Động đất Myanmar: Thái Lan đẩy mạnh điều tra các dự án xây dựng
Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh điều tra các dự án khác có liên quan đến nhà thầu tham gia xây dựng tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) bị sập ở Bangkok do ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra tại Myanmar chiều 28-3.

Các nhân viên cứu hộ tại Mandalay, Myanmar ngày 1-4. Ảnh: Reuters
Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 1-4, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết bà đã chỉ thị cho nhiều cơ quan khác nhau điều tra tất cả các dự án xây dựng được trao cho nhà thầu trên. Tòa nhà SAO có giá trị 2,1 tỷ baht (61,4 triệu USD). Công trình 30 tầng này được khởi công khoảng 5 năm trước và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đây là tòa nhà duy nhất bị đổ sập tại Bangkok do ảnh hưởng của trận động đất mạnh tại Myanmar. Thừa nhận tòa nhà bị sập đã cướp đi sinh mạng và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Thái Lan, bà Paetongtarn nhấn mạnh an toàn phải là ưu tiên hàng đầu, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân tòa nhà này bị sập.
Theo truyền thông Thái Lan, ngoài tòa nhà SAO, cơ quan chức năng Thái Lan sẽ điều tra việc xây dựng các công trình khác có liên quan đến nhà thầu trên gồm tòa nhà của Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia và một số đoạn của dự án đường sắt cao tốc Bangkok - Nong Khai. Thứ trưởng Bộ Thương mại Napintorn Srisunpang cho biết một hội đồng điều tra do Bộ Thương mại thành lập sẽ làm việc với Cục Phòng chống tội phạm kinh tế của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cục Thuế, để xem xét liệu có bất kỳ sai phạm nào hay không.
Trước đó, một cuộc điều tra do Bộ Công nghiệp tiến hành với các mẫu thép thu thập từ đống đổ nát của tòa nhà sập cho thấy một số mẫu thép không đạt tiêu chuẩn về khối lượng, thành phần hóa học và khả năng chịu ứng suất trước khi gãy. Người đứng đầu nhóm điều tra của Bộ Công nghiệp Thitipas Choddaechachainun, cho biết mẫu thép kém chất lượng này là sản phẩm của một công ty có nhà máy đã bị đóng cửa kể từ tháng 12-2024 vì các vi phạm khác. Hình ảnh thanh thép do Bộ Công nghiệp và truyền thông địa phương công bố cho thấy nhãn hiệu "Sky", sản xuất bởi Công ty Xin Ke Yuan Steel, có nhà máy đặt tại tỉnh Rayong, Thái Lan. Chính quyền Thái Lan đã đóng cửa nhà máy này vào tháng 12 vì lý do an toàn sau một vụ rò rỉ khí gas và đã thu giữ hơn 2.400 tấn thép. Theo quan chức Bộ Công nghiệp Thitipas, Chính phủ sẽ có hành động pháp lý đối với nhà máy thép theo Đạo luật Tiêu chuẩn Sản phẩm Công nghiệp của Thái Lan, đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ đang siết chặt kiểm soát đối với thép kém chất lượng.
Trong khi đó, Quan chức tổ chức cứu hộ Quỹ Ruamkatanyu, Bin Bunluerit, cho biết máy quét vào sáng 1-4 đã phát hiện hơn 70 người hoặc thi thể mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà SAO. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng hình ảnh quét không xác định được độ sâu chính xác mà những thi thể hoặc người mắc kẹt đang nằm. Dù hiện trường thiệt hại nặng nề, lực lượng cứu hộ vẫn hy vọng tìm thấy người sống sót trong số 70 người trên.
