Dòng chảy tri thức phát triển qua các thế hệ tại Hà Nội

Hội sách Hà Nội là một sự kiện thường niên. Qua mỗi năm tổ chức, chương trình đã góp phần gìn giữ và thúc đẩy văn hóa thủ đô phát triển.

 Người dân thủ đô tham gia Hội sách Hà Nội lần thứ IX. Ảnh: Việt Linh.

Người dân thủ đô tham gia Hội sách Hà Nội lần thứ IX. Ảnh: Việt Linh.

Sau 10 năm thực hiện, Hội sách Hà Nội đã trở thành biểu tượng trong văn hóa đại chúng của người dân thủ đô. Qua đó, sự kiện cho thấy khả năng hội nhập của xuất bản trong nước cũng như nỗ lực của thành phố nhằm bảo tồn giá trị truyền thống thống yêu sách.

“Trong thời đại quá nhiều thông tin bão hòa như ngày nay, sách là một dòng chảy song song ở bên cạnh, lưu giữ tri thức qua các thế hệ và trường tồn với thời gian”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Thế giới sách tại thủ đô thay đổi từng ngày

Kể từ năm 2014, Hội sách Hà Nội chính thức được khởi động. Đây là một trong những nỗ lực của thủ đô nhằm nâng cao văn hóa đọc và trưng bày các tác phẩm theo chủ đề. Từ “Sách và Chuyển đổi số”, “Sách và Di sản” cho đến chủ đề năm nay, “Thủ đô văn hiến - Thành phố vì hòa bình”, là một hành trình dài. Sau nhiều năm tổ chức Hội sách, thành phố Hà Nội còn mở thêm đường sách 19/12, Hội sách xuân bắt đầu từ năm 2017. Có thể thấy từng bước một, thế giới sách được mở ra để người dân thủ đô tiếp cận dễ dàng hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, sách luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Nhờ những sáng kiến của thành phố trong nhiều năm gần đây, Hà Nội đã trở thành điểm đến tri thức hấp dẫn, bổ ích đối với người yêu sách.

 Một số đầu sách dành cho thiếu nhi tại hội sách.

Một số đầu sách dành cho thiếu nhi tại hội sách.

Từ sự phát triển của thế giới sách tại thủ đô, có thể thấy ngành xuất bản trong nước cũng đang trải qua một cuộc cách mạng công nghệ lớn. “Chuyển đổi số đã tạo ra những phương thức mới để tiếp cận sách, từ sách điện tử đến các nền tảng đọc trực tuyến, giúp mở rộng đối tượng độc giả và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành. Dư địa phát triển của ngành xuất bản Việt Nam còn rất lớn và chính nhờ những nỗ lực chuyển đổi số này mà ngành xuất bản có thể tiến xa hơn trong tương lai”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Cùng với đó, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, đánh giá rằng văn hóa đọc tại Hà Nội đang có bước tiến lớn nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và công nghệ chuyển đổi số.

“Với sự lan tỏa mạnh mẽ của chuyển đổi số và nỗ lực từ các cấp chính quyền, văn hóa đọc đã phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều tín hiệu tích cực”, ông Nguyễn Nguyên nói.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng nhấn mạnh rằng những sự kiện như Hội sách Hà Nội không chỉ tạo điều kiện để giới thiệu các tác phẩm văn học, lịch sử mà còn là nơi để các nhà xuất bản trưng bày và quảng bá những đầu sách mới, góp phần định hình thói quen đọc sách của người dân.

Nơi hội nhập văn hóa tri thức

Hội sách Hà Nội 2024 không chỉ là một nơi trưng bày, giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay. Mỗi gian hàng nơi đây còn mang một câu chuyện riêng. Đặc biệt, những gian hàng quốc tế xuất hiện bên cạnh không gian sách chuyên đề của thành phố.

Đến Việt Nam từ tháng 7, GS Gian Paolo Casula, Tham tán văn hóa tại Đại sứ quán Italy, đã có dịp tìm hiểu về những tác phẩm đặc sắc của đất nước mình được chuyển ngữ tại Việt Nam. Trong những chuyến đi, ông để ý rằng Việt Nam là một đất nước phát triển và con người rất nhanh nhạy trong việc sử dụng những phương tiện điện tử cá nhân như máy tính bảng, điện thoại thông minh. Tại những nơi GS Gian Paolo Casula đi qua, đa phần mọi người đọc từ những thiết bị như này thay vì sách giấy.

“Chúng ta đang dành quá nhiều sự chú ý cho chuyển đổi số trong bối cảnh hội nhập văn hóa. Tình cờ, ta có thể quên đi giá trị của những cuốn sách giấy truyền thống. Do đó, chúng tôi mang đến đây những tác phẩm kinh điển của Italy được chuyển ngữ bởi những dịch giả hàng đầu tại Việt Nam. Tôi coi chúng như một thông điệp rằng hãy trân trọng những điều cốt lõi, vẻ đẹp ở tầng sâu văn hóa mỗi quốc gia”, GS Gian Paolo Casual cho biết.

 Các đại biểu quốc tế tham quan gian sách tại Hội sách Hà Nội 2024.

Các đại biểu quốc tế tham quan gian sách tại Hội sách Hà Nội 2024.

Bên cạnh câu chuyện về chuyển đổi số, đến với gian hàng của nước bạn Lào, độc giả có thể tìm hiểu về câu chuyện tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước láng giềng và những nỗ lực trong phát triển du lịch của Lào. Theo ông Khamton Samvong, Tham tán Giáo dục, Văn hóa từ Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, các tác phẩm được trưng bày tại Hội sách Hà Nội năm 2024 đa phần hướng về chủ đề ngoại giao giữa hai nước trải dài nhiều thập kỷ. Ngoài ra, một số tác phẩm cũng nói về du lịch Lào, một trong những ngành công nghiệp đang được Lào chú trọng hơn thời gian gần đây.

“Hội sách Hà Nội là một sự kiện tuyệt vời, tôi mong rằng sau từng năm mọi người có thể biết đến nền xuất bản Lào nhiều hơn, từ đó nâng cao việc trao đổi bản quyền giữa các đơn vị sách hai nước”, ông Khamton Samvong cho biết.

Cùng với hai không gian trên, còn có gian sách của Campuchia với những tác phẩm kể về quy hoạch thủ đô Phnôm Pênh, hãng hàng không quốc gia, các bộ luật được xây dựng qua từng năm. Đến với gian hàng của Pháp, bạn đọc lại trở về tuổi thơ với tác phẩm tiêu biểu Những cuộc phiêu lưu của Asterix từng làm mưa làm gió thị trường sách thiếu nhi Việt Nam thập niên 1990.

Đúng như tinh thần hội nhập được ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, nhấn mạnh trong bài phát biểu, Hội sách Hà Nội đã trở thành một nơi giao thoa tri thức. Khi nhìn vào đó, độc giả có thể thấy Hà Nội không chỉ là nơi có nghìn năm văn hiến mà còn là điểm đến quốc tế, thân thiện với bạn bè ở khắp các khu vực khác nhau.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/mot-dong-chay-tri-thuc-phat-trien-qua-cac-the-he-tai-thu-do-post1500683.html