Đóng cửa eo biển Hormuz, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ vỡ trận
Trong mạng lưới thương mại toàn cầu phức tạp, hiếm có hành lang vận tải nào lại quan trọng và dễ bị tổn thương như eo biển Hormuz.

(Tư liệu) Tàu di chuyển tại Eo biển Hormuz. Ảnh: IRNA/TTXVN
Tác động kinh tế của việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ rất nghiêm trọng. Đây là nhận định của Giám đốc điều hành công ty tư vấn Green Proposition có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), ông Shahid Hussain. Theo chuyên gia này, chỉ cần một sự gián đoạn nhỏ trên tuyến đường huyết mạch ở Trung Đông cũng có thể khiến thị trường năng lượng rơi vào hỗn loạn, lạm phát leo thang và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Trong mạng lưới thương mại toàn cầu phức tạp, hiếm có hành lang vận tải nào lại quan trọng và dễ bị tổn thương như eo biển Hormuz. Nằm giữa Iran và Bán đảo Arab, tuyến đường thủy hẹp dài 34 km này chịu trách nhiệm vận chuyển gần 1/5 nguồn cung dầu mỏ hàng ngày của thế giới và một phần đáng kể khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), chủ yếu từ vùng Vịnh đến các nền kinh tế đang khát năng lượng ở châu Á.
Tác động kinh tế của việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ rất nhanh chóng và nghiêm trọng. Đằng sau những con số và biểu đồ thị trường là một sự thật cơ bản: eo biển Hormuz không chỉ là một nút thắt khu vực. Nơi đây là nhịp đập của nền kinh tế năng lượng toàn cầu. Năm 2024, khoảng 20 triệu thùng dầu và một phần đáng kể LNG toàn cầu được vận chuyển hàng ngày qua eo biển Hormuz. Hoạt động kinh tế tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm gần 70% lượng dầu thô đi qua eo biển này, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Bất kỳ sự cản trở nào cũng sẽ làm đảo lộn an ninh năng lượng và năng suất công nghiệp của các quốc gia này.
Thị trường đã cho thấy những phản ứng lo lắng trước cả khi nguy cơ đóng cửa xuất hiện. Trong những tháng gần đây, giá dầu đã tăng vọt 4-6%, kéo theo giá cước vận tải tàu chở dầu tăng hơn 20% do căng thẳng địa chính trị bùng phát ở vùng Vịnh. Việc đóng cửa toàn bộ eo biển này sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác. Giá dầu thô Brent Biển Bắc có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng hoặc thậm chí 200 USD/thùng trong trường hợp xấu nhất. Tình hình tương tự cũng sẽ diễn ra trên thị trường khí đốt tự nhiên, đặc biệt là ở châu Á và châu Âu, nơi phụ thuộc nhiều vào LNG nhập khẩu và các vùng đệm chiến lược còn mỏng.
Biến động giá năng lượng, vốn được điều chỉnh bởi công suất dự phòng và dự trữ chiến lược nhưng những "lá chắn" này có thể không còn đáng tin cậy nữa. Không giống như những lần gián đoạn trước đây, khi công suất dự phòng từ Saudi Arabia hoặc việc giải phóng dự trữ dầu mỏ chiến lược đã giúp ổn định thị trường, việc đóng cửa hoàn toàn eo biển Hormuz có thể gây áp lực lên những vùng đệm này. Công suất dự phòng toàn cầu, vốn đã bị thắt chặt do thiếu đầu tư và địa chính trị, có thể không đủ để bù đắp cho mức thiếu hụt 20 triệu thùng/ngày.
Hiệu ứng lan tỏa của giá năng lượng tăng vọt sẽ vượt xa thị trường dầu mỏ. Chi phí năng lượng cao hơn sẽ thúc đẩy lạm phát trong lĩnh vực vận tải và sản xuất, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và nhà sản xuất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, giá dầu tăng 1% sẽ dẫn đến lạm phát toàn cầu tăng 0,3-0,4 điểm phần trăm. Trong lúc nền kinh tế toàn cầu vốn đã dễ bị lạm phát như hiện nay, một sự tăng vọt như vậy có thể đẩy sự phục hồi mong manh vào tình trạng trì trệ.
