ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH PHỦ TRONG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về sự cần thiết ban hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 20/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về Tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về sự cần thiết ban hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bên cạnh đó, một số ý kiến không nhất trí với việc tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2024 vì cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT chỉ là một biện pháp tình thế của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhằm ứng phó với các khó khăn tại thời điểm nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch bệnh; đến nay, đại dịch đã đi qua, kinh tế năm 2022 đã đạt những kết quả hết sức tích cực với mức tăng trưởng 8,02%.

Một số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, trong khi kết quả kích cầu là không rõ nhưng việc giảm thu tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế; cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu NSNN đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây, thể hiện qua tỷ lệ huy động vào NSNN (trong đó, đặc biệt là tỷ lệ huy động từ thuế và phí) trên GDP đang trên đà suy giảm, năm 2023 và dự kiến cho 2024 đã thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dự kiến cho năm 2024 đã tiệm cận mức 25% thu NSNN.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo Thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo Thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Về thẩm quyền ban hành chính sách, Chủ nhiêm Lê Quang Mạnh cho biết, theo quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành chính sách giảm thuế GTGT là đúng thẩm quyền theo quy định.

Về hồ sơ và hình thức ban hành chính sách, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, hồ sơ dự án Nghị quyết về cơ bản đã bảo đảm đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về căn cứ pháp lý để ban hành chính sách: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT đã được ban hành tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Do đó, có thể căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, ban hành chính sách.

Về hình thức ban hành chính sách: Chính phủ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết độc lập về giảm thuế GTGT. Đa số ý kiến trong Ủy ban văn bản quy phạm pháp luật đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách giảm thuế GTGT và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội.

Về nội dung của chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, tương tự nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Có ý kiến cho rằng, đánh giá tác động giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác, chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Về thời gian áp dụng chính sách, Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian áp dụng giảm thuế GTGT từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT như dự thảo để phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hiện nay, như ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo đánh giá tác động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng như đề xuất của Chính phủ khó có thể đạt được mục tiêu đề ra, chưa bảo đảm tính chủ động và ổn định trong chỉ đạo, điều hành, thực thi chính sách. Do đó, đề nghị thực hiện chính sách trong cả năm 2024.

Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Về hiệu lực thi hành, Dự thảo Nghị quyết quy định: “Sau ngày 30/6/2024, giữa 02 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giao UBTVQH xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế GTGT nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Chính phủ đã giải trình sự cần thiết của quy định này là để “đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa”. Ủy ban Tài chính, Ngân sách không nhất trí với việc giao UBTVQH xem xét, ban hành chính sách vì theo quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Do đó, việc xem xét, quyết định ban hành chính sách giảm thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trên cơ sở nội dung Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết, mặc dù còn những ý kiến băn khoăn nhất định về sự cần thiết của việc tiếp tục ban hành và thực hiện chính sách, về hiệu quả của chính sách, song với quan điểm đồng hành cùng Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách giảm thuế GTGT và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội, tương tự như đã quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82315