Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy: Cơ hội tìm người tài cho giai đoạn mới

Chuyên gia cho rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ mở ra cơ hội tìm người tài cho giai đoạn mới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương sáng 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 cần quyết tâm hoàn thành và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý I/2025.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra sáng 25/11. (Ảnh: VGP)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra sáng 25/11. (Ảnh: VGP)

Cơ hội tìm người tài cho giai đoạn mới

Bình luận vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) nhận định, trước đây chúng ta tinh giản bộ máy còn mang tính cơ học, chứ chưa phải cơ cấu lại để nâng cao chất lượng hoạt động.

"2 Cục nhập vào nhau, 2 Vụ nhập vào nhau, 2 Phòng nhập vào nhau chỉ để giảm 1 đầu mối", ông Nguyễn Đức Hà nói.

Nhưng "cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy" lần này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tại Hội nghị Trung ương sáng 25/11 là thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.

Đồng thời, việc thực hiện cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.

"Giai đoạn cách mạng mới thì yêu cầu cán bộ phải cao hơn. Bây giờ tinh gọn bộ máy đòi hỏi cán bộ phải như "con dao pha", có thể thạo một việc nhưng phải làm được rất nhiều việc khác nữa. Như vậy mới nâng cao được chất lượng hoạt động của bộ máy và của chính cán bộ đó", ông Hà khẳng định.

Đồng tình với phương hướng nâng cao chất lượng cán bộ khi tinh gọn bộ máy, TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ, sau khi sáp nhập, khối lượng công việc của các cơ quan sẽ tăng lên, mỗi người không thể chỉ làm một việc đơn giản như trước đây.

Bộ máy tinh, gọn, mạnh phải hướng đến tiêu chí như Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra là hiệu lực, hiệu quả, tức là hoạt động phải thông suốt, trôi chảy, chi phí ít nhất mà kết quả tối đa nhất có thể. Đó là những tiêu chí căn bản của một nền quản trị quốc gia hiện đại.

Theo ông Đáng, những cải cách về tổ chức, bộ máy được thực hiện hiệu quả ngay trong thời gian tới sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa.

Đây là cơ hội để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt để chuẩn bị cho nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

"Nếu có đột phá về công tác cán bộ sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIV", TS Nguyễn Văn Đáng nói thêm.

Sắp xếp tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực

Hội nghị Trung ương diễn ra sau 20 ngày Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Bình luận vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, điều này thể hiện quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng.

"Hội nghị lần này đặt vấn đề thông qua cải cách tổ chức, bộ máy để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng - Quốc hội - Chính phủ - Cơ quan Tư pháp - Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp, cần thiết và đúng thời điểm. Chỉ có như vậy mới có thể đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững như Tổng Bí thư nói đó là bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản", ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, chúng ta đạt được một số kết quả khá tích cực và tạo ra chuyển biến bước đầu như: giảm được đầu mối, giảm được số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm được tầng lớp trung gian, giảm được biên chế và cuối cùng giảm được chi thường xuyên.

Song, nếu xem xét nghiêm túc, việc thực hiện nghị quyết chưa đạt được kết quả như mong muốn, bởi tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều giao thoa giữa các cơ quan với nhau.

"Tức là một việc nhưng nhiều cơ quan cùng làm, chưa đạt được mục tiêu một việc do một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Vì lẽ đó vẫn còn tình trạng chồng lấn chức năng, nhiệm vụ, còn cơ chế xin - cho, dẫn đến lãng phí nguồn lực, lãng phí thời gian, lãng phí trí tuệ, lãng phí tài chính", ông Hà nói.

Trực tiếp tham gia quá trình xây dựng đề án Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 để trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành, ông Nguyễn Đức Hà cho hay, nghị quyết có đặt vấn đề nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới.

Nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp như: ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, Trung ương nhận thấy một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng lấn nhau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính; Bộ Giao thông vận tải - Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường…

"Nhưng chúng tôi cũng nhận thức được rằng, nguồn lực thì có hạn mà cùng một lúc dàn trải làm quá nhiều việc thì sợ làm không đến nơi đến chốn và quan trọng nhất là cần có trọng tâm, trọng điểm. Vậy nên, thời điểm đó quyết định giai đoạn 1 chúng ta kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ở bên trong các bộ, ngành là chủ yếu", ông Hà kể.

