Đồng euro tiếp tục mất giá khi EC bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế Eurozone
Đồng tiền chung vẫn chịu áp lực đi xuống vào ngày 14/7, sau khi EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone và xung đột chính trị ở Italy.
Đồng USD tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 14/7, xác lập mức cao mới trong 24 năm so với đồng yen của Nhật Bản và áp sát “ranh giới” ngang giá với đồng euro, khi các nhà đầu tư đặt cược về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 1 điểm phần trăm trong tháng này để chống lại lạm phát.
Đồng euro giao dịch ngay trên mức tương đương với đồng USD ngay sau khi “phá thủng” mức quan trọng 1 USD đổi 1 euro lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ.
Đồng tiền chung vẫn chịu áp lực đi xuống vào ngày 14/7, sau khi EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone và xung đột chính trị ở Italy. Phiên này, đồng euro giảm 0,4% so với đồng USD, xuống mức 1,00215 USD/euro.
Ngày 14/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho năm 2022 và năm 2023, đồng thời điều chỉnh ước tính lạm phát của khu vực, chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong dự báo hàng quý mới được công bố, EC vẫn giữ nguyên quan điểm bi quan về triển vọng kinh tế của khối tiền tệ chung gồm 19 quốc gia thành viên như đã từng thảo luận với các bộ trưởng tài chính khu vực vào đầu tuần này.
EC dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn chút ít so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng Năm là 2,7%.
Tuy nhiên, đối với năm 2023, khi tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và giá năng lượng cao hơn có thể được cảm nhận một cách sâu sắc hơn, EC đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone xuống 1,4%, thay vì mức dự báo trước đó là 2,3%.
Ủy viên kinh tế EU Paolo Gentiloni lưu ý rằng, sự sụt giảm của đồng euro so với đồng USD đang là mối lo ngại, chủ yếu là đối với các nền kinh tế đang phát triển, hơn là đối với Eurozone, bởi vì đồng euro đang tăng giá so với các đồng tiền lớn khác.
Cùng ngày, EC đã nâng ước tính đối với lạm phát Eurozone trong năm nay lên mức “đỉnh” 7,6%, trước khi giảm xuống 4% vào năm 2023.
Trước đó, vào tháng 5,/2022, EC dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone sẽ lần lượt tăng 6,1% và 2,7% trong năm 2022 và 2023.
EC cảnh báo lạm phát thậm chí có thể tăng cao hơn nếu giá khí đốt tiếp tục tăng do Nga cắt giảm nguồn cung mặt hàng này. Bên cạnh đó, EC cũng không loại trừ khả năng đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Bất chấp những nguy cơ trên, EC nhận định Eurozone sẽ không rơi vào suy thoái và các con số dự báo trên có thể cải thiện, nếu giá dầu và hàng hóa tiêu dùng tiếp tục đà giảm như thời gian gần đây.
Với tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục, EC đánh giá tiêu dùng cá nhân có thể thích ứng tốt hơn với đà tăng của giá cả, nếu các hộ gia đình sử dụng nhiều hơn khoản tiền tiết kiệm của họ.
Xét theo quốc gia, tăng trưởng của Đức - nền kinh tế lớn nhất EU- sẽ ở mức 1,4% trong năm nay và 1,3% trong năm 2023.
Tương tự, kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở mức 2,4% trong năm nay và 1,4% trong năm sau. Các con số này đều thấp hơn các dự báo được đưa ra vào tháng 5/2022.
Trong số ba nền kinh tế lớn nhất EU, Italy (I-ta-li-a) là quốc gia duy nhất có dự báo tăng trưởng kinh tế tăng lên so với trước đó.
Cụ thể, trong năm nay, kinh tế Italy được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 2,9%, thay vì 2,4% như được công bố vào tháng 5.
Tuy nhiên, sang năm sau, EC dự báo kinh tế Italy sẽ tăng trưởng ở mức 0,9%, thay vì mức 1,9% như dự báo cũ./.