Đồng đội sẽ còn nhắc mãi tên các anh
Trong lúc đang khẩn trương di dời phương tiện, thiết bị ra khỏi khu vực nguy hiểm, 3 cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Lâm Đồng và 1 người dân bị đất đá từ trên đồi cao đổ ập xuống, vùi lấp phần lớn chốt CSGT đèo Bảo Lộc cùng 4 nạn nhân. Các anh ra đi là sự mất mát, đau thương lớn đối với người thân, đồng đội và nhân dân…
Nỗi đau bất ngờ...
Sáng 30/7, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn, lượng mưa đo được tại khu vực đèo Bảo Lộc lên tới gần 200 mm. Trưa cùng ngày, nhiều vị trí trên tuyến đường đèo huyết mạch nối liền Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu sạt lở, một số tảng đá lớn từ trên cao lăn xuống mặt đèo, gây ùn tắc giao thông. Nhận được thông tin, tổ CSGT chốt đèo Bảo Lộc, gồm Trung tá Phạm Văn Chi, Thiếu tá Nguyễn Xuân Trung, Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Đại úy Nguyễn Văn Hưng, Đại úy Lê Quang Thành và Thượng úy Lê Ánh Sáng lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Tới vị trí tảng đá lớn án ngữ giữa đường, để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông.
Là chủ nhật, các phương tiện lưu thông qua đèo rất đông, nếu để kéo dài sẽ gây ùn tắc toàn tuyến đèo Bảo Lộc. Trước tình thế cấp bách, không thể chờ xe máy múc, máy ủi, các đồng chí trong tổ công tác đã gọi thêm nhiều người dân là tài xế và hành khách trên đường cùng chung tay vần đẩy từng tảng đá. Sau gần 10 phút, cuối cùng tảng đá lớn đã được đẩy ra khỏi mặt đường đèo. Các phương tiện lưu thông trở lại bình thường. Trời mưa ngày càng lớn, phương tiện lưu thông qua đèo rất đông, trong khi một số vị trí đất đá từ trên cao đã đổ xuống đường, có nguy cơ gây ùn tắc, đe dọa tới sự an toàn của người và phương tiện. Tổ công tác đã phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ triển khai khắc phục sạt lở.
Tới 14h cùng ngày, trong lúc các anh đang tuần tra kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông trên đèo thì nhận được tin tại khu vực sát với chốt CSGT đèo Bảo Lộc, đất đá có dấu hiệu sạt lở. Tổ công tác đã trở về, khẩn trương di dời phương tiện, thiết bị và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thấy lực lượng CSGT vội vã di chuyển đồ đạc, anh Phạm Ngọc Anh (SN 2000, nguyên là chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND), nhà gần đó đã chạy tới hỗ trợ.
Trong lúc các anh đang di chuyển phương tiện, thiết bị ra ngoài thì bất ngờ đất đá từ trên cao đổ ập xuống, lao thẳng ra mặt đèo Bảo Lộc. Hàng nghìn khối đất đá vùi lấp hoàn toàn một tòa nhà của chốt CSGT đèo Bảo Lộc được xây dựng xong cách đây khoảng 2 năm. Đẩy văng tòa nhà còn lại lệch khỏi vị trí ban đầu. Trong khoảnh khắc tang thương đó, Trung tá Phạm Văn Chi, Thiếu tá Nguyễn Xuân Trung và Đại úy Nguyễn Văn Hưng đã may mắn chạy thoát ra ngoài. Anh Trung và anh Hưng bị thương nhẹ ở chân, còn Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Đại úy Lê Quang Thành và Thượng úy Lê Ánh Sáng cùng anh Phạm Ngọc Anh bị hàng nghìn tấn đất đá vùi lấp.
Ngay khi sự việc xảy ra, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân, khẩn trương khắc phục hậu quả của vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng này. Hàng chục phương tiện cơ giới, gồm 10 máy múc và các máy ủi đã được điều động tới hiện trường. Phần lớn lực lượng của Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan cùng chó nghiệp vụ đã được Giám đốc Công an tỉnh điều động tới vị trí sạt lở, đẩy nhanh công tác tìm kiếm.
