Dòng chảy văn chương TPHCM: Nỗ lực bước ra ngoài biên giới
Trong dòng chảy gần 50 năm qua, dấu ấn văn chương TPHCM còn là những nỗ lực để bước ra bên ngoài biên giới, đưa tác phẩm đến với độc giả quốc tế ngày một nhiều hơn. Và trong hành trình đó, nhiều cái tên đã bắt đầu trở nên quen thuộc với độc giả nhiều nước, điển hình trong số đó có thể kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy, Chu Quang Mạnh Thắng...
Những “chiếc vé” ngày càng nối dài
Năm 2010, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đến Bangkok (Thái Lan) để nhận Giải thưởng văn học ASEAN cho tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương.
“Tôi rất vui và tự hào vì đã góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Quan trọng hơn nữa, thông qua văn chương, bạn bè quốc tế sẽ có thêm hiểu biết và thiện cảm đối với đất nước và con người Việt Nam. Ngoài các kênh ngoại giao chính thức của nhà nước, tôi nghĩ văn chương, âm nhạc, điện ảnh… là kênh “ngoại giao nhân dân” không kém phần quan trọng để dân tộc này yêu mến một dân tộc khác”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tên tuổi nổi bật của văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay, đồng thời ông cũng là người đang có tác phẩm được dịch và phát hành ở nước ngoài nhiều nhất, có thể kể đến như Chúc một ngày tốt lành (tiếng Anh), Ngồi khóc trên cây (tiếng Anh), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (tiếng Nhật, tiếng Anh), Mắt biếc (tiếng Nhật), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản), Cô gái đến từ hôm qua (được chọn đưa vào chương trình dạy tiếng Việt của Đại học M.V.Lomonosov, Moskva, Nga), Đi qua hoa cúc (Nhật Bản), Tôi là Bêtô (Hàn Quốc)…
Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một số tác giả của TPHCM cũng có tác phẩm bước ra thế giới bằng nhiều cách thức khác nhau. Có thể kể đến Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Anh, Hàn Quốc và Hungary); Dương Thụy với Oxford thương yêu (Anh), Nhắm mắt thấy Paris (Anh), Cung đường vàng nắng (Anh); Chu Quang Mạnh Thắng với Scene di vita in Vietnam (Anh, Trung Quốc, Italy), Đỗ Quang Tuấn Hoàng với Vắt qua những ngàn mây (Trung Quốc), Vũ Đình Giang với Song song (Pháp, Anh)…

Gian hàng giới thiệu các xuất bản phẩm của TPHCM tại Hội sách Frankfurt 2024 (Đức)
Đặc biệt, những năm gần đây xuất hiện xu hướng làm sách mới khi kết hợp giữa văn học và hội họa để tạo nên những cuốn sách tranh hấp dẫn độc giả nhỏ tuổi. Nhờ cách làm này, nhiều tác giả đã có những tác phẩm được bán bản quyền ra nước ngoài như Bùi Phương Tâm với Đúng là Tết, Bỏ điện thoại xuống nào, Ba tớ là Runner.
Một số họa sĩ kiêm tác giả như Khoa Lê, Phạm Quang Phúc, Phùng Nguyên Quang, Huỳnh Kim Liên lại có tác phẩm được giải thưởng hoặc được xuất bản ở nước ngoài, sau đó được NXB Kim Đồng mua bản quyền và dịch sang tiếng Việt.
Chỉ tiếc rằng, số lượng tác phẩm của TPHCM cũng như Việt Nam được dịch và phát hành ra nước ngoài hiện vẫn chưa nhiều, đa số các tác phẩm được bán bản quyền ra nước ngoài hiện nay đều xuất phát từ cá nhân hoặc từ nỗ lực của các đơn vị xuất bản như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Chibooks chứ vẫn chưa có một chiến lược cụ thể nào mang tầm quốc gia hoặc thành phố để có thể giúp câu chuyện mang văn học Việt ra nước ngoài đạt hiệu quả cao hơn.
Cần cả quyết tâm lẫn quyết sách
Với mục tiêu góp phần thực hiện việc giới thiệu những tác phẩm văn chương của TPHCM đến với bạn đọc của nhiều quốc gia, vào tháng 4-2022, Hội Nhà văn TPHCM tái thành lập Hội đồng Văn học dịch. Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, hoan nghênh sự ra đời của Hội đồng Văn học dịch, bởi đây cũng là hình thức mang văn hóa Việt Nam phổ biến ra nước ngoài, gọi là quyền lực mềm của văn hóa.
“TPHCM vẫn có những tác phẩm, tác giả xứng đáng để dịch. Ví dụ ở giai đoạn đổi mới có những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn, một số tác phẩm viết về chiến tranh của Văn Lê, Nguyễn Quang Sáng. Sau này là những tác phẩm thiếu nhi trong trẻo của Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nhật Ánh, hay một số tác giả trẻ sau này cũng xứng đáng để giới thiệu ra với bạn bè thế giới”, nhà văn Bùi Anh Tấn nhận định khi nhìn lại dòng chảy văn chương của TPHCM gần 50 năm qua.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đã 2 năm trôi qua nhưng ngoài những cuộc giao lưu với quy mô nhỏ gọn vẫn chưa có tác phẩm nào “bước” ra được với thế giới từ Hội đồng Văn học dịch.
