Đông Hà nỗ lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của TP. Đông Hà ước đạt 100% kế hoạch đề ra. Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ và quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo động lực để đô thị trung tâm tỉnh lỵ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một công trình hạ tầng giao thông ở Phường 3, TP. Đông Hà đang được gấp rút hoàn thành -Ảnh: V.H

Một công trình hạ tầng giao thông ở Phường 3, TP. Đông Hà đang được gấp rút hoàn thành -Ảnh: V.H

Thông tin từ UBND TP. Đông Hà cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 của địa phương là trên 394.164 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu 30.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh trên 56.774 triệu đồng, còn lại là vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn do thành phố quản lý.

Tuy nhiên, trước tình hình hụt thu ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất do thị trường bất động sản trầm lắng, thành phố đã điều chỉnh giảm 102.045 triệu đồng vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Đông Hà sau điều chỉnh là 292.119 triệu đồng. Hiện nay, UBND thành phố đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án để phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công vào cuối tháng 12/2023. Trong bức tranh tổng thể về giải ngân vốn đầu tư công của Đông Hà, điểm sáng là giải ngân nguồn vốn của trung ương đã hoàn thành 100% trước thời điểm 30/9/2023; nguồn vốn ngân sách tỉnh (trừ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất) không có công trình, dự án đến ngày 15/11/2023 giải ngân dưới 75% kế hoạch...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Phạm Văn Dũng, để đạt được kết quả này, ngay sau khi HĐND thành phố thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND thành phố đã kịp thời phân bổ và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; yêu cầu các chủ đầu tư, quản lý dự án nâng cao trách nhiệm quản lý, nắm bắt, đốc thúc tiến độ thi công; kịp thời xử lý, tham mưu UBND thành phố giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công các công trình.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dự án đầu tư, khắc phục kịp thời những yếu kém, hạn chế trong quản lý đầu tư. Chủ động, linh hoạt trong việc bổ sung, điều chỉnh nguồn vốn để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu từng công trình, dự án. Đối với các dự án khởi công mới phải hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án và căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, phải có mặt bằng thi công mới được đấu thầu, tổ chức thi công.

Phối hợp chặt chẽ với trung tâm phát triển quỹ đất, UBND các phường và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, nhất là các công trình được bố trí vốn từ tỉnh và trung ương. “Cùng với đó, thực hiện giải ngân kịp thời cho các nhà thầu, đồng thời kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng và chậm trễ thi công; chủ động giải ngân nguồn vốn đảm bảo theo các mốc thời gian quy định.

Lãnh đạo thành phố thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế, khảo sát, kiểm tra các công trình, dự án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Phạm Văn Dũng cho biết thêm.

Năm 2024, ngoài nguồn của trung ương, tỉnh phân bổ, Đông Hà dự kiến vốn đầu tư công trên địa bàn do thành phố quản lý là 305.154 triệu đồng, trong đó nguồn từ thu sử dụng đất 300.000 triệu đồng, còn lại là vốn xây dựng cơ bản tập trung. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra, thành phố xác định nhiều giải pháp.

Trọng tâm là làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư thông qua đẩy mạnh công tác đầu tư tạo quỹ đất, lập kế hoạch, tổ chức đấu giá các đợt đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo tiến độ, hiệu quả; tăng cường huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, xã hội hóa, nguồn vốn ODA. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ.

Các chủ đầu tư chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp phù hợp, không để các nhà thầu thi công chậm tiến độ tham gia đấu thầu các gói thầu mới. Thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công; thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát đầu tư theo Nghị định 29/2021/NĐ - CP ngày 26/3/2021 để phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý dứt điểm.

Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế số 721 ngày 17/4/2015 giữa UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về việc phối hợp thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, góp phần phát hiện, ngăn ngừa sai phạm khi thực hiện các công trình, dự án nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước. Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư triển khai thi công, không để dự án chờ mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh như đường tránh phía Đông thành phố; đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, đường kết nối cầu dây văng sông Hiếu...

Từ kết quả năm 2023, với những mục tiêu và giải pháp đề ra, tin tưởng rằng năm 2024 TP. Đông Hà sẽ “về đích” kế hoạch vốn đầu tư công, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Vũ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/dong-ha-no-luc-hoan-thanh-ke-hoach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2023/182310.htm