Động đất mạnh 4.4 độ ở Tây Nguyên, các tỉnh lân cận cảm nhận được

Lúc 13h30 chiều nay (22/8) tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (khu vực Tây Nguyên) tiếp tục xảy ra trận động đất mạnh 4.4 độ. Tỉnh Kon Tum và các tỉnh lân cận cảm nhận được rung chấn từ trận động đất này.

Từ sáng đến đầu giờ chiều nay, 6 trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trong đó trận mạnh nhất xảy ra ở độ sâu 8,1km với độ lớn 4.4. Trên các diễn đàn, nhiều người dân ở Kon Tum, Quảng Ngãi cho biết, họ cảm nhận được rung chấn từ trận động đất này, đồ đạc trong nhà rung lắc nhẹ, nhiều người cảm thấy hoa mắt thời điểm xảy ra động đất.

Trong ba ngày qua (20-22/8), khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ghi nhận liên tiếp 20 trận động đất. Trong đó, ngày 20/8 cũng ghi nhận một trận động đất có độ lớn 4.2, gây rung chấn cho khu vực huyện Kon Plông và các huyện lân cận vùng tâm chấn.

Thời gian qua, động đất có xu hướng gia tăng và hoạt động mạnh ở khu vực Kon Plông, tỉnh Kon Tum với nhiều đợt động đất liên tiếp xảy ra.

Tâm chấn trận động đất mạnh 4.4 độ chiều nay ở Kon Tum.

Tâm chấn trận động đất mạnh 4.4 độ chiều nay ở Kon Tum.

Tính từ đầu năm đến nay, hơn 200 trận động đất đã ghi nhận ở khu vực này. Trong đó trận động đất xảy ra vào trưa ngày 28/7 có độ lớn 5.0, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và miền Trung.

Các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất trong khu vực là động đất kích thích xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước, gây sức ép cho hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn quy luật tự nhiên.

Động đất kích thích ở khu vực này bắt đầu từ tháng 4/2021 ngay sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nhận định, động đất kích thích ở đây có thể kéo dài cả chục năm, như động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam, do cả hai khu vực này nằm cùng một hệ thống đứt gãy Rào Quán – A Lưới và có nền địa chất tương đối giống nhau.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, các nghiên cứu trong nước và quốc tế nhận định, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực này có thể từ 6-6.3 độ. Vì vậy, động đất kích thích cực đại trong khu vực ít có khả năng vượt quá 5.3 độ. Không loại trừ trường hợp trận động đất mạnh 5.0 độ vào trưa ngày 28/7 là trận động đất kích thích lớn nhất ở khu vực này.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-dat-manh-44-do-o-tay-nguyen-cac-tinh-lan-can-cam-nhan-duoc-post1665969.tpo