Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ
Trước tình hình mưa, lũ diễn biến bất thường, sáng 10/9, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra các điểm xung yếu trên tuyến đê bối nằm trong vùng ảnh hưởng của lũ sông Đáy thuộc địa bàn thành phố Phủ Lý, các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và một số khu dân cư nơi nhiều hộ dân hiện đang bị ngập sâu do mưa lũ gồm: thôn Lê Lợi ( Phù Vân), thôn Kênh (xã Thanh Nghị). Cùng đi có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy và các huyện, thành phố.
Kiểm tra các khu vực bị sạt trượt trên tuyến đê bối thuộc xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý); xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) và khu vực chống tràn thuộc thôn Đồng Ao (xã Thanh Thủy, Thanh Liêm), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, ngành chức năng ra soát các điểm xung yếu sẵn sàng các phương án theo phương châm "4 tại chỗ". Đối với sự cố sạt trượt tại thôn 3, xã Phù Vân, khẩn trương xử lý chống thấm tránh sạt lở sâu (khu vực sạt lở dài 20m hiện đã được gia cố bằng bao tải cát).
Tại tuyến đê xung yếu của Kim Bảng (thuộc xã Ngọc sơn), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy yêu cầu huyện thường xuyên theo dõi, gia cố các điểm xung yếu.
Riêng đối với huyện Thanh Liêm, địa phương được đánh giá là có ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhất, đề nghị huyện dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng, chống lụt bão; đồng thời, huy động toàn bộ lực lực công an, bộ đội và đoàn viên thanh niên ứng trực 24/24h kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra; bám sát tình hình lũ trên sông Đáy, huy động toàn bộ hệ thống bơm tiêu úng trên địa bàn khi cần thiết; khẩn trương triển khai phương án chống tràn bảo vệ các hộ dân của Thanh Liêm, đặc biệt, người dân vùng tây Đáy...
Đối với các khu dân cư bị ngập sâu, yêu cầu chính quyền địa phương thống kê toàn bộ số hộ bị ảnh hưởng, chuẩn bị tốt phương án di dời và chuẩn bị các địa điểm công cộng như: Nhà văn hóa, trường học... để di dân khi nước lũ tiếp tục dâng cao; phân công lực lượng ứng trực 24/24h để hỗ trợ di dời dân; chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn.
Đồng thời, cũng tăng cường thông tin về tình hình mưa lũ đến người dân; vận động nhân dân chủ động các phương án phòng, chống ngập úng; nghiêm túc thực hiện di dời người và tài sản đến nơi an toàn theo chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp,
Theo thông tin của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lũ trên sông Hồng và sông Đáy qua địa bàn tỉnh đang lên cao.
Dự báo, lũ trên sông Đáy tiếp tục lên cao, trên báo động 3. Vì vậy, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy, các đơn vị tuần tra canh gác, phân công người ứng trực tại những điểm xung yếu (cống dưới đê, cống dưới bối, các đoạn đê đang thi công…); kiểm đếm vật tư, huy động lực lượng, máy móc, thiết bị theo các phương án đã lập và phê duyệt để huy động ngay nếu xảy ra các sự cố; kiểm tra ngay các tuyến đê bối dọc sông Hồng, cảnh báo sớm người dân di dời đến nơi an toàn khi xảy ra sự cố, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.