Các ngân hàng trung ương, bị kẹt giữa việc chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ phải đối mặt với một bài toán chính sách nan giải. Việc thắt chặt tiền tệ có thể quay trở lại đúng lúc nhiều nền kinh tế hy vọng sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất. Hậu quả có thể là sự trở lại của tình trạng đình lạm, một sự kết hợp tai hại giữa tăng trưởng chậm lại và giá cả tăng cao. Các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, gây ra tình trạng mất việc làm, sức mua suy giảm và bất bình đẳng gia tăng ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Eo biển Hormuz cũng đóng vai trò là cầu nối cho các sản phẩm hóa dầu, phân bón, ngũ cốc và hàng tiêu dùng. Việc đóng cửa eo biển này sẽ làm tê liệt hoạt động logistics vận tải biển toàn cầu. Việc chuyển hướng tàu thuyền quanh Mũi Hảo Vọng có thể kéo dài thời gian giao hàng thêm hai tuần, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng cảng biển, đồng thời đẩy giá cước vận tải và phí bảo hiểm lên cao. Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào mô hình "just-in-time" (mô hình sản xuất tinh gọn), chẳng hạn như sản xuất ô tô và điện tử, có thể phải đối mặt với tình trạng chậm trễ hàng loạt và chi phí tăng vọt.
Hệ thống lương thực toàn cầu cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Việc vận chuyển phân bón và ngũ cốc qua eo biển này bị gián đoạn sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp, trong khi giá nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí hậu cần. Giá lương thực, vốn đã dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và xung đột, sẽ tiếp tục leo thang, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đường ống dẫn dầu Đông-Tây của Saudi Arabia có thể vận chuyển khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày, có thể mở rộng lên 7 triệu thùng. Đường ống Fujairah của UAE bổ sung thêm 1,5 triệu thùng/ngày. Tổng của những con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với công suất 20 triệu thùng/ngày của tuyến đường vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz. Các nước xuất khẩu dầu quan trọng như Iraq, Qatar và Kuwait hoàn toàn thiếu các giải pháp thay thế.
Các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) chỉ mang lại sự hỗ trợ ngắn hạn. Mỹ nắm giữ khoảng 600 triệu thùng, châu Âu 400 triệu thùng và châu Á hơn một tỷ thùng. Nhưng đây là những nguồn tài nguyên hữu hạn. Với mức hao hụt ước lượng khoảng 20 triệu thùng/ngày, ngay cả các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược toàn cầu cũng có thể cạn kiệt trong vòng hai tháng. Trong kịch bản eo biển Hormuz đóng cửa kéo dài, ngay cả những nền kinh tế được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cũng sẽ bắt đầu gặp khó khăn.
Chính phủ, các tổ chức đa phương và các bên liên quan trong khu vực tư nhân cần bắt đầu coi các điểm nghẽn năng lượng là rủi ro hệ thống. Điều này có nghĩa là cần tăng đầu tư vào dự phòng, dù là thông qua chuỗi cung ứng đa dạng, hành lang năng lượng chiến lược hay nhiên liệu thay thế. Điều này cũng có nghĩa là cải thiện các cơ chế ngoại giao để đảm bảo an ninh hàng hải không bị gián đoạn trên các tuyến đường quan trọng như eo biển Hormuz. Trong một thế giới ngày càng gắn kết hơn nhờ thương mại, một tuyến đường thủy hẹp lại có sức ảnh hưởng không cân xứng đến sự ổn định kinh tế toàn cầu. Việc đóng cửa tuyến đường này, dù chỉ là tạm thời, không chỉ làm tăng giá cả mà còn có thể định hình lại quỹ đạo tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm tới.