Đồng chí Trần Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia: Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm!
Với tiềm năng và lợi thế to lớn cho phát triển, trong vài năm trở lại đây, huyện Tĩnh Gia đã trở thành 'đất đứng chân' của hàng loạt công trình, dự án trọng điểm, tầm cỡ quốc gia. Lợi ích có thể trông thấy, song nhiệm vụ đặt ra cho địa phương là hết sức nặng nề. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các dự án lớn là nhiệm vụ số 1, đòi hỏi quyết tâm cao nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự đồng thuận, hy sinh của người dân. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với đồng chí Trần Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia.
Dự án đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn đã được bàn giao mặt bằng sạch. Ảnh: L.D
Quyết tâm chính trị cao nhất
P.V: Những năm gần đây, Tĩnh Gia ví như một đại công trình xây dựng, với sự hiện hữu của không ít các dự án kinh tế và hạ tầng đô thị hiện đại. Vậy, để có mặt bằng sạch cho các dự án lớn ấy, chắc hẳn cần sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, phải vậy không thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Hải: Sự vươn lên mạnh mẽ của huyện Tĩnh Gia trong vài năm trở lại đây, gồm cả tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị, kết cấu hạ tầng... chính là thành quả từ quá trình nỗ lực phấn đấu, vượt khó không ngừng của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ to lớn từ Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa. Điểm nhấn phát triển của Tĩnh Gia hiện nay là sự hiện diện Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn, đang và sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội không chỉ của Tĩnh Gia mà còn cả tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh. Từ đó, góp phần thu hẹp khoảng cách với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và với cả nước.
Để có quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, triển khai các dự án trên địa bàn nói riêng, huyện Tĩnh Gia xác định, GPMB là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là ưu tiên số 1 của huyện trong nhiệm kỳ vừa qua và những năm tiếp theo. Đồng thời, thực hiện tốt khâu trọng yếu này còn góp phần tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống nhân dân và phấn đấu đến năm 2020 huyện Tĩnh Gia được công nhận là thị xã.
P.V: Được biết, nhiệm vụ đặt ra đối với huyện Tĩnh Gia trong năm 2019 là giải phóng hơn 1.100 ha mặt bằng. Vậy xin đồng chí cho biết, kết quả đạt được đến thời điểm này và những khó khăn đặt ra trong công tác GPMB?
Đồng chí Trần Văn Hải: Có thể nói, chỉ tiêu giải phóng 1.100 ha mặt bằng sạch là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Để thúc đẩy thực hiện, địa phương đã làm việc với các chủ đầu tư và cam kết trách nhiệm trong quá trình triển khai GPMB. Đồng thời, tiến hành rà soát danh mục các dự án đủ điều kiện GPMB năm 2019, làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, số dự án đủ điều kiện GPMB hiện là 72 dự án, với tổng diện tích cần GPMB là 383,98 ha. Tính đến hết tháng 10-2019, huyện đã ban hành quyết định thu hồi đất đối với 1.037 hộ gia đình. Lập phương án bồi thường và trình thẩm định 75,3 tỷ đồng cho 1.404 hộ thuộc 67 dự án, với diện tích 295,03 ha. Phê duyệt phương án bồi thường 189,68 tỷ đồng cho 2.924 hộ. Ban hành quyết định và giao đất ở tái định cư cho 41 hộ tại 10 dự án. Đã chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng cho 56 dự án, với diện tích 211,99 ha (đạt 55,21% kế hoạch rà soát).
Mặc dù vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ này cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là diện tích mặt bằng cần giải phóng rất lớn, trong khi địa phương phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm trong KKT Nghi Sơn dù đã được bàn giao mặt bằng, nhưng không triển khai thi công hoặc thi công rất chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ GPMB các dự án. Ngoài ra, do năng lực của một số chủ đầu tư hạn chế, không bố trí kịp thời kinh phí chi trả bồi thường GPMB. Tình trạng đơn kiến nghị, khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường GPMB cũng đã chi phối rất nhiều thời gian giải quyết của các cơ quan chính quyền từ huyện đến xã. Việc giải quyết sinh kế cho người dân sau khi thu hồi đất cũng là vấn đề lớn và không dễ giải quyết đối với địa phương lúc này...
P.V: Trước những khó khăn đặt ra, địa phương đã và đang có những giải pháp cụ thể nào, nhằm hoàn thành chỉ tiêu GPMB, đặc biệt là mặt bằng cho các dự án trọng điểm, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Hải: Trong 2 tháng cuối năm 2019, dự kiến huyện sẽ bàn giao mặt bằng một số dự án trọng điểm, có diện tích lớn như: Nhà máy Xi măng Đại Dương, nhà máy xử lý chất thải rắn Trường Lâm, cảng Long Sơn, đường cao tốc Bắc – Nam, đường dây 500kV... Để hoàn thành mục tiêu này, địa phương đang tập trung thực hiện triệt để từng dự án và rà soát khối lượng từng công việc để lãnh đạo, chỉ đạo. Trọng tâm ưu tiên lúc này là các dự án hạ tầng thực hiện bằng vốn ngân sách và các dự án trọng điểm trong KKT Nghi Sơn. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh trong việc tham mưu, giải quyết khó khăn trong GPMB, nhất là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách và các vấn đề vượt thẩm quyền địa phương. Ngoài ra, địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hồi đất, bồi thường GPMB.