Ông Hà cũng nhắc đến quan điểm của Đảng là phải làm từng bước thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, "vừa chạy vừa xếp hàng", trên cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, tinh gọn bộ máy là việc khó, phức tạp, thậm chí còn rất nhạy cảm. Bởi nói đến tinh gọn tổ chức bộ máy là đụng đến con người, nói đến tinh giản đội ngũ cán bộ là liên quan đến con người. Mà con người thì rất nhiều vấn đề tác động vào như tâm tư, tình cảm, quyền lợi, lợi ích, uy tín, danh dự, chức vụ, thu nhập…

Nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương phân tích, nếu 2 Bộ nhập thành 1 thì chỉ còn 1 chức danh Bộ trưởng, người còn lại xuống Thứ trưởng; 10 Thứ trưởng của 2 Bộ cùng lắm chỉ còn 5 chức danh Thứ trưởng, ít nhất 5 người phải xuống lãnh đạo cấp cục; cấp cục và phòng khi sáp nhập cũng vậy.

"Điều này ảnh hưởng đến danh dự, ảnh hưởng uy tín của mỗi cán bộ. Hay 2 tỉnh nhập làm 1, 2 chức danh Bí thư Tỉnh ủy giờ còn 1, liệu có ai xung phong cho em xuống làm Phó Bí thư không? Khó lắm, tâm tư con người là thế", ông Hà nói.

Nêu những khó khăn trong việc tinh giản biên chế thời gian qua khiến hiệu quả chưa đạt được kỳ vọng, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để thực hiện sáp nhập bộ, ban, ngành và địa phương.

Vị chuyên gia lý giải, 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 thu được rất nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt, khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng như lời Bác Hồ: "Cán bộ nào thì phong trào đó". Người chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm thì chắc chắn sẽ có chuyển biến nhất định.

Theo ông Hà, chúng ta thấy rõ sự quyết tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua.

Hơn nữa, khi giữ cương vị Bộ trưởng Công an, Tổng Bí thư làm quyết liệt và đạt được kết quả tốt trong công tác tinh giản bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017.

"Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gương mẫu đi đầu trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", ông Hà nêu.

Một lý do nữa được ông Hà đưa ra là việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực không phải là vấn đề quá mới mẻ mà đã được thực hiện từ lâu.

Trước đây Chính phủ từng có Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Điện và Than, Bộ Thương mại. Sau nhiều lần sáp nhập, giờ chỉ còn Bộ Công Thương.

Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được hình thành thông qua sự sáp nhập các Bộ: Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thủy sản…

"Việt Nam có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực", ông nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 25/11. (Ảnh: VGP)

Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 25/11. (Ảnh: VGP)

Cùng phân tích vấn đề tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, TS Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá, trong cơ cấu Chính phủ hiện nay nhiều bộ, ngành mang mô hình đơn ngành.

"Chúng ta có Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, lại có cả Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của nhiều lĩnh vực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại trùng lặp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ví dụ khác là Bộ Tài chính hay Giao thông vận tải cũng hoạt động theo mô hình đơn ngành. Mô hình này rất hiếm trên thế giới", ông Đáng nói.

Theo ông Đáng, xu hướng quản trị hiện đại là làm sao để tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước theo hướng đa ngành.

Những cặp ngành Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư hay Xây dựng - Giao thông vận tải... gắn bó mật thiết với nhau thì có thể sắp xếp lại thành đa ngành. Hay có những chức năng, lĩnh vực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay đang phụ trách thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Y tế có thể làm được.

TS Nguyễn Văn Đáng bày tỏ tin tưởng, thời điểm này hội tụ đủ điều kiện về năng lực, trình độ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng và sức ép nhu cầu phát triển của đất nước để quyết liệt tinh gọn bộ máy theo hướng giảm đầu mối bộ, ngành.

"Hiện nay, Chính phủ có 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ thì có thể giảm xuống còn mười mấy thôi. Chi tiết hơn thì phải là các nhà quản lý, chuyên gia cùng lãnh đạo cấp cao cân nhắc thấu đáo để từ đó có sự quyết liệt trong tinh gọn bộ máy", TS Nguyễn Văn Đáng kiến nghị.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-mang-tinh-gon-to-chuc-bo-may-co-hoi-tim-nguoi-tai-cho-giai-doan-moi-ar909615.html