Dòng chảy vốn FDI vào Bình Dương và kỳ vọng bứt phá
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong quý I/2022, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 1,6 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ đánh dấu kinh tế phục hồi nhanh, Bình Dương được xem là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư sau đại dịch Covid-19.
Toàn cảnh khu công nghiệp VSIP I, Bình Dương. Ảnh: Gia Cư
Tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ năm 2021
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong quý I/2022, tỉnh đã thu hút nguồn vốn FDI ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, tỉnh Bình Dương thu hút 36.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, Bình Dương có 4.033 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng vốn trên 37,7 tỷ USD. Tỉnh đang có 29 khu công nghiệp tập trung, với tổng diện tích gần 13.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 83,4%.
Theo phân tích của các chuyên gia, mặc cho diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương vẫn là địa phương thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam, vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã trao 22 giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, ngày 19/3/2022, tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã động thổ xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP III) với diện tích 1.000 ha. Đây là dự án thứ 3 mang thương hiệu VSIP tại Bình Dương và là dự án thứ 11 của Tập đoàn VSIP đầu tư tại Việt Nam.
Không chỉ là sự tiếp nối các khu công nghiệp VSIP I, II, khu công nghiệp VSIP III được xem là một trong những khu công nghiệp có quy mô lớn, được đầu tư bài bản, cơ sở hạ tầng tốt tại Bình Dương. Khu công nghiệp VSIP III sở hữu vị trí đắc địa, liền kề các VSIP hiện hữu ở Bình Dương và trung tâm thành phố mới Bình Dương, nằm trên trục đường Vành đai 4, dễ dàng tiếp cận đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn.
Một trong số dự án lớn được nối tiếp trong dòng chảy thu hút vốn FDI của tỉnh là dự án của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Dự án của Tập đoàn LEGO xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích 44 ha đặt tại Khu công nghiệp VSIP3. Nhà máy LEGO xây tại Bình Dương là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và thứ 2 ở châu Á. Dự kiến dự án sẽ tạo ra 4.000 cơ hội việc làm sẽ được rộng mở trong vòng 15 năm tới.
Thu hút các ngành nghề có hàm lượng giá trị gia tăng cao
Theo UBND tỉnh Bình Dương, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh luôn cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh. Việc hình thành các khu công nghiệp đang tạo nền tảng vững chắc cho những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nhằm thu hút đầu tư và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trong năm 2022, tỉnh tập trung xây dựng các khu công nghiệp lớn nhằm thu hút các ngành nghề có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động. Cùng với đó, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên huy động mọi nguồn lực tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ vậy, tỉnh chủ động tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; theo dõi tình hình lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
“Mục đích lớn nhất của tỉnh đó là từng bước phát triển theo kỳ vọng của người dân đưa Bình Dương thành đô thị đáng sống” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ.
Ghi nhận đến thời điểm hiện tại đã có 31 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước đã quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại khu công nghiệp VSIP III - Bình Dương, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến.
Theo ông Võ Văn Minh, ngoài dự án lớn như VSIP, dự kiến trong quý II năm nay khu công nghiệp Cây Trường với diện tích khoảng 1.000 ha cũng sẽ được khởi công.
Trong năm 2022 này, Bình Dương cũng sẽ cập nhật quy hoạch một số khu công nghiệp khác để mở rộng khu công nghiệp Nam Tân Uyên; khu công nghiệp Rạch Bắp và một số khu công nghiệp khác trên cơ sở quỹ đất sạch, có sẵn./.