Đối với các xã có dự án, trước mắt huyện đang tập trung chỉ đạo cơ sở giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác GPMB, nhằm giảm thiểu tranh chấp, khiếu nại. Đồng thời yêu cầu chính quyền các xã thường xuyên đối thoại, vận động, thuyết phục các hộ đã nhận bồi thường sớm bàn giao mặt bằng; hoàn tất thủ tục, hồ sơ trình UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi đất đối với các hộ cố tình chây ỳ, không chấp hành quyết định thu hồi đất. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản, nhằm giảm thiểu tình trạng xây dựng trái phép. Phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện và hành vi tiêu cực, cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp chống đối, lôi kéo, kích động nhân dân đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chính sách hướng đến người dân
P.V: Cần nhấn mạnh rằng, một trong những điều kiện tiên quyết nhất giúp công tác GPMB đạt hiệu quả là phải làm tốt ngay từ đầu công tác quy hoạch và công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng. Điều này đã và đang được huyện Tĩnh Gia quan tâm và thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Hải: Nhằm phát triển đô thị Tĩnh Gia nói chung, KKT Nghi Sơn nói riêng theo hướng văn minh, hiện đại, thì công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Theo đó, trong 5 năm trở lại đây, UBND huyện Tĩnh Gia đã ban hành 313 văn bản chỉ đạo, thuộc các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng. Đặc biệt, huyện đã phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh xây dựng và công bố nhiều quy hoạch quan trọng. Trong đó có quy hoạch chi tiết Trung tâm vùng huyện Tĩnh Gia; quy hoạch đô thị Hải Ninh; điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7-12-2018); đồ án quy hoạch chung đô thị Tĩnh Gia đến năm 2035...
Cùng với công tác xây dựng quy hoạch, địa phương đã thực hiện đo đạc bản đồ địa chính dạng số đối với 27 xã và đang triển khai đo đạc mới đối với 7 xã còn lại. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch cũng được địa phương chú trọng. Theo đó, từ năm 2015 đến ngày 30-6-2019, đã xử lý vi phạm hành chính 271 trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ không phép, sai phép; vận động tháo dỡ và cưỡng chế phá dỡ đối với 150 công trình xây dựng sai phạm. Đồng thời tiến hành thanh tra, xử lý trách nhiệm và kỷ luật 13 đồng chí là cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc Đội kiểm tra quy tắc xây dựng huyện và UBND các xã, do buông lỏng quản lý trật tự xây dựng...
P.V: GPMB là quá trình phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể và nhiều chính sách khác nhau. Vậy, làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trực tiếp, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Hải: Hài hòa lợi ích của các bên liên quan trong công tác GPMB luôn là vấn đề khó. Đặc thù của huyện Tĩnh Gia là nơi đứng chân của KKT trọng điểm Nghi Sơn, nên phần lớn các dự án phải GPMB áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Do đó, việc bảo đảm lợi ích cho người dân càng cần phải được chú trọng. Để tìm lời giải thỏa đáng cho vấn đề này, trước hết phải “đả thông” tư tưởng và nhận thức cho người dân về quyền và nghĩa vụ của họ. Đồng thời, bằng nhiều giải pháp dân vận mềm dẻo, linh hoạt “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm phát sinh từ cơ sở. Từ đó, tìm được tiếng nói chung – đồng thuận giữa người dân với chính quyền trong công tác GPMB. Cùng với đó, việc thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các quy định của Nhà nước về bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư, ổn định sinh kế... cũng là cơ sở quan trọng để hài hòa lợi ích hợp pháp cho người dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan.
P.V: Có ý kiến cho rằng, đền bù thiệt hại là khâu quan trọng, quyết định đến tiến độ GPMB. Tuy nhiên, đây không phải là “sự đền bù ngang giá tuyệt đối”, mà còn đòi hỏi nhiều hy sinh, nhất là từ phía người dân. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này?
Đồng chí Trần Văn Hải: GPMB không đơn thuần là chuyển một bộ phận dân cư từ nơi này đến nơi khác, để nhường đất cho các dự án. Bởi, cái mất đi ở đây không đơn thuần là đất đai, nhà cửa, ruộng vườn; mà còn là thế giới tinh thần, với các di sản văn hóa, phong tục, tập quán, lề lối sản xuất... đã gắn bó bền chặt cùng cộng đồng dân cư suốt hàng trăm năm qua. Để rồi, sự hy sinh của người dân không chỉ là những yếu tố vật chất có thể quy đổi bằng tiền bạc, mà còn cả những giá trị tinh thần vô giá không thể quy đổi. Chính vì lẽ đó, như chúng tôi đã nhấn mạnh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và thỏa đáng nhất cho người dân bị thu hồi đất, được xem là vấn đề mấu chốt, có tính nguyên tắc và quyết định đến tiến độ, kết quả GPMB. Đồng thời, làm tốt công tác tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân, cũng sẽ góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!