Đồng chí Chủ tịch nước tham gia thảo luận về 2 dự thảo luật

Chiều ngày 24/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (SDVK, VLN và CCHT) (sửa đổi) .

Đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước tham dự thảo luận tại tổ 12 gồm ĐBQH các đoàn: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận, do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình làm tổ trưởng.

Thảo luận về 2 dự thảo luật, đồng chí Nguyễn Tiến Nam nêu rõ: Qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, nhất là về đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Đồng chí Nguyễn Tiến Nam đã nêu các ý kiến cụ thể giải thích từ ngữ tại điểm b, khoản 1, và khoản 4, Điều 1; khoản 4, Điều 20a.

Đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng chủ trì phiên thảo luận tại tổ.

Đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng chủ trì phiên thảo luận tại tổ.

Đối với dự án Luật Quản lý, SDVK, VLN và CCHT (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Tiến Nam cho rằng: Việc ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tăng cường công tác quản lý, SDVK, VLN và CCHT, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Dự thảo luật cũng tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý cơ quan, tổ chức và người dân, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong thi hành, áp dụng thời gian qua.

Nêu sự không thống nhất tại Điều 17 của dự thảo Luật Quản lý, SDVK, VLN và CCHT với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đồng chí Nguyễn Tiến Nam đề nghị bỏ điểm d “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” tại Điều 17, dự thảo Luật Quản lý, SDVK, VLN và CCHT. Cũng tại Điều 17, đồng chí Nguyễn Tiến Nam đề nghị chỉnh sửa lại các nội dung: Cơ quan có thẩm quyền giám định vũ khí, VLN, CCHT; và trình tự, thủ tục giám định vũ khí, VLN, CCHT thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng Tổ ĐBQH 12.

Đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng Tổ ĐBQH 12.

Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ: Các nội dung trong dự thảo luật phải bảo đảm tính chặt chẽ. Tại Điều 10, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết, trong đó bổ sung các nội dung mới tại khoản 6, xem xét cân nhắc quy định tại khoản 5, khoản 6 cần bao phủ hết các đối tượng, các trường hợp để hạn chế vướng mắc trong quá trình triển khai, tránh phải điều chỉnh bằng việc sửa luật. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cũng đề nghị làm rõ thứ tự sắp xếp lãnh đạo cấp cao trong đối tượng cảnh vệ và giải thích rõ việc sắp xếp theo thứ tự như dự thảo luật.

Ý kiến cũng đề cập đến nội dung, biện pháp cảnh vệ với khu vực trọng yếu tại Điều 13; xem xét tính khả thi của quy định bắt buộc người là đối tượng cảnh vệ phải chấp hành các biện pháp cảnh vệ mà lực lượng cảnh vệ áp dụng tại khoản 2, Điều 15; giấy bảo vệ đặc biệt tại nội dung bổ sung Điều 20a của luật hiện hành và nội dung giao Bộ Công an quy định cụ thể chi tiết về biện pháp cảnh vệ tại Điều 25 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường thảo luận về các dự thảo luật.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường thảo luận về các dự thảo luật.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định vai trò của nhân dân trong việc che chở, bảo vệ các đối tượng cảnh vệ. Nhấn mạnh lực lượng chức năng là công tác nòng cốt, trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm sự an toàn cho đối tượng cảnh vệ, về mặt Nhà nước, là nghi thức cần có để thể hiện thể diện quốc gia, đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ ra những khó khăn trong thực tế triển khai thi hành luật hiện hành, từ đó nêu lên tầm quan trọng của việc điều chỉnh luật nhằm phù hợp thực tế.

Đối với dự án Luật Quản lý, SDVK, VLN và CCHT (sửa đổi), đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một xã hội an toàn để bảo đảm mọi người dân không bị đe dọa bởi sức mạnh, áp lực nào thì xã hội sẽ không có vũ khí… Dù luật chỉ mang tính điều chỉnh hành vi của rất ít những đối tượng lệch chuẩn nhưng luật cũng mang tính chất răn đe, cần được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi để mọi người dân đồng tình, tuân thủ.

Đồng chí Nguyễn Tiến Nam thảo luận về các dự thảo luật.

Đồng chí Nguyễn Tiến Nam thảo luận về các dự thảo luật.

Thay mặt Tổ ĐBQH 12, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng thống nhất và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các ĐBQH với các ý kiến thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, SDVK, VLN và CCHT (sửa đổi). Các ý kiến thảo luận sẽ được tổng hợp gửi đến cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo luật.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202405/dong-chi-chu-tich-nuoc-tham-gia-thao-luan-ve-2-du-thao-luat-2218300/