Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với công tác Đảng, công tác chính trị chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1950, với cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy, trực tiếp phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong nhiều chiến dịch lớn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã góp phần phát huy nhân tố chính trị, tinh thần, tạo nên ưu thế tuyệt đối của ta so với địch; là điều kiện cơ bản bảo đảm cho ta lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, với vũ khí trang bị kém hơn nhưng vẫn có thể chiến thắng kẻ thù có vũ khí trang bị hiện đại.

Đến năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tiến lên giành thế chủ động chiến lược. Nhiều đơn vị bộ đội chủ lực được thành lập nhằm đẩy mạnh chiến tranh chính quy kết hợp với chiến tranh du kích. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới của cuộc kháng chiến cũng như sự phát triển của quân đội, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương về việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự Trung ương, ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL ấn định các cơ quan chức năng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam; tổ chức và nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Đối với Tổng cục Chính trị, Sắc lệnh ghi rõ: “Tổng cục Chính trị có nhiệm vụ giúp Tổng Tư lệnh về phương diện chính trị”(1). Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí phục vụ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí phục vụ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Đảm nhiệm trọng trách công tác mới, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng với các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị xác định nhiệm vụ của Tổng cục là nhanh chóng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh, nâng cao sức mạnh chiến đấu, làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến. Đồng chí cũng yêu cầu phải khẩn trương chuẩn bị và kiện toàn bộ máy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác chính trị trong quân đội.

Thời điểm đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng là lúc Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên Giới. Thực hiện quyết định của Trung ương, ngày 7-7-1950, Bộ Tổng tư lệnh ra “Mệnh lệnh mở Chiến dịch Biên Giới”, lấy mật danh là chiến dịch Lê Hồng Phong 2, tiến công phòng tuyến địch trên đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê. Chiến dịch do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy.

Từ ngày 18 đến 29-8-1950, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh triệu tập Hội nghị cán bộ chính trị tham gia Chiến dịch Biên Giới. Thành phần hội nghị có đủ cán bộ từ chính trị viên tiểu đoàn đến chính ủy đại đoàn, chủ nhiệm phòng, ban chính trị các đơn vị. Đồng chí xác định công tác chính trị trong Chiến dịch Biên Giới phải nắm chắc yêu cầu: “Tiêu diệt sinh lực địch là nhiệm vụ chính, công tác chính trị phải động viên bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đó”(2) và chỉ rõ: “Trước lúc chiến đấu và nhất là trong lúc tác chiến, cơ quan công tác chính trị không nên ở hậu phương làm việc hậu cần hay quản lý đồ đạc mà phải ra ngay mặt trận để làm việc. Tuy có một số nhân viên chính trị không hiểu quân sự nhưng có thể học tập được. Trước đây bộ đội coi chính trị viên là người không biết quân sự. Chính trị viên là một đảng viên, là một quân nhân nên phải biết cả về quân sự nữa. Có biết quân sự thì mới giúp được việc cho người đội trưởng, mới hiểu rõ tình hình địch, tình hình ta, tình hình các chiến sĩ để mà tiến hành công tác chính trị”(3).

Để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, ngay từ Thu - Đông 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thống nhất với các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị tổ chức Tổng cục thành 2 bộ phận: Bộ phận cơ quan tổng cục ở căn cứ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị đối với toàn quân và bộ phận Tổng cục Chính trị tiền phương có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch, gọi là Phòng Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đây tổ chức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn chiến tranh, mang lại hiệu quả thiết thực, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị luôn theo sát thực tế chiến đấu của bộ đội trên nhiều chiến trường khác nhau, thể hiện khả năng sâu sát nhưng cũng mang tầm chiến lược của đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã chỉ rõ định hướng hoạt động của cơ quan chính trị các cấp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Chiến dịch Biên Giới.

Chiến dịch Biên Giới diễn ra từ ngày 16-9 đến ngày 14-10-1950 đã giành thắng lợi vang dội. Tại Hội nghị Tổng kết Chiến dịch Biên Giới diễn ra trong hai ngày 27 và 28-10-1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phát biểu, chỉ rõ những ưu điểm lớn của công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch như: Quán triệt đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ, phát huy dân chủ về quân sự, làm cho bộ đội thông suốt tư tưởng trước khi bước vào chiến dịch cũng như trong quá trình chiến đấu, đồng thời đúc rút nhiều kinh nghiệm kể cả thành công và thiếu sót, có ý nghĩa thiết thực cho các chiến dịch tiếp sau.

 Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Sau Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950, nhằm phát huy quyền chủ động chiến lược, sau khi cân nhắc tình hình các hướng ở chiến trường Bắc Bộ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng phê chuẩn phương án tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, quyết định mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo, tiến công vành đai phòng thủ của địch ở trung du thuộc địa phận từ Việt Trì đến Bắc Giang, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng hậu phương, phát triển chiến tranh du kích, tranh thủ thời gian phá kế hoạch củng cố của địch. Tháng 12-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết nghị thành lập Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định là Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng mặt trận. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chính ủy kiêm Trưởng phòng Chính trị chiến dịch.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy - Bộ Chỉ huy chiến dịch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ngày 15-12-1950, Đảng ủy và Phòng Chính trị chiến dịch đã ra chỉ thị “Công tác chính trị trong Chiến dịch Trần Hưng Đạo”. Sau đó, trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, nhiều chỉ thị khác tiếp tục được ban hành, kịp thời chỉ đạo sát sao nhiều nội dung như công tác bảo vệ chính trị nội bộ, dân vận, địch vận, công tác thương binh, tử sĩ, đề bạt, bổ sung cán bộ; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan Tổng cục Chính trị bám sát mặt trận, xuống với bộ đội, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, diễn biến chiến đấu nhằm phát huy ưu điểm của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ quyết tâm giành thắng lợi, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, công tác Đảng, công tác chính trị đã được chỉ huy các đơn vị nhận thức đầy đủ và quan tâm thực hiện. Tại Hội nghị Tổng kết chiến dịch Trần Hưng Đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Công tác chính trị trong chiến dịch này đã có một tác dụng rõ rệt trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự. Lần này công tác chính trị không phải chỉ làm trong các đơn vị chiến đấu hay các cơ quan chính trị mà đã bắt đầu đảm bảo cho công việc của các cơ quan tham mưu, cung cấp, đã chú trọng hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến dịch, hoặc thi hành các chính sách của đoàn thể và của Chính phủ”(4).

Sau Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Bộ Tổng tư lệnh đề nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở tiếp một chiến dịch ở hướng Đường 18 (Chiến dịch Hoàng Hoa Thám). Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được chỉ định là Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch. Ngày 7-3-1951, đồng chí ra chỉ thị về công tác chính trị chiến dịch, chỉ rõ 4 nội dung: Kiện toàn chi ủy để bảo đảm sự lãnh đạo của chi bộ; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa chiến dịch; chuẩn bị về tư tưởng cho bộ đội và nhấn mạnh toàn quân thực hiện đầy đủ các yêu cầu chính trị chiến dịch. Để đẩy mạnh tuyên truyền chiến dịch, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ thị Báo Quân đội nhân dân mở thêm một số chuyên mục mới như “Chuyện tiền tuyến”, “Phục vụ tiền tuyến”, nêu nhiều gương sáng của bộ đội trong chiến đấu và dân công hỏa tuyến, gây xúc động mạnh mẽ đối với độc giả, có sức cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, dân công chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn theo dõi và chỉ đạo sát sao, kịp thời giải quyết những tình huống phát sinh. Do thiếu cẩn trọng khi đun nấu, ngày 20-3-1951, Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 và Trung đoàn 174 Đại đoàn 316 bị địch ném bom trúng vào đội hình. Được tin, ngay lập tức đồng chí Nguyễn Chí Thanh lệnh cho cơ quan Tuyên huấn, Bảo vệ xuống các đơn vị làm nhiệm vụ trên các hướng chiến dịch, cùng cơ quan chính trị đơn vị đẩy mạnh công tác chính trị, đôn đốc việc phòng gian, giữ bí mật, tăng cường công tác bảo vệ… Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng của Tổng cục đã ban hành 19 chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các mặt công tác Đảng, công tác chính trị chiến dịch.

Sau khi kết thúc Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, ngày 20-4-1951, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Hà Nam Ninh (Chiến dịch Quang Trung). Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Phó bí thư Đảng ủy, Chính ủy, trực tiếp chỉ đạo Phòng Chính trị chiến dịch. Trong chiến dịch này, trọng tâm công tác Đảng, công tác chính trị được xác định là: Giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến dịch quán triệt sâu sắc 4 mục đích của chiến dịch; quán triệt nhiệm vụ, phương châm tác chiến, kỷ luật chiến trường, chính sách tù hàng binh; công tác dân vận, địch vận… Đặc biệt, Tổng cục Chính trị nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan khinh địch; tranh thủ nhân dân, chú trọng vận động ngụy binh, vận động đồng bào công giáo. Rút kinh nghiệm về công tác bảo mật phòng gian trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Tổng cục Chính trị ra chỉ thị về công tác giữ gìn bí mật và giao Cục Bảo vệ kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh cùng các cố vấn Trung Quốc tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh cùng các cố vấn Trung Quốc tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Chiến dịch Quang Trung diễn ra trên địa bàn có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa, vì vậy, cuối tháng 5-1951, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ra chỉ thị về công tác vận động đồng bào có đạo, nêu rõ chính sách kháng chiến của Đảng ta là: “Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tính mạng, tài sản của nhân dân… Làm cho nhân dân hiểu rõ quân đội là quân đội của nhân dân, lòng khoan dung và đức độ của Hồ Chủ tịch… Không tịch thu đồ cúng lễ, thờ tự, tuyệt đối không lấy; khi họ chạy trốn thì niêm phong giữ gìn tử tế”(5).

Kịp thời chỉ đạo chiến dịch, khi đợt 1 đang diễn ra, ngày 2-6-1951, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch ra chỉ thị về việc tiếp tục giữ bí mật và chống đào ngũ ở các đơn vị tham gia chiến dịch. Chỉ thị nêu rõ: “Phải thi hành gắt gao hơn lúc chưa tác chiến về việc tiếp tục giữ bí mật và chống nạn đào ngũ… Tích cực thu lượm thương binh, tử sĩ”(6). Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, công tác chính trị trong chiến dịch Quang Trung đã gây được ảnh hưởng chính trị to lớn trong nhân dân đối với cuộc kháng chiến.

Tháng 11-1951, nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp tập trung một lực lượng lớn mở cuộc tiến công đánh chiếm Hòa Bình; mở rộng khu chiếm đóng, bịt chặt cửa ngõ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc và các liên khu 3, 4; tiêu diệt một bộ phận chủ lực và phá sự chuẩn bị tiến công Thu - Đông của ta. Trước tình hình đó, ngày 24-11-1951, Bộ Chính trị ra “Chỉ thị về nhiệm vụ phá tan cuộc tấn công Hòa Bình của địch” và quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Chủ nhiệm Chính trị kiêm Phó bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Phát huy những kinh nghiệm được đúc rút từ các chiến dịch trước, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vừa chỉ đạo cơ quan tiền phương Tổng cục Chính trị chuẩn bị đầy đủ các văn kiện, kế hoạch về công tác Đảng, công tác chính trị, vừa trực tiếp xuống đơn vị động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí, quyết tâm chiến đấu. Ngay khi địch đánh ra Chợ Bến, Hòa Bình, ngày 18-11, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã được phân công ra mặt trận Hòa Bình nắm tình hình chuẩn bị cho chiến dịch. Ngày 19-11-1951, cơ quan chính trị chiến dịch ra chỉ thị gửi toàn mặt trận “Tuyên truyền về cuộc hành binh của địch ở Hòa Bình” và triển khai hoạt động mọi mặt công tác chính trị trong chiến dịch về chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị dân công, phối hợp tác chiến với dân vận, địch vận…

Trong lúc đợt 1 chiến dịch còn đang diễn ra quyết liệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cơ quan chính trị chiến dịch ra chỉ thị “Công tác chính trị đợt 2”, nêu rõ 7 vấn đề phải lãnh đạo, trong đó nhấn mạnh việc phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu triệt những nhận định về thắng lợi, tình hình và chủ trương, nhiệm vụ đợt 2 của Tổng Quân ủy, thư động viên và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch này. Tiếp đó, cơ quan chính trị chiến dịch còn ra “Chỉ thị gửi các chính ủy, chủ nhiệm chính trị đại đoàn và trung đoàn: nắm kịp thời cơ, ra sức tăng cường địch vận” và “Thư gửi các đồng chí chính ủy, chủ nhiệm chính trị đại đoàn, trung đoàn”, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc, lập nhiều chiến công. Ngày 2-1-1952, cơ quan chính trị ra chỉ thị “Công tác chính trị đợt 3”, xác định rõ: “Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tranh thủ thời gian liên tục tiêu diệt địch đồng thời với việc tấn công về chính trị để khuếch trương chiến quả thu nhiều thắng lợi mới”(7).

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10-12-1951 đến ngày 25-2-1952 đã giành thắng lợi vang dội. Ngày 22-4-1952, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm của công tác chính trị chiến dịch và khái quát 4 vấn đề chính về công tác lãnh đạo tư tưởng, động viên chính trị trong chiến đấu là: 1- Trước trận chiến đấu, phải nắm trọng tâm là xây dựng một quyết tâm vững chắc thông qua phổ biến giáo dục quán triệt nhiệm vụ; 2- Để bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững quyết tâm chiến đấu, phải bảo đảm việc chấp hành chính sách bằng phát huy cổ động chiến trường trên cơ sở quán triệt sâu sắc nhiệm vụ; 3- Sau mỗi trận đánh thắng hay thất bại đều phải kịp thời giáo dục ngay, phân tích, đánh giá khách quan để bộ đội hiểu rõ nguyên nhân thắng lợi hoặc thất bại; 4- Chấn chỉnh tổ chức, chấp hành chính sách đi đôi với lãnh đạo tư tưởng là những việc phải làm ngay sau mỗi trận đánh: Chấn chỉnh cấp ủy, bổ sung quân số, củng cố tổ chức quần chúng; chấp hành chính sách thương binh, tử sĩ; khen thưởng, kỷ luật”(8).

Đầu tháng 9-1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phân đất đai, mở rộng căn cứ địa ở vùng Tây Bắc. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tiếp tục được chỉ định làm Phó bí thư Đảng ủy, Chính ủy kiêm Trưởng phòng Chính trị chiến dịch.

Theo sát diễn biến tình hình chiến dịch, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tham gia thực hiện nghiêm chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ về “Thi hành chính sách dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc”, “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”… Với các đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng chủ yếu của chiến dịch, đồng chí cử nhiều cán bộ của Phòng Chính trị xuống trực tiếp chỉ đạo, kịp thời hướng dẫn công tác chính trị trước mọi diễn biến chiến đấu. Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 20 đến 29-1-1953) do Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trình bày Báo cáo khẳng định công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch đã có bước tiến vượt bậc, nổi bật nhất là công tác lãnh đạo tư tưởng, chấp hành chính sách, vai trò gương mẫu của đảng viên, cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu trong Đại hội Đảng II ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu trong Đại hội Đảng II ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu

Mùa Xuân năm 1953, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào thống nhất mở Chiến dịch Thượng Lào (từ ngày 13-4 đến 3-5-1953) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng Sầm Nưa, tạo điều kiện phát triển cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được giao làm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch. Ngày 6-4-1953, cơ quan chính trị ra chỉ thị về “Công tác chính trị chiến dịch X” nhắc lại nhiệm vụ, mục đích và ý nghĩa to lớn của chiến dịch. Tại Hội nghị Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã hướng dẫn cụ thể những việc cần làm của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các đơn vị tham gia chiến dịch.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4-1953, cùng với các đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch, Đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị do đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Nguyễn Chí Thanh phụ trách lên đường đi chiến dịch. Trong quá trình truy kích địch, có đơn vị không giải quyết tốt tư tưởng tự mãn của bộ đội, thậm chí có hiện tượng tranh công, cục bộ sau thắng lợi nhanh chóng. Kịp thời nắm bắt tình hình, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Cục trưởng Cục Tổ chức Nguyễn Trọng Vĩnh đã trực tiếp xuống đơn vị động viên, giải thích, giải quyết dứt điểm, kịp thời. Qua đó, bộ đội phấn khởi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch được tổ chức vào ngày 2 và 3-5-1953 gần thị xã Sầm Nưa do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch đã làm được nhiều việc về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng và công tác tổ chức đối với bộ đội; nhất là khi tình huống chiến dịch thay đổi đột xuất, diễn biến vô cùng phức tạp, góp phần rất lớn vào thành công chiến dịch”(9).

Tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Xác định tầm quan trọng của trận quyết chiến chiến lược, từ cuối tháng 11-1953, Tổng cục Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TC gửi đảng ủy các đại đoàn về Công tác chính trị trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ lãnh đạo tư tưởng của các đơn vị là: “Phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954; làm cho những nhận định và chủ trương của Trung ương, Tổng Quân ủy biến thành nhận thức và quyết tâm của quần chúng để có thể bảo đảm cho mọi nhiệm vụ được thành công… Ở hướng Điện Biên Phủ, công tác lãnh đạo tư tưởng phải làm cho cán bộ và chiến sĩ kiên quyết tiêu diệt toàn bộ sinh lực quân địch và giải phóng cho bằng được toàn khu Điện Biên Phủ. Nếu quân địch cố thủ, toàn bộ cán bộ và chiến sĩ chúng ta cũng phải quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Nếu quân địch tăng viện, chúng ta càng phải làm cho cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao cho”(10).

Cuối tháng 11-1953, cơ quan tiền phương Tổng cục Chính trị do Phó chủ nhiệm Tổng cục Lê Liêm phụ trách lên đường đi chiến dịch. Theo sự phân công của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vừa phụ trách cơ quan Tổng cục ở hậu phương, vừa phụ trách một nhóm cán bộ của Tổng cục vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, sau đó lên Vĩnh Phúc, Phú Thọ giúp Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính các tỉnh huy động nhân lực, vật lực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của quân đội ta, trong đó có sự phát triển cao của công tác Đảng, công tác chính trị chiến dịch. Với trọng trách là người đứng đầu Tổng cục Chính trị từ năm 1950, trực tiếp phụ trách cơ quan tiền phương Tổng cục tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong nhiều chiến dịch lớn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã luôn sâu sát, kịp thời cùng lãnh đạo Tổng cục lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân làm tốt công tác chính trị tư tưởng, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi.

Thượng tá, TS LÊ VĂN CỬ - Trưởng phòng Lịch sử Tư tưởng - Tổ chức quân sự, Viện Lịch sử quân sự

-------------------

(1) Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1 (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.143.

(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Mấy kinh nghiệm công tác chính trị” (Bài nói tại Hội nghị chính trị Chiến dịch Biên Giới năm 1950), in trong: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr.10.

(3) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Mấy kinh nghiệm công tác chính trị” (Bài nói tại Hội nghị chính trị Chiến dịch Biên Giới năm 1950), in trong: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr.23.

(4) Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 1945-1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1998, tr.94.

(5) Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.184.

(6) Công tác chính trị chiến dịch, Tập II, Tổng cục Chính trị xuất bản, 1959, tr.220.

(7) Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 1945-1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.122.

(8) Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.213-214.

(9) Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.251.

(10) Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944-1975), S đ d, tr.288-289.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dong-chi-nguyen-chi-thanh-voi-cong-tac-dang-cong-tac-chinh-tri-chien-dich-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-758723