Những tác phẩm của TPHCM đi ra với thế giới đa phần đến từ sự nỗ lực của cá nhân và các tổ chức, đơn vị như mới đây Công ty Chibooks vừa bán bản quyền sang tiếng Trung với hai tác phẩm Vắt qua những ngàn mây (Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời (Vũ Thế Long). Đây là thành quả từ hơn 10 năm theo đuổi giấc mơ mang văn chương Việt ra thế giới của đơn vị này.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi giới thiệu các ấn phẩm Việt Nam cho các đối tác tại Hội sách Quốc tế Bắc Kinh vào tháng 6-2024
Trong vai trò Giám đốc Công ty Chibooks, dịch giả Nguyễn Lệ Chi từng tham gia nhiều hội sách trong khu vực cũng như trên thế giới như: Triển lãm sách Quảng Tây (Trung Quốc); các hội sách quốc tế như Kuala Lumpur (Malaysia), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan); Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO)…
Từ những tiếp xúc này, dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho rằng, văn học TPHCM hoàn toàn xứng đáng được giới thiệu ra nước ngoài. Bởi qua văn học, các nước mới có thể giao lưu và hiểu được văn hóa, con người cũng như phong tục tập quán, những biến động về lịch sử, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia.
“Muốn xuất khẩu văn chương TPHCM ra nước ngoài chẳng còn cách nào ngoài dịch thuật, các nước khác cũng như vậy. Điều này chỉ có thể làm được khi có nguồn vốn của nhà nước đầu tư và có sự chỉ đạo một cách quyết liệt. Nếu không có, các công ty nhỏ vẫn làm theo kiểu khả năng đến đâu làm đến đó, đương nhiên thời gian sẽ phải kéo dài và chưa chắc đã thành công. Giống như Chibooks, chúng tôi phải mất hơn 10 năm mới giới thiệu thành công hai cuốn sách ra nước ngoài. Đây là một công việc vô cùng khó khăn”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi bày tỏ.
Nhà văn Bùi Anh Tấn đề xuất: “Thành phố hoàn toàn có thể lập ra một quỹ dịch thuật. Có thể giao cho Sở VH-TT quản lý về tài chính, Hội Nhà văn lo về mặt chuyên môn. Thành phố hiện đã sẵn sàng, có tác giả, tác phẩm, có Hội đồng Văn học dịch, có NXB, công ty in lẫn phát hành. Điều cần bây giờ là sự kết hợp giữa các bên, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM. Có như vậy chúng ta mới có thể dịch và mang những tác phẩm văn chương đặc sắc của TPHCM ra với bên ngoài”.
Trong khi đó, từ ngày 13 đến 22-10-2024, Đoàn công tác TPHCM do Sở TT-TT (nay là Sở VH-TT TPHCM) chủ trì đã tham gia Hội sách Frankfurt 2024 nhằm quảng bá xuất bản phẩm và giới thiệu văn hóa của Việt Nam nói chung cũng như TPHCM nói riêng thông qua các hoạt động tại hội sách. Đây là lần thứ 2 Sở TT-TT TPHCM tham gia hội sách được xem là lớn nhất thế giới này, càng cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của TPHCM trong việc giới thiệu xuất bản phẩm nói chung và các tác phẩm văn chương của TPHCM nói riêng, ra thế giới.
Ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở TT-TT TPHCM, cho biết, sở xác định phải đưa ngành xuất bản TPHCM tiếp cận và vươn ra thị trường thế giới thông qua các hoạt động xúc tiến, tham gia hội sách. Những năm sau, sở sẽ cố gắng làm sao để có hoạt động giới thiệu các tác phẩm văn học của thành phố tại các hội sách lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy và lãnh đạo UBND TPHCM vừa có chỉ đạo về việc tổ chức biên dịch các tác phẩm có giá trị về TPHCM cũng như về Việt Nam để phục vụ cho mục đích đối ngoại. Đó là cơ sở để các NXB có thể tham gia đồng hành với thành phố, tham gia tổ chức biên tập, biên dịch, xuất bản những ấn phẩm của đơn vị mình sang các ngôn ngữ khác và tham gia các hội sách sau này.
Văn chương là phương tiện tuyệt vời để hiểu một quốc gia
“Có những quốc gia xa cách về mặt địa lý nhưng nhờ nhịp cầu văn chương, điện ảnh, âm nhạc hay hội họa, chúng ta vẫn cảm thấy gần gũi. Làm sao mà bạn không muốn một lần đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris nếu bạn đã yêu các tác phẩm của Victor Hugo? Tôi tin văn chương không chỉ đem lại mỹ cảm mà đó còn là một phương tiện tuyệt vời để khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và cảm mến một dân tộc. Đó là lý do tôi hy vọng những cuốn sách của nhà văn Việt Nam sẽ giúp bạn đọc nước ngoài thêm yêu mến con người và đất nước chúng ta”.
Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH