Đồng hành cùng ngành thủy sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu
Xuất khẩu thủy sản đang có tín hiệu tăng trưởng khả quan, nhưng so với trước đây và sắp tới dự báo có những diễn diễn biến khó lường và còn nhiều khó khăn.
Thách thức xuất khẩu của thủy sản
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. 10 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,45 tỷ USD, riêng tháng 10/2023 đạt 850 triệu USD. Tuy nhiên, dù thị trường có dấu hiệu khả quan, nhưng so với trước đây và sắp tới có nhiều diễn biến khó lường và còn nhiều khó khăn, thách thức đối với xuất khẩu thủy sản.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 10/2023, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: sau ba quý giảm mạnh, 2-3 tháng trở lại đây xuất khẩu thủy sản đã dần hồi phục. Trong 100 mặt hàng xuất khẩu đi các thị trường thì nhóm mặt hàng gia công xuất khẩu như cá tuyết, cá bòng, cá thu, cá chim, cá chuối, cá trê... đã tăng trưởng tích cực. Tuy vậy, ngành thủy sản từ đầu năm tới nay gặp nhiều thách thức. Trong đó, tôm nước ấm, cá tra, cá ngừ là 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD giảm mạnh.
Từ nay đến cuối năm, theo ông Nguyễn Hoài Nam, với ngành thủy sản thách thức song hành cùng cơ hội. Về cơ hội, ngoài thị trường có dấu hiệu khởi sắc, khu vực Trung Đông có mức tăng trưởng âm đã giảm đáng kể và nhỏ hơn rất nhiều so với các thị trường khác. Về thách thức, câu chuyện thẻ vàng IUU chưa ổn, EU đề nghị Việt Nam xiết chặt vấn đề an toàn thực phẩm theo nguyên tắc thành phần chuỗi. “Nghĩa là mọi cấu phần trong chuỗi sản xuất đều phải được đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu và được cấp chứng nhận”, ông Nam cho hay.
Ngoài ra, liên quan đến việc nuôi tôm, đại diện VASEP cũng chia sẻ, cách đây 2 năm ngành tôm gặp vi khuẩn TBD (hậu ấu trùng trong suốt) hiện chưa có phác đồ điều trị, cộng hưởng với những bệnh cũ khác chưa có biện pháp điều trị dứt điểm khiến tỷ lệ sống của tôm giảm, giá thành sản phẩm cao lên.
Trước những khó khăn của ngành, đại diện VASEP đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp ngành thủy sản tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn, nhất là tại khu vực Trung Đông. Tham tán thương mại Việt Nam tại khu vực Trung Đông cung cấp thông tin thị trường kết nối với nhà nhập khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ ngành đối phó với các cuộc kiện phòng vệ thương mại.
Từ phía địa phương, bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2023 Khánh Hòa có khả năng không đạt mục tiêu xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân là khó khăn từ xuất khẩu thủy sản, dệt may, gỗ… Riêng với ngành thủy sản, việc khắc phục thẻ vàng IUU thông qua việc quản lý chặt chẽ hơn tàu đánh bắt xa bờ; giá nhiên liệu cao, tàu đi khai thác xa bờ không có lãi nên nằm bờ là những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản của địa phương gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi mong muốn tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu, kết nối các nhà nhập khẩu. Đồng thời, các cơ quan chức năng quy hoạch vùng nuôi trồng, nhất là khu vực nuôi thủy hải sản phải được cấp mã số nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc đầu vào. Ngành nông nghiệp phối hợp với ngành Công Thương sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế tình trạng bị trả lại hàng hóa và rủi ro xuất khẩu”, lãnh đạo Sở Công Thương Khánh Hòa đề xuất.
Chung các khó khăn, ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết thêm, hiện Cà Mau không chỉ gặp khó trong xuất khẩu tôm mà xuất khẩu cua của địa phương cũng gặp trở ngại lớn. Nguyên do, cua Cà Mau chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc trong khi đó thị trường này đang xiết các quy định với hàng nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất sản phẩm chế biến sâu
Hoa Kỳ là một trong các thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, quý 3/2023, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ sụt giảm giảm 34%, tuy nhiên, so với 2 quý đầu năm vẫn tăng trưởng tích cực. Mặt khác, mức sụt giảm vẫn thấp hơn so vớ sản phẩm các quốc gia khác trên thị trường Hoa Kỳ.
Về triển vọng thị trường, theo ông Đỗ Ngọc Hưng hiện lượng tồn kho của Hoa Kỳ đang giảm, nhu cầu tiêu thụ lớn cho các dịp lễ tết cuối năm sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, thách thức đối với xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ là việc thị trường này thường áp dụng hàng rào kỹ thuật khắt khe, quy định về kiểm dịch, môi trường nuôi trồng, nhãn xuất xứ hàng hóa nghiêm ngặt, cùng các chính sách bảo hộ. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn còn các hạn chế về xây dựng thương hiệu, dịch vụ logistics.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, hạn chế cạnh tranh về giá, kiểm soát chặt chẽ chất lượng lô hàng xuất khẩu sang thị trường; thường xuyên tham gia các hội chợ thủy sản; hướng đến sản xuất sản phẩm chế biến sâu; quan tâm, cập nhật các xu hướng, cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương thương mại cũng như lưu ý về chất lượng đóng gói, bao bì...
