Động đất ở Hà Nội dù nhỏ nhưng sẽ gây hậu quả lớn

Khoảng 20 năm qua, hầu hết các trận động đất ảnh hưởng đến Hà Nội đều xuất hiện từ xa như Thái Lan, Lào, Trung Quốc hoặc Mộc Châu (Sơn La).

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/7, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đến nay, Hà Nội chưa có một trạm theo dõi, quan sát động đất nào, trong khi đây là địa bàn nếu có động đất, dù nhỏ, sẽ gây thiệt hại lớn.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, từ ngày 1/1 – 10/7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận được 142 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4- 4,1 độ richter trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó, có 24 trận động đất với độ lớn từ 3,5 độ richter. Đặc biệt, ngày 25/3, khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xảy ra trận động đất có độ lớn 4 richter.

"Tại Hà Nội, có đới đứt gãy sông Hồng – sông Chảy đi qua. Trong quá khứ, đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất mạnh 5,1-5,6 độ", ông Xuân Anh nói.

Trận động đất tại Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 25/3/2924

Trận động đất tại Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 25/3/2924

Khoảng 20 năm qua, hầu hết các trận động đất ảnh hưởng đến Hà Nội đều xuất hiện từ xa như Thái Lan, Lào, Trung Quốc hoặc Mộc Châu (Sơn La). Tuy nhiên, ngày 25/3/2024, một trận động đất mạnh 4 độ đã xảy ra tại Hà Nội. Điều này cho thấy động đất vẫn xảy ra ở những đới đứt gãy đang hoạt động.

Phần lớn các trận động đất xảy ra chủ yếu là động đất kích thích, liên quan tới việc vận hành các nhà máy thủy điện, mà tỷ lệ lớn xảy ra ở khu vực huyện Kon Plong (Kon Tum). Trong tổng số 142 trận ghi động đất Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần ghi nhận được, chỉ có 10 trận là động đất tự nhiên.

TS Nguyễn Xuân Anh giải thích: "Động đất tự nhiên là động đất tại các vùng đứt gãy. Các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động ở sâu trong lòng đất. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất. Hiện nay, trên cả nước có hàng chục vùng đứt gãy”.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, hiện Viện Vật lý địa cầu có khoảng 40 trạm địa chấn quốc gia, mỗi trạm cách nhau khoảng 100 - 200 km. Theo đó, có khả năng ghi nhận những trận động đất trên 3,5 độ richter trên toàn lãnh thổ. Động đất ở Hà Nội được các nhà khoa học ghi nhận dựa vào các trạm quốc gia ở Hòa Bình, Bắc Giang…

Ở các khu vực trọng yếu như đập hồ thủy điện hoặc nơi có những công trình quốc gia quan trọng (như ở Kon Tum, Tây Bắc), Viện Vật lý địa cầu có mạng trạm, khoảng cách giữa trạm này tới trạm kia là khoảng 10 - 20 km.

Đây là những trạm địa phương. Với nơi có mạng trạm, các nhà khoa học có thể ghi nhận được những trận động đất nhỏ hơn, từ 1 độ richter.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-dat-o-ha-noi-du-nho-nhung-se-gay-hau-qua-lon-post582754.antd