Dòng chảy cách mạng trong một gia đình Sài Gòn
Từ căn hầm bí mật dưới vỏ bọc xưởng bánh tráng ở thôn Vườn Trầu, huyện Hóc Môn, gia đình ông Ngô Văn Ngời và bà Nguyễn Thị Sai đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiếp nối truyền thống gia đình, tám người con của ông bà đều kiên trung đi theo cách mạng, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.

Anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh cùng hai chị ruột trong Nhà truyền thống về Lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Từ căn hầm bí mật
Dưới thời kháng chiến chống Pháp, gia đình ông Ngô Văn Ngời và bà Nguyễn Thị Sai đã cùng địa phương đào hầm, tổ chức nuôi giấu bao đoàn cán bộ tham gia cách mạng từ miền bắc vào. Đến thời chống Mỹ, căn hầm bí mật ấy vẫn là nơi náu thân của nhiều cán bộ. Ngày nhỏ, thấy ba má thay phiên nhau nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ trong căn hầm rộng thênh thang dưới nhà, bà Ngô Thị Cẩm Tiên ngưỡng mộ lắm.
Bà Tiên kể, má nuôi giấu cán bộ của nhiều khối, nhiều phong trào, từ công đoàn, ấp, xã, huyện, thành đến học sinh, sinh viên… Có khi gia đình chứa cả 100 người trong hầm bí mật nằm dưới ngôi nhà rộng rãi, bày trí đơn sơ. Để qua mắt quân địch, tay sai, gia đình tạo vỏ bọc xưởng làm bánh tráng tại 18 Thôn Vườn Trầu (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). “Hầm chứa cán bộ của nhà tôi rộng lắm nên má nhận rất nhiều người. Miệng hầm ngay chỗ má vô trấu đổ bánh tráng. Chẳng ai ngờ, bên dưới chỗ làm bánh tráng nhìn đơn giản ấy, quét lớp trấu đi là có thể mở lối vào hầm trú ẩn. Ngoài lo cơm nước, ba má còn dẫn đường cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”, bà Tiên nhớ lại.
Cậu ruột bà Tiên cũng thường xuyên đưa cán bộ về “gửi gắm”. Lên 9-10 tuổi, bà Tiên đã biết tầm quan trọng của việc bảo vệ sự an toàn cho các lực lượng đang trú ém trong nhà nên cùng các anh chị đề cao cảnh giác. Có lần, bà và chị gái mình là Ngô Thị Cẩm Hương nghi ngờ một tay tự xưng là cán bộ, đến ở nhờ nên liền theo dõi. Cuối cùng, phát hiện ra sự thật tày trời, đó là tên gián điệp, trà trộn vào đây nghe ngóng thông tin về các nhân vật trong danh sách “đáng bị thủ tiêu”. Tên gián điệp sau đó bị tiêu diệt, cả gia đình bà Tiên dặn nhau phải tuyệt đối cẩn thận để bảo đảm an toàn cho cán bộ.
Năm 1957, ông Ngời bị bắt, bà Sai trốn thoát nhờ có tin báo kịp thời. Từ đó, thi thoảng tranh thủ đêm khuya, bà Sai mới đánh liều về nhà thăm các con rồi vội vã đi ngay, sợ liên lụy gia đình. Vợ chồng ông Ngời, bà Sai có 8 người con, sau này tất thảy đều theo cách mạng, góp nhiều chiến tích cho lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Bà Tiên tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1962, khi tròn 19 tuổi.
Bà Tiên kể: “Trước đó, tôi cũng theo anh thứ ba là Ngô Văn Thật tập tành làm giao liên. Má tôi xót con, dặn lo ăn học nhưng tôi trốn đi phục vụ cho tổ chức. Anh ba hay giả bộ đưa tôi đi học lớp này, khóa kia, khi vài ngày, có lúc cả tuần. Đợt tôi bị bắt mấy tháng, sợ má la, anh nói tôi đi cứu trợ lũ lụt miền trung. Sau này má phát hiện tôi theo cách mạng, vừa thương vừa giận, cứ ôm tôi mà khóc. Tôi biết má la vì sợ con cái nguy hiểm giống mình chứ cũng hãnh diện khi mấy anh chị em một lòng theo cách mạng”.
Đến nhà truyền thống Biệt động Sài Gòn
Trong số các người con theo cách mạng của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sai, có hai người mãi mãi không nhìn thấy hòa bình. Đó là ông Ngô Văn Thật, Chánh Văn phòng Khu Đoàn Sài Gòn-Gia Định và ông Ngô Bá Tòng, Đội phó Võ trang Biệt động Thành Đoàn. Trước lúc hy sinh (năm 1967), ông Thật đã kịp thời tạo được thế hệ kế thừa trong gia đình. Đó chính là em út Ngô Tùng Chinh, bí danh Bé Đi. Ông Chinh sinh năm 1953, tham gia cách mạng khi mới 12 tuổi, bắt đầu bằng công việc giao liên, rải truyền đơn. Sau khi hay tin người anh thứ ba hy sinh, ông xin chuyển sang đội Biệt động Sài Gòn-Gia Định để có thể cầm súng đánh Mỹ, trả nợ nước, thù nhà.
Tháng 10/1967, ông Ngô Tùng Chinh được cử đi Bến Tre học khóa lắp ráp vũ khí, chất nổ, đạn dược phục vụ việc đánh giặc ở khu vực nội thành. Không lâu sau, ông trở về Sài Gòn, phụ trách kho vũ khí nhỏ, chuyên tháo lắp vũ khí theo yêu cầu hoạt động của chiến sĩ biệt động ngày ấy. Từ năm 1967 đến năm 1969, cậu bé Chinh đã tiếp nhận và vận chuyển 20 đợt vũ khí, trực tiếp chiến đấu trong 8 trận, cùng đồng đội tham gia 4 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Đặc biệt giai đoạn này, ông có nhiều sáng kiến tạo kíp nổ nhằm gia tăng mức độ an toàn trong quá trình chiến đấu của đồng đội.
Cả gia đình tôi cộng lại có hơn 30 năm ở tù. Thế nhưng, chẳng ai thấy lo sợ! Chúng tôi tự hào khi được theo cách mạng, được chiến đấu và đóng góp cho nền hòa bình hôm nay. Ba má đi trước làm gương, các anh các chị một lòng nối tiếp lý tưởng. Đến tôi là em út, thừa hưởng được bao điều tốt đẹp.
Ông Ngô Tùng Chinh
Những khối mìn nhỏ tự chế của Bé Đi thời điểm ấy khiến nhiều tên tay sai khiếp sợ vì được gài cắm khắp nơi. Đó là lời hồi đáp thích đáng cho thông tin sai sự thật “Sài Gòn không còn bóng dáng Việt cộng”. Năm 1969, ông Chinh bị bắt và giam giữ ở Chí Hòa, chịu án 10 năm khổ sai và 5 năm biệt xứ. Trong tù, ông cùng đồng đội tổ chức các cuộc đấu tranh kiên cường, thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.
Sau giải phóng, ông công tác tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, giữ nhiều vị trí quan trọng, tiếp tục có nhiều đóng góp cho nước nhà. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2009. Ngay tại mảnh đất gia đình sinh sống ở Thành phố Thủ Đức, từ năm 2015, ông bỏ thời gian và kinh phí đầu tư xây dựng Nhà truyền thống để giới thiệu về quá trình chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. “Thời chiến thì đấu tranh, giờ thời bình, tôi tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục để nhiều người, nhất là giới trẻ hiểu rõ hơn về lực lượng biệt động năm xưa”, ông Ngô Tùng Chinh tâm niệm.
“Cả gia đình tôi cộng lại có hơn 30 năm ở tù. Thế nhưng, chẳng ai thấy lo sợ! Chúng tôi tự hào khi được theo cách mạng, được chiến đấu và đóng góp cho nền hòa bình hôm nay. Ba má đi trước làm gương, các anh các chị một lòng nối tiếp lý tưởng. Đến tôi là em út, thừa hưởng được bao điều tốt đẹp”, ông Ngô Tùng Chinh xúc động chia sẻ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-chay-cach-mang-trong-mot-gia-dinh-sai-gon-post876341.html