Đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tham gia Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp, thảo luận, kiến nghị về nhiều nội dung quan trọng cho công tác xây dựng pháp luật cũng như đóng góp các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm thúc đẩy kinh tế- xã hội của đất nước, của tỉnh tiếp tục phát triển.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được chia làm hai đợt họp tập trung. Đợt 1, từ ngày 21/10 đến ngày 13/11. Đợt 2, từ ngày 20/11 đến ngày 30/11/2024 tại thủ đô Hà Nội. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đồng thời cho ý kiến vào 13 dự án luật và thông qua 15 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề. Với sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tham gia các vấn đề Quốc hội thảo luận. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 34 ý kiến phát biểu ở các phiên thảo luận tại tổ; có trên 20 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường; 3 ý kiến phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều bài phát biểu của các ĐBQH trong đoàn được Quốc hội, cử tri đánh giá cao.
Bày tỏ thống nhất cao với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, gắn với XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương, để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp. Nghiên cứu xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã chưa đạt chuẩn NTM, nhất là các xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn...
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ĐBQH Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm và có chỉ đạo trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó quan tâm đầu tư xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là giải quyết tình trạng di cư tự do, thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chính sách phát triển rừng gắn với sinh kế và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân...
Tại kỳ họp, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng tham gia thảo luận, cho ý kiến về những dự án luật, nghị quyết, gồm: Dự án Luật Điện lực (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); dự án Luật Dữ liệu; dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Việc làm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam... Trong đó, nhiều nội dung được các đại biểu tham gia góp ý chuyên sâu, mang tính xây dựng cao, được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và được ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi ý kiến tại các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, với sự sâu sát, nắm rõ thực tế, các ĐBQH tỉnh đã tham gia tích cực vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề “nóng” trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, như: Khắc phục và có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn; có giải pháp để bình ổn và quản lý thị trường vàng; chỉ rõ khó khăn, thách thức, thuận lợi trong việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng... Ngoài việc tham gia các hoạt động chính trong nội dung Kỳ họp thứ 8, các vị ĐBQH của tỉnh còn dành thời gian tham dự các hoạt động khác, như: tham dự các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội mà các vị đại biểu là thành viên và nhiều hội nghị, hội thảo khác; trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình về những vấn đề bức xúc mà cử tri cả nước quan tâm. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ trao đổi, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành và trao đổi kinh nghiệm với một số lãnh đạo và Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành bạn để thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã góp phần vào sự thành công chung của kỳ họp; các ĐBQH đã thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thật sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh.