Dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu vẫn ổn định
Sáng 27/6, dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và lãnh thổ Ukraine vẫn ổn định.
Theo số liệu của công ty vận hành Dòng chảy phương Bắc 1, dòng chảy khí đốt vận chuyển qua tuyến đường ống này vượt biển Baltic sang Đức ở mức 29.289.697 kWh/h, phù hợp với mức trên 29.000.000 kWh/h được ghi nhận vào cuối tuần qua. Đầu tháng này, Gazprom thông báo sẽ giảm 40% công suất vận chuyển qua đường ống do việc trì hoãn trả lại thiết bị bảo trì do tập đoàn Siemens Energy của Đức ở Canada tiến hành.
Trong khi đó, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga cho biết nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Ukraine qua trạm cửa khẩu Sudzha không thay đổi trong ngày 27/6, ngày thứ 4 liên tiếp, ở mức 42,1 triệu m3. Trong khi đó, dòng khí đốt vào Slovakia trung chuyển qua Ukraine thông qua trạm biên giới Velke Kapusany là 36,9 triệu m3/ngày, thay đổi chút ít so với ngày 26/6.
Dữ liệu của công ty vận hành đường ống Gascade cho thấy dòng khi đốt chảy về phía Đông qua đường ống Yamal-châu Âu đến Ba Lan qua Đức cuối tuần qua đã được nối lại. Dòng chảy ra tại trạm đo Mallnow ở biên giới Đức với Ba Lan là 1.863.429 kW/h ngày 27/6. Dòng chảy này đã được nối lại hoạt động vào ngày 25/6 sau khi bị ngừng hoạt động 1 ngày trước đó.
Cùng ngày, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra ở Đức, một quan chức Mỹ cho biết lãnh đạo G7 đang tiến rất gần tới quyết định đề ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ Nga. Theo quan chức này, mục tiêu của kế hoạch này là nhằm lấy đi một nguồn thu chính của Nga cũng như làm hạ giá dầu của nước này.
Quan chức trên cũng cho biết Mỹ sẽ áp mức thuế cao hơn đối với hơn 570 nhóm các mặt hàng của Nga trị giá gần 2,3 tỉ USD.