'Dòng chảy phương Bắc' khoét sâu sự lạnh nhạt giữa Mỹ và Đức

Thủ tướng Angela Merkel đã từ chối lời mời của Tổng thống Donald Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 6 tại Mỹ, trong bối cảnh bất đồng xảy ra giữa hai nhà lãnh đạo. Thái độ bất ngờ của Thủ tướng Đức làm dấy lên những căng thẳng giữa Đức và Mỹ trong tương lai.

Tổng thống Donald Trump hôn xã giao Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G7 vào ngày 25/8/2019, tại Biarritz - Ảnh: AP

Trong một cuộc họp gần đây, hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới được cho là đã có những bất đồng gay gắt về các vấn đề bao gồm NATO, đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc” giữa Đức và Nga, và quan hệ với Trung Quốc, tờ Politico dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Đức và đặc biệt là Thủ tướng Merkel về các vấn đề chi tiêu quốc phòng và cam kết với NATO, trong khi đó bà Merkel công khai đưa ra vấn đề với “cách tiếp cận đơn phương” trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Không có bình luận chính thức nào từ Nhà Trắng hoặc từ chính phủ Đức về các báo cáo này.

Lời từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 của bà Angela Merkel, với lý do cân nhắc liên quan đến tình hình đại dịch Covid-19 nói chung, nhưng các nhà bình luận cho rằng đã có những bất đồng nghiêm trọng giữa hai nhà lãnh đạo lớn hai bờ Đại Tây Dương.

"Thủ tướng Liên bang cảm ơn Tổng thống Trump vì lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 6 tại Washington ... Kể từ hôm nay, bà không thể đồng ý tham gia cá nhân cho hành trình tới Washington", phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết.

Tranh cãi về “Dòng chảy phương Bắc” - Nord Stream 2

Nord Stream 2 là một liên doanh giữa công ty Gazprom của Nga và 5 công ty châu Âu, với đường ống đôi dài 745 dặm dự kiến sẽ vận chuyển tới 1.942 nghìn tỷ khối khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức, thông qua vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nga và Thụy Điển.

Đường ống dẫn khí của "Dòng chảy phương Bắc" Nord Stream 2 - Ảnh: Reuters

Những phản đối đối với dự án đã được Mỹ lên tiếng nhiều lần, họ đang cố gắng thúc đẩy dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình trong thị trường châu Âu, cũng như một số quốc gia châu Âu, những người tuyên bố sẽ trao cho Moscow sức mạnh đối với EU.

Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với dự án vào tháng 12 năm 2019 và nhà thầu Allseas của Thụy Sĩ gần như ngay lập tức đình chỉ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vào tháng 1 rằng, đường ống này sẽ được hoàn thành muộn nhất vào quý 1 năm 2021.

Akademik Cherskiy, một tàu đặt ống của Nga thuộc công ty khí khổng lồ Gazprom, đã bị triệu tập trên vùng Biển Nhật Bản vào tháng 2 năm 2020, ngay sau khi Nord Stream 2 AG, nhà điều hành và xây dựng đường ống gặp rắc rối trong việc hoàn thành dự án do Lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo một tài liệu ngày 4/5 của Đức, các thành viên chủ chốt của dự án, bao gồm cả Đức, khẳng định rằng liên doanh này hoàn toàn có bản chất kinh tế, với việc Berlin tuyên bố họ không có kế hoạch đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ đối với dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

Trong khi đó, Nga coi bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với dự án Nord Stream 2 là cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm luật pháp quốc tế, phát ngôn viên của Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào ngày 28/5, và nhấn mạnh rằng kế hoạch của Nga là đảm bảo dự án vẫn đi đúng hướng.

"Thái độ của chúng tôi đối với bất kỳ sự trừng phạt nào đều được biết đến, là quan điểm tiêu cực không thay đổi”, ông Peskov nói.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc phỏng vấn của tờ báo Đức Handelsblatt với Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, người cho biết Quốc hội Mỹ có thể phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới đối với “Dòng chảy phương Bắc”, để ngăn chặn việc vận hành đường ống, cảnh báo rằng các công ty cung cấp bảo trì kỹ thuật các đường ống có khả năng phải đối mặt với án phạt.

Tàu đặt ống "Akademik Cherskiy" của Nga được chụp trong vùng biển Kaliningrad, Nga - Ảnh: Sputnik

Quan điểm của Đức và thái độ của châu Âu

Gần đây, mối quan hệ giữa Đức và Mỹ không còn êm đềm khi hai bên không ngần ngại chỉ trích nhau và bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề quốc tế.

Trong một bài phát biểu ở hội nghị Munich, thủ tướng Angela Merkel đã chỉ trích chính sách biệt lập và ngoại giao ‘đơn phương’ của Mỹ, cũng như bảo vệ hãng xe BMW và chi tiêu quốc phòng của Đức.

"Chúng ta cần hợp tác. Chủ nghĩa đa phương có thể phức tạp nhưng nó tốt hơn là chỉ đơn giản đứng một mình", bà Merkel dẫn lời thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham.

Đồng thời, Thủ tướng Đức cũng đặt vấn đề "chúng ta đang thấy áp lực rất lớn đối với trật tự đối với trật tự cổ điển mà chúng ta đã quen thuộc. Câu hỏi hiện tại là: liệu chúng ta có phân mảnh và nghĩ rằng mỗi người tự giải quyết vấn đề thì sẽ tốt nhất hay không?".

Bà Merkel thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa dân tộc quốc gia và hoài nghi về hiệu quả của chính sách đối ngoại của ông Trump.

Về phía Mỹ, nước này liên tục thách thức châu Âu và Đức. Cũng tại hội nghị Munich, Phó tổng thống Mike Pence kêu gọi Đức từ bỏ dự án “Dòng chảy phương Bắc” - Nord Stream 2 với Nga, và tăng chi tiêu quốc phòng. Thậm chí, Mỹ còn khiến Đức bị “sốc” khi coi hãng xe BMW của Đức là đe dọa an ninh đối với quốc gia Mỹ.

Hôm 29/5, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Liên minh châu Âu đã họp trực tuyến về Hong Kong, cũng như quan hệ tương lai EU – Trung Quốc. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, khẳng định Liên minh châu Âu rất coi trọng việc bảo đảm quyền tự trị của Hồng Kông, nhưng không cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào Trung Quốc sẽ là giải pháp.

Thủ tướng Angela Merkel khẳng định bà vẫn muốn EU đạt được thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt với Trung Quốc trong năm nay và cho rằng EU cần duy trì một cuộc đối thoại quan trọng và mang tính xây dựng.

Chính trị gia quyền lực nhất châu Âu này cho rằng, EU sẽ tìm cách tránh cuộc đối đầu mở với Bắc Kinh mà Washington đang theo đuổi. Một tuyên bố có thể hiểu rằng, EU trong đó có Đức sẽ đứng ngoài căng thẳng Mỹ-Trung.

Đây có thể xem là một lời “từ chối phũ phàng” về một sự ủng hộ đối với Mỹ, quốc gia mà EU luôn tán thành gần như vô điều kiện suốt nhiều thập kỷ.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang ở thời điểm quyết liệt nhất, sự “lạnh nhạt” của Đức với Mỹ báo hiệu rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn ngay trong lòng châu Âu, kể từ khi nước Anh thực hiện tiến trình “Brexit”.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-chay-phuong-bac-khoet-sau-su-lanh-nhat-giua-my-va-duc-post81046.html