Tuy nhiên, do trời mưa, lượng đất đá đổ xuống, vùi lấp lớn, đất dính và trời tối nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Với nỗ lực không ngừng, tới 22h cùng ngày, lần lượt thi thể các anh đã được lực lượng chức năng tìm thấy dưới lớp đất sâu. Tuy nhiên, việc xác định danh tính các anh gặp rất nhiều khó khăn. Xuyên đêm, công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục diễn ra trong điều kiện mưa to, gió lớn. Tới trưa ngày 31/7, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể cuối cùng, được xác định là Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường bị đất đá vùi lấp sâu khoảng 2m, nằm ở sau trái của căn nhà trực.
Chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc đất đá từ phía sau chốt CSGT đèo Bảo Lộc đổ ập xuống, vùi lấp các nạn nhân, Trung tá Phạm Văn Chi cho biết, khi đó bờ taluy đất trên phía sau, nơi tiếp giáp với rẫy sầu riêng của người dân đã xuất hiện một số vết trượt nứt, một lượng đất nhỏ đã đổ xuống. Thấy có dấu hiệu nguy hiểm, Trung tá Phạm Văn Chi đã nhắn tin vào nhóm và lên tiếng cảnh báo về sự việc cho đồng đội biết. Lúc này, đồng đội anh Chi đang khẩn trương thu gom đồ đạc, thiết bị, phương tiện để di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Bất ngờ, chỉ khoảng 3 phút sau khi Trung tá Phạm Văn Chi nhắn tin cảnh báo, đất đá từ trên núi cao đổ ập xuống. Mọi người hô to “núi lở, núi lở”. Anh em chạy hướng ra ngoài, người chạy hướng vào phía trong. Chỉ trong vòng 5 giây, đất đá đã lao ầm ầm xuống, bao trùm, vùi lấp tất cả!...
Sáng 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tới hiện trường vụ sạt lở đất. Tại đây, Phó Thủ tướng đã đánh giá cao công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân. “Mặc dù điều kiện thời tiết có mưa, lượng đất đá vùi lấp lớn, đêm tối và nhiều yếu tố bất lợi khác nhưng tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo lực lượng tìm kiếm triển khai đồng bộ các giải pháp và đem lại kết quả tích cực. Trong vòng một ngày, tất cả các nạn nhân đều đã được tìm thấy!...”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng chủ động ứng phó với mưa bão, khẩn trương di dời các gia đình ra khỏi khu vực nguy hiểm, vũng thấp, gần sông suối có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét!... để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Những hành động đẹp còn mãi trong lòng dân
Không còn nỗi đau nào hơn khi gia đình Đại úy Lê Ánh Sáng - cấp hàm sau khi được truy thăng - (SN 1990, quê huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), vừa mới vào Lâm Đồng làm lễ ăn hỏi cho con trai nay lại nhận được tin dữ. Ngồi trước linh cữu con đặt nhờ tại nhà một người họ hàng ở TP Bảo Lộc, ông Lê Ngọc Vĩnh (SN 1951), bố của Đại úy Lê Ánh Sáng gương mặt đờ đẫn, thất thần. Đôi mắt ông ngấn lệ, cố giấu cảm xúc đau đớn không gì bù đắp được của một người cha bất ngờ mất con. Ông Vĩnh cho biết, mới cách đây ít ngày, cả gia đình còn vào Lâm Đồng để làm lễ ăn hỏi cho Đại úy Lê Ánh Sáng. Dự kiến, ngày 12/8 tới, gia đình sẽ tổ chức đám cưới cho anh. “Khi nghe tin con gặp nạn, gia đình chết lặng, tôi tức tốc bắt xe vào cùng con nhưng Sáng không còn!... Không ngờ chuyến đi này, gia đình tôi không được mừng hạnh phúc của con trai mà là để đưa con về quê nhà trong đau thương tột cùng!..”, ông Vĩnh nghẹn lời.
