Động đất tại Myanmar: Hơn 1.600 người thiệt mạng, các nước rốt ráo cứu trợ

Theo báo cáo cuối ngày 29/3 từ giới chức Myanmar, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh xảy ra tại nước này vào trưa 28/3 tại nước này đã tăng lên 1.644 người, gần 2.400 người bị thương.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát ở Mandalay. Ảnh: Sai Aung Main/AFP

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát ở Mandalay. Ảnh: Sai Aung Main/AFP

Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 30 người mất tích tại thành phố Mandalay, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới. Các mô hình dự báo thảm họa cho thấy con số thương vong có thể lên đến hàng chục nghìn người.

Những con số báo cáo nêu trên chỉ là sơ bộ khi hệ thống liên lạc tại nhiều địa phương bị tê liệt do cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn trong thảm họa động đất.

Chịu ảnh hưởng của trận động đất này, thủ đô Bangkok của Thái Lan, cách tâm chấn hơn 1.000 km, đã xác nhận có 10 người thiệt mạng, trong đó phần lớn nạn nhân là công nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa nhà cao 30 tầng đang được xây dựng bị đổ sập.

Báo cáo của Cục Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai (DDPM) của Thái Lan chiều 29/3 cho thấy Thái Lan ghi nhận thiệt hại tại 13 tỉnh và nước này cũng đang nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân tại khu vực vị ảnh hưởng. Thái Lan ghi nhận hiện tượng rung lắc tại 57 tỉnh trải dài từ Bắc đến Nam, trong đó có vùng đô thị Bangkok ở miền Trung. Cơ quan chức năng nước này ghi nhận tổng cộng có 56 dư chấn có cường độ từ 2,8 đến 7,1.

Khẩn trương cứu trợ nạn nhân động đất

Các đoàn cứu trợ nước ngoài đầu tiên đã đến Myanmar để giúp nước này khắc phục hậu quả sau trận động đất kinh hoàng vừa qua.

Khẳng định "tình hữu nghị sâu sắc và lâu dài với Myanmar", Trung Quốc cho biết một đội cứu hộ và y tế gồm 37 thành viên là nhóm cứu hộ quốc tế đầu tiên đến Myanmar.

Đội được trang bị 112 bộ máy dò sự sống đầy đủ tính năng, hệ thống cảnh báo sớm động đất, vệ tinh di động, máy bay không người lái và các vật liệu cứu trợ khẩn cấp khác, theo đài CCTV.

Theo người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, Liên Hợp Quốc cũng đã phân bổ một khoản quỹ khẩn cấp trị giá 5 triệu USD cho Myanmar để cứu trợ động đất trong khi xác định các nhu cầu bổ sung và điều phối hoạt động ứng phó.

Một chuyến bay viện trợ của Ấn Độ đã hạ cánh xuống Myanmar. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết máy bay vận tải quân sự C-130 đã chở theo các bộ dụng cụ vệ sinh, chăn màn, lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Ngoài hàng hóa, Ấn Độ cũng đã cử một đội tìm kiếm cứu nạn và đội y tế cùng sang Myanmar trên chuyến bay này. Ông cho biết Ấn Độ sẽ theo dõi tình hình để có cứu trợ kịp thời.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang huy động trung tâm hậu cần tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) để chuẩn bị vật tư y tế cấp cứu cho nạn nhân động đất. WHO cũng đã kích hoạt cơ chế phản ứng khẩn cấp và đang điều phối công tác cứu trợ từ trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).

Liên minh châu Âu (EU) công bố khoản viện trợ khẩn cấp 2,5 triệu Euro (2,7 triệu USD), Malaysia, Hàn Quốc và New Zealand cũng đã công bố hỗ trợ Myanmar về nhân sự và viện trợ nhu yếu phẩm cần thiết.

Hôm 28/3, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã cử 2 máy bay chở nhân viên cứu hộ và bác sĩ đến Myanmar để giúp giải quyết hậu quả của trận động đất tàn khốc.

Lực lượng đặc nhiệm này gồm 120 nhân viên cứu hộ từ đội cứu hộ trên không Tsentrospas và Trung tâm chỉ huy các hoạt động cứu hộ rủi ro cao, cũng như các đội K-9 có kỹ năng tìm kiếm người dưới đống đổ nát, các bác sĩ gây mê và nhà tâm lý học từ Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả trận động đất Myanmar là "khủng khiếp" và tuyên bố rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Myanmar.

Theo Baochinhphu

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dong-dat-tai-myanmar-hon-1-600-nguoi-thiet-mang-cac-nuoc-rot-rao-cuu-tro-5042560.html