Động đất ở hàng loạt địa phương có bất thường?

Ninh Bình, Yên Bái, Phú Yên, Kon Tum là 4 địa phương xảy ra động đất trong 3 ngày gần đây. Động đất không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng gây lo lắng cho các gia đình sống ở gần tâm chấn do cảm nhận rõ rung lắc.

Động đất ở hàng loạt địa phương

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, lúc 9 giờ 27 phút 12 giây (giờ Hà Nội), tại Nho Quan, Ninh Bình xảy ra động đất ở độ sâu khoảng 17km với độ lớn 3.4. Động đất xảy ra ở cuối huyện Nho Quan của Ninh Bình, tiếp giáp với huyện Thạch Thành và Hà Trung của Thanh Hóa. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Nhiều người sống tại khu vực huyện Nho Quan của Ninh Bình và Thạch Thành của Thanh Hóa cho biết, cảm nhận rõ rung lắc kèm tiếng nổ mạnh trong lòng đất.

Sau đó, lúc 15h09 tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đã xảy ra trận động đất có độ lớn 3.5, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Tâm chấn trận động đất ở xã Mường Lai (huyện Lục Yên), giáp ranh huyện Bắc Quang (Hà Giang) và cách tâm chấn trận động đất xảy ra cách đây hơn 1 tháng (mạnh 4 độ, ở xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) khoảng 30km theo đường chim bay. Nhiều người dân ở Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang cảm nhận được rung lắc từ trận động đất.

Nhiều địa phương động đất liên tiếp trong những ngày qua.

Nhiều địa phương động đất liên tiếp trong những ngày qua.

Tiếp đến, vào lúc 20 giờ 06 phút tối 29/5, một trận động đất có độ lớn 3.5 đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 13.120N-109.235E, ở độ sâu khoảng 10km. Trận động đất này xảy ra trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Người dân sống gần khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung chấn của trận động đất này. Sau đó, cũng tại ví trí ở Phú Yên, vào lúc 23 giờ 38 phút ngày 29/5 lại xảy ra một trận động đất có độ lớn 2.7, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.

Cùng ngày 29/5, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 2.8 và 2.9, nối dài hàng trăm trận động đất xảy ra tại địa phương này trong thời gian qua.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ, nhưng những tác hại thì vô cùng lớn, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Một số thảm họa trận động đất đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhân loại. Tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác, nhưng theo các tài liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy, mối hiểm họa không phải là hiếm.

Việc xảy ra các trận động đất liên tiếp những ngày qua ở nhiều địa phương không có gì là bất thường. Đây là các trận động đất có cường độ nhỏ, không gây ảnh hưởng về người và tài sản. Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang theo dõi sát diễn biến các trận động đất này và sẽ phát cảnh báo ngay lập tức nếu có các dư chấn tiếp theo.

Khu vực nào nhiều động đất nhất?

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, động đất và các dư chấn của các trận động đất đã gây ra sự dịch chuyển đột ngột của mặt đất, những tiếng nổ lớn, kèm theo hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống làm hư hại một số công trình của nhà dân, đơn vị... Người dân hoang mang, lo lắng, xáo trộn cuộc sống, nhiều nơi người dân phải sơ tán ngủ tại ruộng, nương, không dám ngủ trong nhà. Tại Thủ đô Hà Nội, do ảnh hưởng của các trận động đất này, nhiều nhà cao tầng bị rung lắc nhẹ làm nhiều người hoảng sợ.

Cung cấp bức tranh toàn cảnh về mức độ nguy hiểm động đất tại các vùng lãnh thổ của Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực Tây Bắc có độ nguy hiểm động đất cao nhất, thứ hai là khu vực Bắc Trung Bộ, thứ ba là khu vực Đông Bắc, thứ tư là khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu vực Đông Nam Bộ, thứ năm là khu vực đồng bằng sông Hồng. Khu vực miền Tây Nam Bộ có độ nguy hiểm thấp nhất cả nước.

Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra nếu bảo đảm tính bền vững của các công trình xây dựng và tăng cường hiệu quả giáo dục về các biện pháp phòng, tránh rủi ro động đất cho cộng đồng. Trong đó, tuyên truyền đến người dân để họ nắm được những kỹ năng cơ bản trong phòng, tránh và giải quyết hậu quả do động đất gây ra là hết sức quan trọng.

Về các kỹ năng ứng phó, trước động đất, người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng…; học cách bật, tắt ga, điện, nước. Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, cần chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.

Đặc biệt, không sử dụng thang máy, nên sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may động đất xảy ra khi đang ở trong thang máy, cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ. Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất .

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-dat-o-hang-loat-dia-phuong-co-bat-thuong-169240530085819223.htm