Đóng góp quan trọng của thanh tra giáo dục
Thanh tra giáo dục được hình thành từ sớm (8/9/1945) và có những đóng góp quan trọng vào công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng cán bộ, công chức Thanh tra Bộ GD&ĐT nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam.
Một chặng đường nhiều dấu ấn
Giáo dục luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngay từ những ngày đầu khi thành lập nước, Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hòa Việt Nam đã ban hành Sắc lệnh số 16 ngày 8/9/1945, đặt ra ngạch Thanh tra học vụ để kiểm soát việc học theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Sắc lệnh này là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Thanh tra học vụ, một trong những tiền thân của hệ thống thanh tra giáo dục hiện nay.
Với chặng đường lịch sử 80 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra giáo dục luôn đồng hành và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Đối với giai đoạn hiện nay, ngày 15/11/2010, Luật số 56/2010/QH12 (Luật Thanh tra 2010) ra đời, thay thế Luật Thanh tra năm 2004. Cùng với đó, Luật Giáo dục năm 2005 (Luật số 38/2005/QH11) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 44/2009/QH12 và sau đó được thay thế bởi Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 (Luật giáo dục 2019)...
Để cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra, ngày 9/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục thay thế Nghị định số 85/2006/NĐ-CP.
Nghị định 42/2013/NĐ-CP quy định tổ chức thanh tra giáo dục gồm: Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở; thực hiện thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.
Triển khai Nghị định 42/2013/NĐ-CP, hoạt động thanh tra từ Bộ GD&ĐT đến Sở GD&ĐT, các trường được đổi mới mạnh mẽ. Lực lượng cán bộ thanh tra được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp. Đối tượng thanh tra không chỉ trong các trường mà cả các đối tượng khác tham gia hoạt động giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hậu Giang.
Việc thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng theo Nghị quyết 50/NQ-CP, thanh tra hoạt động liên kết đào tạo, thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo với nước ngoài, thanh tra các vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong xã hội được triển khai tích cực.
Hoạt động thanh tra đã chuyển mạnh từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý. Công tác giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo tập trung vào giải quyết dứt điểm các vụ việc nóng, phức tạp.
Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, thanh tra giáo dục từng bước đổi mới theo hướng tăng cường thanh tra quản lý, chuyên nghiệp hóa theo Luật thanh tra, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Có thể nói, cùng với quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục, thanh tra giáo dục được hình thành sớm và có sự điều chỉnh phù hợp trong các giai đoạn khác nhau, có những đóng góp quan trọng vào công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục.
Riêng Thanh tra Bộ GD&ĐT, những năm qua, với số lượng công chức hạn chế, trong khi đối tượng thanh tra thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ rất lớn (khoảng gần 53 ngàn đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có gần 400 cơ sở giáo dục đại học, 63 Sở GD&ĐT các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các bộ, ngành, chính quyền địa phương…), Thanh tra đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những tham mưu, điều chỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cụ thể:
Phân cấp hoạt động thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống thanh tra giáo dục, bảo đảm phát huy tối đa điều kiện và năng lực của cơ quan thanh tra giáo dục các cấp theo đúng quy định của Luật Thanh tra, các văn bản hướng dẫn.
Tổ chức hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung và trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu, những điểm nóng, nhạy cảm, phức tạp, giải quyết dứt điểm ngày khi vụ việc vừa phát sinh.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêp, đúng quy định pháp luật đối với những vi phạm, sai phạm theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao.
Với tính đặc thù trong hoạt động thanh tra của ngành Giáo dục, một số hoạt động thanh tra diễn ra song hành cùng với hoạt động của đối tượng thanh tra, Thanh tra Bộ đã có những chỉ đạo tổ chức thực hiện theo hướng thanh tra, kiểm tra đồng hành với sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà, từng bước hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về giáo dục, tạo điều kiện phát huy nhân tố tích cực nhưng cũng bảo đảm xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong cả giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên.
Với nỗ lực này, trong 5 năm gần đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có 3 năm liền được Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ công nhận là Tập thể lao động xuất sắc - đơn vị dẫn đầu khối thi đua của ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Thanh tra; nhiều tập thể cấp Phòng, cá nhân của Thanh tra Bộ được nhận Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng và cán bộ, công chức Thanh tra Bộ GD&ĐT.
Về với “ngôi nhà lớn”
Ngày 13/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 755/QĐ-TTg về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Theo Quyết định này, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Thanh tra Chính phủ trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 Thanh tra Bộ và 5 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ; hợp nhất Trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra. Công việc sẽ hoàn thành trước ngày 30/5/2025.
Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 7/5, Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về việc tiếp nhận, bàn giao Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đồng chủ trì buổi làm việc.
Hai bên thống nhất danh sách công chức Thanh tra Bộ GD&ĐT bàn giao Thanh tra Chính phủ tiếp nhận với 18 người; trong đó bao gồm 1 Chánh Thanh tra, 1 Phó chánh Thanh tra, 3 Trưởng phòng , 2 Phó trưởng phòng và 11 công chức.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc giữa Thanh tra Chính phủ và Bộ GD&ĐT về việc tiếp nhận, bàn giao Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã ghi nhận những đóng góp lớn cho ngành GD-ĐT của Thanh tra Bộ GD&ĐT trong suốt thời gian qua; đồng thời khẳng định đội ngũ cán bộ thanh tra có chất lượng cao, năng lực chuyên môn tốt trong hoạt động công vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.
Cho rằng, Thanh tra Bộ GD&ĐT về Thanh tra Chính phủ cũng như về với ngôi nhà lớn, Thứ trưởng mong Thanh tra Chính phủ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng công chức Thanh tra Bộ và cán bộ, công chức tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường khẳng định, khi sang đơn vị mới sẽ tiếp tục học hỏi, nhanh chóng tiếp cận ngay với công việc, phát huy truyền thống thanh tra giáo dục, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giữ vững kỷ cương trong hệ thống giáo dục nước nhà.
Thanh tra Bộ GD&ĐT sáp nhập vào Thanh tra Chính phủ là bước ngoặt lớn, mở ra kỳ vọng về một mô hình thanh tra mới, phát huy tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-gop-quan-trong-cua-thanh-tra-giao-duc-post732737.html