Đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, đến nay, huyện Thạch Thất, Hà Nội, đã có 142 sản phẩm OCOP được UBND TP Hà Nội đánh giá, xếp hạng. Trong đó, có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Chương trình OCOP của huyện Thạch Thất:
Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thất, trên địa bàn huyện hiện có 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Huyện cũng có đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đây là lợi thế khi thực hiện chương trình OCOP.
Xác định chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, cùng với việc phát triển các loại nông sản chủ lực, huyện Thạch Thất còn chú trọng phát triển các làng nghề. Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc.
Nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thay đổi mẫu mã..., đáp ứng nhu cầu thị trường; Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Kết quả thực hiện Chương trình OCOP đã đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước thực hiện năm 2023 đạt 35.913.480 triệu đồng, tăng trưởng đạt 12,5%/năm và ước thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 100 triệu đồng/người và mục tiêu đến năm 2025 là 120 triệu đồng/người.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, đến nay, huyện Thạch Thất đã có 142 sản phẩm OCOP được UBND TP Hà Nội đánh giá, xếp hạng. Trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, như: Sản phẩm gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức (xã Canh Nậu). Rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải). Rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình)…
“Việc các sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể” – ông Nguyễn Mạnh Hồng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, để tiếp tục nâng cấp các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới, thời gian tới, huyện Thạch Thất sẽ tăng cường những giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách. Hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng. Khuyến khích các hộ dân chuyển đổi canh tác sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả theo vùng đã quy hoạch.
“Trên cơ sở đó, huyện Thạch Thất sẽ từng bước định hướng sản xuất, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho các sản phẩm OCOP” – Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho hay.
Sau khoảng bốn năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Thạch Thất hiện có 142 sản phẩm OCOP, trong đó, có 114 sản phẩm đạt 4 sao; 28 sản phẩm đạt 3 sao, mở ra cơ hội sản xuất và kinh doanh cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, hiện nay, Thạch Thất là một trong những huyện có số sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhất TP Hà Nội.