Bàng hoàng khi nhận tin chồng gặp nạn, chị Huệ, vợ Thiếu tá Lê Quang Thành và con gái khóc ngất, vội vã di chuyển gần 130 km xuống hiện trường với hy vọng tìm kiếm một “phép màu”. Thế nhưng, anh Thành đã mãi mãi ra đi. Chị Huệ cho biết, sáng sớm 30/7, sau khi ăn sáng cùng gia đình, anh Thành vội vã lên đường xuống chốt CSGT đèo Bảo Lộc cùng đồng đội phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý sự cố liên quan tới sạt lở đất tại một số vị trên tuyến đèo này. Không ai có thể ngờ rằng, đó là giây phút cuối cùng cả gia đình chị Huệ được sum vầy bên nhau. Đối diện với thi thể của chồng, chị Huệ và con gái nấc lên từng hồi nghẹn ngào. Chỉ trong khoảnh khắc, chị đã mất chồng, các con của chị mất cha. Đó là nỗi đau không gì bù đắp được.
Tại nhà vĩnh biệt của Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai, chị Vân, người thân của Trung tá Nguyễn Khắc Thường nghẹn ngào cho biết, anh Thường là người sống rất tình cảm, hòa đồng với mọi người nên được anh em họ hàng và bà con lối xóm thương mến. Phải thường xuyên công tác xa nhà nhưng ngày nào anh cũng dành thời gian để gọi điện về nhà thăm hỏi, động viên vợ con và cha mẹ. “Sáng 30/7, anh Thường còn gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe của cha mình. Anh Thường nói với gia đình anh đang đi tuần tra giao thông và khắc phục sự cố sạt lở trên đèo Bảo Lộc. Không ngờ, đó là cuộc gọi cuối cùng!... Khoảng 15h ngày 30/7, cả nhà bàng hoàng khi nghe tin đất đá vùi lấp trạm CSGT. Vợ của anh Thường suy sụp hoàn toàn, đi không nổi nữa, quá đau đớn!...”, chị Vân chia sẻ.
Trung tá Phạm Vũ Hùng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổ công tác chốt CSGT đèo Bảo Lộc có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc giữ vững trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đèo huyết mạch, nối lên Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh. Tuyến đèo dài hơn 10 km, hằng ngày lượng phương tiện qua lại rất đông, nhất là lễ, tết và mùa du lịch nhưng chỉ có một chiều lên và một chiều xuống. Nhiều năm qua, đèo Bảo Lộc thường xuyên xảy ra những vụ va quẹt, tai nạn giao thông. Chỉ cần xảy ra một vụ tai nạn nhẹ, cả đèo Bảo Lộc sẽ ùn tắc cục bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc lưu thông của các phương tiện. Nhiệm vụ hằng ngày của các anh không chỉ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, phòng ngừa các vụ tai nạn mà còn chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ để kịp thời xử lý, khắc phục những điểm sạt lở, nhất là vào mùa mưa bão nhằm đảm bảo giao thông luôn thông suốt.
Công việc của lực lượng chốt CSGT đèo Bảo Lộc quanh năm vất vả và rất áp lực. “Có nhiều anh em, nhất là cao điểm mùa du lịch hoặc thực hiện các chuyên đề tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm giao thông, cả tháng mới được về nhà một lần!... Hay, mỗi khi có tai nạn xảy ra, nhất là sạt lở đất, các đồng chí phải thức và làm việc xuyên đêm để thông đường!...”, Trung tá Phạm Vũ Hùng cho biết.
Những hình ảnh về các cán bộ CSGT Lâm Đồng cùng người dân dịch chuyển từng tảng đá sạt lở trên đèo Bảo Lộc lúc mưa bão đang diễn ra, được lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm nhiều người. Đây là những hình ảnh đẹp vì nhân dân phục vụ của những cán bộ CSGT trước lúc hy sinh, luôn đọng mãi trong lòng dân.
Chiều 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 3 cán bộ CSGT hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, ứng cứu thảm họa thiên tai tại đèo Bảo Lộc.
Trước đó, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ký các quyết định truy thăng cấp bậc hàm sĩ quan nghiệp vụ đối với 3 cán bộ CSGT hy sinh, từ Thiếu tá lên Trung tá, kể từ ngày 30/7 đối với đồng chí Nguyễn Khắc Thường (SN 1981, quê quán xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương); truy thăng cấp bậc hàm từ Đại úy lên Thiếu tá, kể từ ngày 30/7 đối với đồng chí Lê Quang Thành (SN 1977, quê quán xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); truy thăng cấp bậc hàm từ Thượng úy lên Đại úy kể từ ngày 30/7 đối với đồng chí Lê Ánh Sáng (SN 1990, quê quán xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).