Tại Myanmar, thông tin từ chính quyền quân sự nước này cho biết, tính đến ngày 2-4, số người thương vong trong trận động đất kinh hoàng hôm 28-3 đã tăng lên thành 2.886 người. Ngoài ra, còn có 4.639 người khác bị thương và 373 người vẫn đang mất tích. Đội cứu hộ cho biết họ đã cứu được 403 người ở Mandalay trong 4 ngày qua và tìm thấy 259 thi thể. Công tác cứu hộ vẫn đang tiếp tục, dù hy vọng tìm thấy thêm người sống sót ngày càng mong manh do nhiều khu vực bị cô lập, mất điện, viễn thông và giao thông bị gián đoạn. Gần tâm chấn của trận động đất, tại các thành phố bị tàn phá như Mandalay và Sagaing, những người sống sót ngủ trên đường phố, mùi tử thi mắc kẹt dưới đống đổ nát bao trùm khắp khu vực thảm họa.
Các cơ quan của Liên hợp quốc xác nhận các bệnh viện ở Myanmar đã quá tải và nỗ lực cứu hộ bị cản trở do thiệt hại về cơ sở hạ tầng và xung đột trong nước. Một người dân cho biết các thi thể chờ được hỏa táng "chất thành từng đống". Nước, thực phẩm và thuốc men đang bị thiếu hụt, trong khi gió mùa có thể ập đến vào tháng 5. Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết: "Chúng ta phải hành động nhanh chóng để cứu trợ trước khi gió mùa sắp tới. Gió mùa sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khủng khiếp này". Một số nước đã gửi lực lượng và hàng cứu trợ tới Myanmar, nhưng các hoạt động cứu trợ vẫn diễn ra chậm.
AN BÌNH
Quân đội Việt Nam đã giải cứu được một nạn nhân còn sống trong đống đổ nát
Thông tin từ hiện trường gửi về cho biết, 10 giờ sáng 2-4, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia tìm kiếm các nạn nhân sau trận động đất ở Myanmar đã đưa một nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát ra ngoài.
Trưa 2-4, khi đang triển khai công tác cứu hộ tại bệnh viện Ottara Thiri ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, đoàn cứu hộ của QĐND Việt Nam nhận được thông tin một nạn nhân trong trận động đất mắc kẹt trong đống đổ nát nhưng vẫn còn sống. Ban đầu xác định nạn nhân là một thanh niên khoảng 26 - 27 tuổi, bị mắc kẹt bên trong Khách sạn Aye Chan Thar ở Naypyidaw, cách bệnh viện nơi đoàn Việt Nam đang triển khai công tác cứu hộ khoảng 20km. Ngay lập tức, Đoàn QĐND Việt Nam cử Đội công binh gồm 6 người đến phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar tìm cách giải cứu nạn nhân. Khi lực lượng cứu hộ đến tiếp cận vị trí nạn nhân bị mắc kẹt, nạn nhân vẫn nói được và cho biết anh vẫn khỏe, chỉ thiếu đồ ăn và nước uống. Hiện lực lượng cứu hộ đang tìm đường tiếp cận gần nhất để giải cứu nạn nhân mắc kẹt.
Ngay trong sáng 2-4, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt trong Bệnh viện tư nhân Ottara Thiri ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Trước đó, lực lượng cứu hộ của QĐND Việt Nam đã được các bác sĩ cung cấp sơ đồ chi tiết của bệnh viện và các vị trí nghi ngờ có nạn nhân mắc kẹt; đồng thời cho biết, trong bệnh viện nhiều khả năng có từ 14 đến 20 nạn nhân (trong đó có 1 thi thể đã được lực lượng cứu hộ QĐND Việt Nam tìm thấy và đưa ra ngoài vào ngày 1-4). Các huấn luyện viên đội chó nghiệp vụ vẫn đang tiếp tục trinh sát các vị trí khác trong bệnh viện để sau đó đưa chó nghiệp vụ vào tìm kiếm thêm các nạn nhân. Ngay tại Bệnh viện Ottara Thiri, đoàn QĐND Việt Nam cũng đã thiết lập một đội y tế cứu trợ thảm họa với đầy đủ dụng cụ cấp cứu, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân cũng như lực lượng cứu hộ sở tại.