Động đất ở Ninh Bình có lặp lại?

Sáng 27/5, tại huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đã ghi nhận trận động đất có độ lớn 3,4 độ. Đây là trận động đất lặp lại sau gần 20 năm khu vực này xuất hiện động đất, điều này có bất thường?

Động đất ở Ninh Bình có thể lặp lại

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, lúc 9h27 phút sáng 27/5 đã xảy ra một trận động đất có độ lớn 3.4 tại khu vực huyện Nho Quan, Ninh Bình. Người dân trong khu vực có thể cảm nhận được rung lắc nhẹ từ trận động đất này.

Động đất xảy ra ở cuối huyện Nho Quan của Ninh Bình, tiếp giáp với huyện Thạch Thành và Hà Trung của Thanh Hóa. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Vị trí xảy ra động đất ở Ninh Bình ngày 27/5.

Vị trí xảy ra động đất ở Ninh Bình ngày 27/5.

Trên mạng xã hội, nhiều người sống tại khu vực huyện Nho Quan của Ninh Bình và Thạch Thành của Thanh Hóa cho biết, cảm nhận rõ rung lắc kèm tiếng nổ mạnh trong lòng đất. Trận động đất gần nhất xảy ra ở Ninh Bình vào năm 2005, tức sau gần 20 năm mới lại có động đất lặp lại, điều này có bất thường?

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, Ninh Bình nằm trên đứt gãy sông Đà là khu vực đã từng xảy ra động đất nên trận động đất xảy ra sáng nay không có gì bất thường. Dự báo động đất ở tỉnh Ninh Bình có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn Viện Vật lý địa cầu, nhận định trận động đất kiến tạo phát sinh trên đới đứt gãy sông Đà, một đứt gãy kiến tạo khá nổi tiếng về mức độ hoạt động. Đứt gãy sông Đà là nguồn phát sinh các trận động đất mức độ trung bình ở miền Bắc Việt Nam.

PGS Hồng Phương cho biết đới đứt gãy phân thành hai loại (cấp 1 và cấp 2). Đứt gãy cấp 1 gây ra trận động đất như ở Điện Biên, Tuần Giáo, Sơn La với trận động đất mạnh, còn đứt gãy cấp 2 sông Đà chỉ gây ra động đất nhỏ lẻ.

Đứt gãy cấp 2, ngăn cách hai vùng kiến tạo giữa hai đới Sơn La và sông Đà theo phân chia của các nhà địa chất vạch ra trên bản đồ. Đới đứt gãy ở phía Tây Bắc của miền Bắc Việt Nam, kéo dài 450 km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, chạy từ vùng Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đi qua Quỳnh Nhai và ra biển Đông ở vùng cửa Lạch Giang.

Nên tính đến kháng chấn cho các công trình xây dựng

PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng cho biết động đất có quy luật phân bố theo không gian. Động đất trên lãnh thổ Việt Nam mang sắc thái đặc trưng, chủ yếu tập trung thành các đới tương đối rõ nét có phương kéo dài, chủ yếu là Tây Bắc - Đông Nam, Đông Bắc - Tây Nam và á Kinh tuyến.

Các đới đứt gãy phân khối theo cấu trúc địa chất. Đó là khu vực uốn nếp Tây Bắc, miền uốn nếp Trường Sơn và vùng rìa Hoa Nam có cường độ lớn hơn cả. Nguy cơ xảy ra động đất mạnh lớn nhất trên phạm vi đất liền lãnh thổ Việt Nam là hệ đứt gãy Sông Đà - Sơn La và Sông Cả - Rào Nậy. Tại đây đã xảy ra 3 trận động đất mạnh nhất trên lãnh thổ với độ lớn đạt 6.0-6.9 độ.

Ngoài ra động đất còn được phân bố theo quy luật thời gian. Trước khi xảy ra động đất mạnh thường là một thời kỳ yên tĩnh. Khoảng thời gian yên tĩnh này kéo dài khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kiến tạo của từng vùng. Nói cách khác, độ kéo dài của thời gian yên tĩnh phụ thuộc vào vận tốc tích lũy và cấp độ mạnh của động đất xảy ra sau đó.

Có thể giải thích chu trình tích lũy và giải phóng năng lượng như sau: Sau động đất mạnh (cực đại trong vùng phát sinh), năng lượng còn dư được giải phóng dưới dạng các dư chấn. Sau thời kỳ này sẽ trở về trạng thái cân bằng mới. Những chuyển động kiến tạo diễn ra không ngừng tại đó đã bắt đầu quá trình tích lũy năng lượng mới (thời kỳ yên tĩnh). Quá trình này diễn ra chậm chạp, phụ thuộc vào cường độ chuyển động kiến tạo. Thời kỳ tiền chấn chính là thời kỳ năng lượng tích lũy bắt đầu giải phóng dưới dạng động đất yếu.

Do vậy, PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải kiến nghị kháng chấn trong xây dựng nhà dân sinh và công trình công cộng, công nghiệp, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Bắc.

TS Nguyễn Xuân Anh đề xuất, cần nghiên cứu phân đoạn đứt gãy sông Hồng để đánh giá nguy hiểm động đất chi tiết hơn, khu vực Hà Nội cần thực hiện đánh giá rủi ro động đất. Đồng thời, cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng trên địa bàn thành phố để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, chúng ta vẫn có bản đồ cảnh báo động đất theo vùng. Nhưng với khu vực Hà Nội, trong tình hình kinh tế - xã hội phát triển, nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình quan trọng được xây dựng thì cơ quan chuyên môn khuyến cáo là cần phân vùng nhỏ hơn để đánh giá chi tiết hơn về mức độ rủi ro, mức độ nguy hiểm do động đất.

Tất cả các công trình xây dựng phải tính toán đến yếu tố kháng chấn và cần thiết kế theo quy chuẩn nằm trong đới đứt gãy hoạt động. Đó là cách để phòng ngừa động đất bất thường có thể xảy ra, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-dat-o-ninh-binh-co-lap-lai-169240528092720051.htm