Động đất làm đá lăn từ núi xuống làng: Quảng Nam chỉ đạo 'nóng'

Động đất tại tỉnh Kon Tum khiến nhiều tảng đá từ trên đỉnh núi tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Nam lăn xuống sát khu dân cư.

Ngày 2-12, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký công văn về việc chủ động ứng phó với ảnh hưởng của động đất, tình hình thiên tai trong thời gian tới.

Theo công văn, sau khi tiếp nhận báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) về tình hình rung lắc xảy trên địa bàn huyện Nam Trà My, do ảnh hưởng của động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở ngành và cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một nội dung công việc.

Nhiều tảng đá trên núi cao lăn xuống sát khu dân cư ở làng Tu Hon sau động đất

Nhiều tảng đá trên núi cao lăn xuống sát khu dân cư ở làng Tu Hon sau động đất

Trong đó, yêu cầu tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện công điện ngày 31-7 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra tác động, ảnh hưởng của động đất xảy ra tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và chủ động ứng phó với động đất trong thời gian tới.

Yêu cầu UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của Nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ Nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).

Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của động đất, thiên tai gây ra theo thẩm quyền, đúng quy định; thường xuyên theo dõi, báo cáo về UBND tỉnh (qua Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 30-11 đến nay tại khu vực huyện Kon Plông và huyện Nam Trà My xảy ra 13 trận động đất, gồm 6 trận ngày 30-11; 3 trận ngày 1-12 và 4 trận ngày 2-12. Trong số đó, có 2 trận động đất ngày 2-12 xảy ra tại huyện Nam Trà My, 11 trận còn lại tại huyện Kon Plông.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều và tối ngày 30-11, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (giáp với huyện Nam Trà My) liên tiếp xảy ra 6 trận động đất. Trong đó, 2 trận động đất đầu xảy ra lúc 16 giờ 42 phút và lúc 17 giờ 12 phút có độ lớn lần lượt là 4 và 3,8 độ richter. 4 trận động đất sau đó nhỏ hơn.

Nhiều người dân trên địa bàn huyện Nam Trà My cho biết họ cảm nhận rõ rệt 3-4 đợt rung chấn mạnh, nhiều người hoảng sợ bỏ chạy khỏi nhà.

Đang chú ý, tại làng Tu Hon, động đất đã gây ra rung chấn khiến nhiều tảng đá rất lớn trên đỉnh núi Ngọc Mong lăn xuống khu vực gần khu dân cư, cách nhà dân khoảng 30 đến 50 m. Tại hiện trường, một số tảng đá nặng cả tấn nằm chênh vênh ở vực cao hoặc vướng vào một số gốc cây trong quá trình trượt lở, có nguy cơ tiếp tục lăn xuống gây nguy hiểm cho 17 hộ với 69 nhân khẩu và điểm trường mẫu giáo tại làng Tu Hon.

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-dat-lam-da-lan-tu-nui-xuong-lang-quang-nam-chi-dao-nong-196241202163321319.htm