Dòng đời nơi đất mũi
Tỉnh Cà Mau vừa đề ra mục tiêu đến ngày 2/9/2025 hoàn thành xây mới và sửa chữa 3.995 căn nhà tạm, nhà dột nát, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Những ai đã từng đến nơi này mới thấy nhà tạm nhiều hơn những vùng đất họ đã từng đi qua. Dù cuộc sống đơn sơ, nhưng người dân đất mũi Cà Mau hào hiệp, chân tình, gắn bó với những người lính Biên phòng.
Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau nằm tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nơi đặt mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 đã không còn hoang sơ, bùn lầy như trước. Khu du lịch này có công trình cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau, cụm công trình Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ hướng về biển Đông... Bà Đặng Lệ Hoa, tên thường gọi là bà Năm đất mũi đã giới thiệu với tôi, muốn có cảm xúc về đất mũi theo kiểu dân dã và hiểu về cuộc sống của bà con thì đi lùi lại một đoạn, rẽ vô ấp Kênh Đào Đông nằm sát kênh Rạch Tàu.
Một dãy nhà của bà con nằm trước Trạm Kiểm soát Biên phòng Rạch Tàu, Đồn Biên phòng Rạch Tàu dẫn ra cuối xóm, phần hiên nhà gác lên bờ đất, phần sau nhà thì nhoài ra kênh và được nâng đỡ bởi hàng cọc trông có vẻ yếu ớt. Ấp Kênh Đào Đông cũng là một mũi nhô ra biển nằm trên vùng đất mũi và nhiều năm nay, bà con lo lắng vì cái mũi này bị sóng biển bào mòn, vài gia đình đã 2-3 lần dời nhà xê vào, nhưng mũi vẫn tiếp tục bị mài mòn nên bà con phải làm nhà tạm. Có những gia đình làm nhà tạm vì kinh tế eo hẹp, nhưng cũng có những gia đình chỉ sống trong căn nhà tạm, vì địa chất ở vùng đất mũi này là sình lầy cả triệu năm tích tụ. Ở đầu xóm, có vài ngôi nhà được đúc bằng xi măng kiên cố, nhưng móng nhà làm như ở các vùng miền quê khác nên ngôi nhà cứ mỗi ngày một lún, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tính cách của người dân đất mũi là sống phóng khoáng. Bà Hoa bộc bạch chia sẻ: “Cách đây 10 năm, dì trúng vé số 1,3 tỷ đồng, dì cho bà con hai bên năm chục triệu, ba chục triệu đồng/người, ủng hộ hơn 100 triệu đồng để xây cái miếu, tặng cho anh em BĐBP cái tủ lạnh để làm kỷ niệm, còn lại chút ít thì chủ nợ lkéo tới, dì trả hết, bây giờ thì sạch trơn”.
Trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (năm 1882) từng mô tả về người xứ Cà Mau: “Tính người nhẹ nhõm, phần nhiều hào phóng, ưa chuộng xa hoa...”. Nhận xét này vẫn đúng với người dân ở đất mũi ngày hôm nay. Nhiều người kể chuyện về các thế hệ BĐBP, nhưng bà Hoa có nhiều kỷ niệm hơn, bà cứ nhắc đi nhắc lại tên của những người từng là cán bộ BĐBP và gắn bó với người dân: “Nhiều lắm, nhớ sao hết, chú Ba, chú Sáu, anh Tư Biên phòng. Hồi trước, dì đau nặng, anh Ba ở đồn nói lính cứ tới bữa ăn thì bê phần cơm ra cho dì Năm đất mũi, nên bây giờ nghĩ vẫn thương anh em”.
Chị Lê Ánh Nguyệt, nhà ở cuối mũi Kênh Đào Đông ngồi ngóng tiếng ghe để đón chồng về, xuống vựa bán cá. Thế hệ 8X, nhưng ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ này khá đơn giản, những cây chống từ sàn nhà xuống mặt sông được gọi là “nạng”, đó là cách gọi chính xác cho những trụ nhà trông có vẻ yếu ớt, cong vẹo, “gầy gò”. Vợ chồng chị Nguyệt đã ở ngoài mũi được 10 năm, niềm hạnh phúc đối với họ khá đơn giản, đó là cá đầy ghe, mong gió lặng để đừng bị lỗ tổn dầu. Chị Nguyệt kể: “Vợ chồng em mua lô đất 4 mét ngang bên sông là hơn 100 triệu đồng, làm cái nhà này hơn 50 triệu, sắm cái vỏ lãi (ghe nhỏ) là 50 triệu, vậy là sống hoài tới giờ”.
Đi Cà Mau, trong đầu ai cũng nghĩ tới chữ “mũi”. Tôi tới đất mũi và chuẩn bị trước trong đầu hình ảnh về những con ba khía thập thò dưới sình lầy, giơ càng và nhướng mắt về phía người lạ, gặp những người dân nói giọng mộc mạc, đi qua những ngôi làng được xây dựng khang trang. Tuy nhiên, phần lớn nhà của bà con vẫn làm theo kiểu nhà tạm.
Đi sâu vào nhịp sống của bà con thì mới ngỡ ra, ngoài vấn đề nhà ở, người dân nơi đất mũi còn chật vật với việc cho con đi học. Việc vận động đưa con em tới trường, công tác xóa mù chữ không phải chỉ diễn ra ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, mà có ở ngay những xóm làng nằm trên kênh rạch. Anh Lê Chí Cường, Ấp trưởng Kênh Đào Đông phân tích cặn kẽ về hoàn cảnh các em nhỏ: “Nếu em nào học hết lớp 9 là tốt lắm rồi, vì từ đây lên tới điểm có trường cấp 3 thì phải đi 30 - 40km”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Diệp nhà gần Trạm Kiểm soát Biên phòng Rạch Tàu, Đồn Biên phòng Rạch Tàu cho biết: “Hằng ngày, đón gước (đưa) con trai đi học bằng đường phà chứ không đi vòng đường kinh (kênh)”. Tôi sướng rơn khi nghe chị nói chữ “học”, cùng với sự cần mẫn mỗi ngày 4 lần sang sông để đưa đón con. Ở nơi này, kênh là một thứ trở ngại ghê gớm. Chỉ tính riêng chi phí sang sông để đưa đón một đứa trẻ đã ngốn mất hơn 1,5 triệu đồng/tháng, nên phần lớn tụi nhỏ ở những thôn, xóm có địa hình như Kênh Đào Đông chỉ học tới lớp 7, 8 là bỏ, theo cha đi đánh lưới lú.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-doi-noi-dat-mui-post483273.html