Đồng chí Trường Chinh - Một người thầy (kỳ 4)
Lần ấy, Văn phòng Trung ương báo cho gia đình chúng tôi, hôm bốc mộ cha chồng tôi từ khu Việt Bắc về Yên Kỳ, anh Năm sẽ lên để gắn bia mộ. Cha chồng tôi là thầy giáo Lê Đức Linh (bạn với cha tôi cùng dạy học ngày xưa ở Hải Dương), bí danh là Nhuận Chi, cán bộ cũ do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Lê Minh
(tiếp theo)
Lần ấy, Văn phòng Trung ương báo cho gia đình chúng tôi, hôm bốc mộ cha chồng tôi từ khu Việt Bắc về Yên Kỳ, anh Năm sẽ lên để gắn bia mộ. Cha chồng tôi là thầy giáo Lê Đức Linh (bạn với cha tôi cùng dạy học ngày xưa ở Hải Dương), bí danh là Nhuận Chi, cán bộ cũ do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Từ năm 1940, ông được Trung ương điều động ra công tác ở cơ quan của Đảng ở hải ngoại. Ngôi nhà của gia đình ở Phú Hộ (Phú Thọ) trước đây là cơ sở của Xứ ủy Bắc Kỳ thời đồng chí Lương Khánh Thiện, Đào Duy Kỳ, được ông bán đi đưa tiền vào quỹ của Đảng, và cũng là lúc tất cả các con của ông đi thoát ly hoạt động cả. Người con thứ ba của ông là Lê Đức Lang bị bắt cùng thời với người anh là đồng chí Điện, bị tù do còn ở tuổi vị thành niên. Khi ra tù, Lê Đức Lang công tác tại Đồng Mỏ, hy sinh trong trận chiến đấu với quân Tàu Tưởng ngày 5-5-1946. Đó là tấm lòng của một Tổng Bí thư với một đồng chí cũ, với một người cha đã hiến cho cách mạng tất cả con cái và của cải của mình. Ở cương vị của đồng chí trong thời bình này, chỉ gửi một vòng hoa đến đã là quý lắm. Nhưng anh đã đến tận nơi, tự tay gắn bia mộ. Và tôi ngắm nhìn bàn tay anh trong nước mắt.
Đọc lại những trang anh viết, ngẫm nghĩ và nhớ lại. Nhìn ngày ghi năm tháng anh viết, những kỷ niệm đời tôi hoạt động bỗng thức dậy. Cái năm tôi bị vu oan giáo họa từ một bức thư của kẻ vô lại, không được thẩm tra, anh nghe tin, mời tôi lên nhà chơi và hỏi chuyện, về sau kẻ kia đã khai ra với cơ quan Thanh tra Nhà nước, hắn nhận ký tên "thuê" cho vài kẻ khác, nhằm phá đám tôi, vì nghe đồn có thể tôi sẽ được bầu vào một vị trí của Hội nhà văn. Mà nào vị trí xã hội đâu phải là mục tiêu của đời tôi, khi tôi đã từ bỏ nhiều vị trí từ khi còn trẻ để được theo đuổi nghề văn, nghề của cha tôi. Trước đây tôi đã từng được nghe cha kể về anh, ở cương vị lãnh đạo cao trong Đảng, nhưng anh đối xử với đồng chí luôn ân tình và chu đáo. Trong sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, tất nhiên không phải khuyết điểm của riêng mình anh, mà là của cả tập thể lãnh đạo Đảng. Nhưng ở cương vị Tổng Bí thư anh đã nhận thay tất cả. Lần ấy, anh nghe báo cáo về một đồng chí cơ sở cũ bị xử lý oan, anh vội vã về tận nơi lúc nửa đêm. Tự tay anh mở khóa xích, tự tay anh nâng đồng chí đứng dậy.
Ngoài những hội nghị, những văn kiện, những bài giảng của anh ở lớp học... cách ứng xử của anh với cán bộ thực đã là những bài học sống động, thực tiễn, quý giá mà thế hệ cán bộ chúng tôi được hạnh phúc tiếp nhận. Anh hiểu người cặn kẽ qua từng việc tự anh nắm bắt, không vội vã chỉ nghe báo cáo một chiều hoặc từ định kiến. Giải quyết mọi việc theo nguyên tắc kết hợp với tình người, tình đồng chí. Việc nào anh đã biết, anh giải quyết đến cùng, không để nửa vời, không chỉ nhằm làm vừa lòng tất cả mọi người theo lối ba phải, hoặc tránh né để giữ mình. Anh thường gặp gỡ cán bộ để nghe kể về thực tế họ vừa đi thâm nhập. Anh nghe một cách thích thú, ghi chép vào sổ tay, đôi khi bình luận rất hồ hởi hoặc hỏi kỹ mọi chi tiết. Khi người kể có điều gì nói chưa đủ hoặc xét đoán chưa sát thực, anh nhẹ nhàng gợi ý để người kể dám nghĩ ở tầm cao hơn, chuẩn xác hơn. Vì thế mỗi lần được gặp anh, chúng tôi lại được học thêm nhiều điều mới. Thật hạnh phúc cho Đảng ta, có một nhà lý luận sắc sảo, một nhà lãnh đạo am tường thực tiễn, đến những suy nghĩ, những quyết định luôn luôn bắt nguồn từ cuộc sống và từ lòng ngươi.
Cũng chính từ tính thoải mái và chân thực ở anh, mà một lần vui chuyện tôi đã buột miệng kể cái điều mà có những người hay nói vụng về anh:
- Ở ngoài, thế mà có người vẫn sợ anh lắm.
Anh thốt ngạc nhiên:
- Sợ tôi?
Tôi bạo mồm:
- Người ta bảo vì anh macxít.
Anh im lặng một giây rồi thốt bật cười rất thoải mái:
- Nếu thế thì buồn cười thật.
Trên đường về cơ quan, tôi bị các bạn mắng cho một trận:
- Con ranh. Không biết đến bao giờ mày mới hết cái tính trẻ con. Dám nói với Tổng Bí thư...
Tôi cãi:
- Thế càng rõ, đồng chí Trường Chinh chẳng có gì đáng sợ cả. Ai đó thích thêu dệt, rồi đoán mò. Các vị chẳng thực mắt chứng kiến là gì, đồng chí cười thoải mái hết sức, chẳng khác gì khi xem kịch đến đoạn cười, đồng chí cười hết cỡ.
Một lần sau buổi làm việc đến trưa quá muộn, các đồng chí trong cơ quan mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Xong bữa, chính đồng chí Trường Chinh đứng dậy đi lấy tăm và khăn mặt đưa cho chúng tôi. Đồng chí thật tự nhiên: "Các chị không biết chỗ đâu. Để tôi".
Từ năm 1979 đến Đại hội VI (1986), đồng chí Trường Chinh luôn đi thâm nhập thực tế, xem xét tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, tổng kết kinh nghiệm và sáng kiến. Cuối cùng đồng chí đi tới một kết luận hết sức táo bạo, mở ra một bước phát triển tư duy lý luận của Đảng ta: Nhìn thẳng vào sự thật, lấy dân làm gốc. Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại. Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc ta. Lúc này đồng chí đã gần ở tuổi 80.
Một đời người, ở hai giai đoạn thăng vọt của lịch sử đất nước, đồng chí Trường Chinh đều ở cương vị Tổng Bí thư. Đồng chí đã nắm kịp thời cơ, đề ra định hướng vô cùng thông minh và quyết liệt, đưa đất nước vượt qua hai cửa ải: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân và Đổi mới để tiến kịp thời đại (Đại hội VI - 1986).
Đồng chí Trường Chinh, với những tên thân thương mà cán bộ chúng tôi quen gọi anh: Anh Lượng, anh Nhân, anh Thận, anh Năm. Anh là tấm gương sáng trong để lại cho muôn đời về lối sống và làm việc mang tính triết học: Sức tư duy ở một con người phát triển tới đỉnh điểm chỉ có được khi trong cuộc sống hàng ngày, con người ấy người nhất./.