Đồng chí Hà Huy Tập cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể BCH Trung ương lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đã có nhiều công lao to lớn đối với Đảng, với dân tộc, với quê hương Hà Tĩnh.
LTS: Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập - cố Tổng Bí thư của Đảng 24/4 (1906 - 2021), Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các nội dung: quê hương và gia đình; quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư; phát huy truyền thống, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng tỉnh nhà văn minh, giàu mạnh.
Đến trước hội nghị tháng 3/1938, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập đứng đầu đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của 3 xứ ủy và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong giai đoạn sau.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại phần mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. (Ảnh tư liệu)
Ngày 1/5/1938, trong một chuyến đi công tác, do có nội phản chỉ điểm, mật thám Pháp bố trí chặn đường đồng chí Hà Huy Tập. Khám trong người không thấy gì, ngoài cái thẻ thuế thân mang tên Lê Văn Có. Chúng lấy cớ bắt giam Hà Huy Tập vì phạm pháp mang thẻ thuế thân của người khác nhưng thực chất chúng biết rõ đồng chí là nhân vật quan trọng của Đảng Cộng sản.
Ngày 24/5/1938, Tòa Tiểu hình Sài Gòn xử Hà Huy Tập 2 tháng tù và 5 năm không được lưu trú ở Nam Kỳ về tội “mang thẻ giả tên của người khác”, Hà Huy Tập làm đơn chống án.
Ngày 26/7/1938, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn xử phúc án Hà Huy Tạp nâng lên thành 8 tháng tù và 5 năm cấm lưu trú ở Nam Kỳ về tội “mang thẻ thuế thân tên người khác”.
Theo bản án tù 8 tháng thì ngày 2/1/1939, Hà Huy Tập được thả tự do. Nhưng đến ngày 29/3/1939, đồng chí đang ở trong tù vì lý do chưa kết thúc vào việc tham gia vào vụ Bác-bi-ê. Sau đó, đồng chí bị trục xuất về quê, giao cho quan lại và hào lý địa phương theo dõi, canh giữ.
Ngày 30/3/1940, chúng bắt Hà Huy Tập và đưa vào Sài Gòn giam tại Khám Lớn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), thực dân Pháp mở phiên tòa án binh vào ngày 25/3/1941 đưa ra xử án hàng trăm người bị bắt, trong đó có Hà Huy Tập. Dù không dính líu đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng thực dân Pháp vẫn buộc Hà Huy Tập “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Chúng tuyên án tử hình Hà Huy Tập cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai.
Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa Hà Huy Tập và một số đồng chí khác ra xử bắn tại Sở Rác (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn, Gia Định).
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập diễn ra trong 15 năm, trong đó làm Tổng Bí thư của Đảng gần 2 năm, từ tháng 10/1936 - 3/1938, những năm cách mạng gặp muôn vàn khó khăn. Đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể BCH Trung ương lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên. Đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đã có nhiều công lao to lớn đối với Đảng, với dân tộc.
Đồng chí Hà Huy Tập là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, thông minh và sáng tạo, một nhà tổ chức xuất sắc của Đảng. Sau cao trào 1930-1931, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng bị dìm trong biển máu, các tổ chức Đảng bị tan rã, các chiến sỹ cách mạng tiền bối số bị bắt, số phải tạm thời lánh sang các nước khác để hoạt động. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Hà Huy Tập cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng đã đứng vững trên quan điểm, lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cụ thể hóa các chủ trương của Quốc tế Cộng sản và Cương lĩnh năm 1930 của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; tích cực vận động thành lập các tổ chức quần chúng, khôi phục lại các tổ chức Đảng ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam; chuẩn bị Văn kiện Đảng, tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng thành công tốt đẹp; khôi phục, củng cố lại BCH Trung ương, đánh dấu bước phát triển mới quan trọng trong lịch sử của Đảng.
Đồng thời, đồng chí Hà Huy Tập là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta, đã soạn thảo nhiều văn kiện Đảng, viết sách, viết báo, tuyên truyền, giáo dục giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân; là một đảng viên mẫu mực, luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, có tình thương yêu giai cấp, yêu Nhân dân sâu sắc, tin tưởng sắt đá vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Học sinh được nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hà Huy Tập tại Khu di tích cố Tổng Bí thư
Câu nói nổi tiếng: “Cách mạng muôn năm” chẳng những là lời dặn dò cuối cùng của đồng chí Tổng Bí thư của Đảng đối với các chiến sỹ cộng sản lúc bấy giờ mà còn là vũ khí chiến đấu của Đảng, nhắc nhở các thế hệ tiếp theo phải luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, dân tộc lên trên hết; kiên định và thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng chí Hà Huy Tập mất đi, song niềm tin và khát vọng cháy bỏng của đồng chí vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng đã và đang được các thế hệ nối tiếp biến thành hiện thực trên đất nước ta.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng, ngày 11/2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo cái gương anh dũng, gương chí công vô tư, mới xứng đáng là người cách mạng”.
Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Anh đi vào cõi vĩnh hằng một cách thản nhiên với lời hô “Cách mạng muôn năm”. Khí phách nhà cách mạng được chứa đựng trong lời hô đó. Thái độ của anh đối với cách mạng lúc nào cũng tận tâm và tin tưởng, là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam học tập trên chặng đường đi tới.
Với ý nghĩa là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật và các di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, năm 1991, Khu di tích Hà Huy Tập đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh và đến năm 2004 được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, khu di tích đã được tôn tạo, nâng cấp, mở rộng với việc xây dựng thêm nhiều hạng mục và công trình khang trang, bề thế.
Ngày 2/12/2009, sau hơn 68 năm xa cách, hài cốt đồng chí Hà Huy Tập đã được tìm thấy và đưa về an táng trọng thể tại đồi Miếu Đồng Lem, khu vực Đồng Mấu, xã Cẩm Hưng - quê hương của đồng chí, cách khu di tích gần 3 km, giữa bạt ngàn cây xanh quanh năm vi vu gió hát, phía trước là mộ của 2 cụ thân sinh Hà Huy Tương và Nguyễn Thị Lộc.
Để nơi đây ngày càng xứng đáng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống và ý thức cách mạng cho thế hệ trẻ, là điểm đến du lịch hấp dẫn, ngày 8/12/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 3927/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý Khu di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
(Còn nữa)
(Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)