động. Hội Chữ thập xanh còn hỗ trợ thêm cho anh về một số thiết bị, máy móc cơ bản, những ngày đầu do còn thiếu dụng cụ, anh còn ra khu bán sắt vụn để tìm kiếm, tự chế một số dụng cụ cần thiết.
Sau quá trình công tác, anh Dũng còn học thêm nhiều lớp về kỹ thuật chỉnh hình ngắn hạn của chuyên gia Thụy Sỹ và một số nước khác. Nhờ có đầu óc linh hoạt, sự đam mê và năng khiếu, anh Dũng trở thành kỹ thuật viên chỉnh hình giỏi hàng đầu của tỉnh. Hầu hết các bệnh nhân cần chỉnh hình và làm chân, tay giả trên địa bàn tỉnh đều tìm đến anh. Đến nay anh không nhớ nổi có bao nhiêu người khuyết tật, bệnh nhân được anh “nắn thẳng”, để họ tự tin hòa nhập với cộng đồng, có chất lượng cuộc sống, tinh thần tốt hơn trước.
Mới đây tỉnh đã tạo điều kiện cho Bệnh viện chuyển về địa điểm mới rộng rãi, tiếp quản cơ sở vật chất trước đây của Trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang tại phường Tân Hà. Tại cơ sở mới, anh Dũng cũng được phân công quản lý một phòng chỉnh hình, sản xuất nẹp chỉnh hình, chân giả trên gối, dưới gối. Phòng này giờ có thêm một kỹ thuật viên chỉnh hình nam trẻ nữa, giúp anh Dũng quán xuyến trong công việc. Theo anh Dũng việc chỉnh hình ít nhất cần hai người kỹ thuật viên trở lên sẽ tốt hơn, hỗ trợ, giúp nhau, nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công việc.
Đồng cảm với người không may mắn
Sau 36 năm công tác, anh Dũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đau đáu truyền lại cho thế hệ đi sau. Anh bảo nghề này kén người nên đòi hỏi người học phải toàn tâm, toàn ý, mang tâm huyết, trách nhiệm và tay nghề phục vụ cho xã hội. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, trong số các bệnh viện, cơ sở y tế chỉ duy nhất có Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen có thể làm được chân, tay giả cho khách hàng, bệnh nhân. Việc nắn chỉnh hình cũng là cơ sở uy tín hàng đầu của tỉnh có kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Biết bệnh viện mới chuyển sang cơ sở mới, thương binh Hoàng Thanh Phong, 59 tuổi ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) mấy ngày hôm nay tìm đến gặp kỹ thuật viên chỉnh hình Nguyễn Hữu Dũng để nhờ anh làm lại chiếc chân giả. Ông Phong bị thương cụt chân phải, đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Trước kia ông Phong cũng đã làm chân giả tại Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen, nhưng lâu ngày cần thay thế chân giả mới. Hai kỹ thuật viên chỉnh hình của bệnh viện lại tiến hành thăm khám, đo đạc tỷ mỉ, vào xưởng chế tạo chân giả mới cho bệnh nhân.
Tôi gặp thương binh Vũ Duy Tân, sinh năm 1967 ở phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đang đi một cái chân trái giả do anh Dũng làm. Ông Tân cho biết, may quá ở Tuyên Quang lại có đơn vị làm được chân giả. Nếu không mọi người phải đi Hà Nội làm rất tốn kém, mà phải đi lại vài lần thử mới xong, trong khi sức khỏe các thương binh không được tốt. Ông Tân đánh giá chất lượng chân giả ở Bệnh viện Phục hồi Hương Sen làm không thua kém ở đâu, đi lại thoải mái, an toàn, độ bền cao, giá lại rất rẻ, thái độ làm việc tận tình, chu đáo, nhanh. Nên anh em thương binh, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh rất tin tưởng, mong bệnh viện ngày càng phát triển.
Ngoài mảng làm chân, tay giả, lĩnh vực nắn chỉnh hình vẹo cột sống, bàn chân khoèo được bệnh viện làm khá tốt. Nhiều cháu bé sinh ra bị dị tật chân khoèo bẩm sinh, anh Dũng đã kiên trì bó bột, tháo bột, lại bó bột lặp đi lặp lại trong nhiều tháng trời. Kết quả chân các cháu bé đã trở lại tư thế như người bình thường, đi lại tốt, khiến nhiều gia đình mừng rơi nước mắt, cảm ơn sự tận tâm của các kỹ thuật viên chỉnh hình.
Mới đây, Đoàn công tác Tập đoàn Medigreif, một tập đoàn y tế lớn của Đức do GS. TS. Dietmar Enderlein, Chủ tịch Tập đoàn Medigreif làm Trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Tập đoàn có thăm, tặng thiết bị y tế cho Bệnh viên Phục hồi chức năng Hương Sen. Ông Chủ tịch tập đoàn và các thành viên của Đoàn công tác rất ấn tượng với xưởng sản xuất chân, tay giả, chỉnh hình của anh Dũng.
Bởi với những thiết bị thủ công, thô sơ và bàn tay tài hoa của người kỹ thuật viên chỉnh hình mà bao mảnh đời được giúp đỡ. Qua chuyến thăm, Bác sỹ chuyên khoa II Trần Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen giới thiệu kỹ thuật viên chỉnh hình Nguyễn Hữu Dũng là người công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm và tâm huyết. Anh đã nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen vì thành tích công tác.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dong-cam-voi-nguoi-khuyet-tat-202407.html