Thông tin về thị trường Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết: EU đang quảng bá thủy sản của EU để người dân lựa chọn tiêu thụ với tiêu chí chất lượng, bền vững và thân thiện môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng đến thủy sản nhập khẩu, trong đó có thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. "3 tháng còn lại của năm 2023, dự báo thị trường EU tiếp tục tăng trưởng nhập khẩu thủy sản nhưng không đột biến và quay lại mức cùng kỳ năm 2022. Có nghĩa, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Eu năm 2023 sẽ bằng hoặc giảm nhẹ so với năm 2022”, ông Trần Ngọc Quân nói.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng thông tin thêm, tháng 10/2023, đoàn kiểm tra của EU vào Việt Nam làm việc đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp giải trừ thẻ vàng IUU nhưng vẫn có vấn đề phát sinh. EU cũng đã nghiên cứu chương trình phát triển thủy hải sản của Việt Nam và đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm giám sát việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Điều đáng quan ngại, tỷ lệ thủy sản Việt Nam vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm còn lớn.
“EU đã đưa ra cảnh báo nếu tình trạng này không được cải thiện trong thời gian tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sẽ đứng trước nhiều mối nguy, thậm chí bị hạn chế xuất khẩu. Đây là điều các cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần đặc biệt lưu ý”, ông Quân đặc biệt nhấn mạnh.
Với thị trường Liên bang Nga, ông Dương Hoàng Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga thông tin, hiện thủy sản vẫn là một trong những ngành hàng có giao thương ổn định giữa hai nước. Tuy năm 2023, kim ngạch thương mại toàn ngành của Việt Nam sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố, nhưng Nga vẫn duy trì nhập khẩu số lượng tương đối lớn đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 7,1% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nga. Tỷ lệ này cùng kỳ năm 2022 và 2021 là 9,4% và 5,3%. Nguyên nhân chính làm xuất khẩu thủy sản sáng Nga giảm do kim ngạch xuất khẩu hàng tôm giảm do phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ (cá ngừ, cá tra ổn định - tăng, cá khô giảm nhẹ). Ngoài ra, việc đồng rúp mất giá cùng sản lượng thủy sản của Liên bang Nga tăng cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Với tình hình kinh tế đang hồi phục và phát triển, tiêu thụ thủy sản nhiệt đới của Liên bang Nga sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Vì vậy, ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm thực phẩm tại Nga.
Ông Dương Hoàng Minh cho biết, Thương vụ Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và Rosselkhoznadzor trong tạo thuận lợi cho việc xuất thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga. “Đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Liên bang Nga về chất lượng hàng xuất khẩu; tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin cập nhật liên quan đến các quy định kiểm dịch, an toàn vệ sinh đối với mặt hàng này, nhằm đảm bảo hàng xuất khẩu đạt chất lượng theo quy định”, ông Minh nói.
Thông tin về thị trường Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết: Ai Cập hiện có nhu cầu nhập khẩu cá lớn từ các nước. Trong đó, cá đông lạnh chiếm gần 60% thị phần nhập khẩu của Ai Cập và chủ yếu từ các nước trong khu vực và EU. Đây là mặt hàng dễ dàng cạnh tranh bởi thuế VAT, thuế nhập khẩu vào Ai Cập là 0%.
Ngoài ra, động vật giáp xác nhập khẩu trong đó chủ yêu là tôm đông lạnh hiện UAE chiếm 90% thị phần, Việt Nam gần như không xuất khẩu được mặt hàng này sang Ai Cập. Nguyên do, ngoài vấn đề vận chuyển xa, Việt Nam còn bị áp thuế nhập khẩu 20%, đây là thách thức khó vượt. Bên cạnh đó, Ai Cập chủ yếu nhập khẩu phi lê cá tra, cá ba sa và phi lê cá hồi đông lạnh. Riêng với mặt hàng phi lê cá tra, cá ba sa Việt Nam chiếm 90% thị phần. Cá đã qua chế biến, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 tại Ai Cập và chiếm 7,9% thị phần nhưng so với Thái Lan kém hơn rất nhiều, chưa bằng 1/10 thị phần của Thái Lan.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, để tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, doanh nghiệp trong nước cần giữ vững và tăng thị phần ở mặt hàng thế mạnh, nên tập trung thêm vào sản phẩm cá chế biến đông lạnh. Mặt khác, doanh nghiệp cần tìm hiểu nhiều hơn thị trường. Tăng cường hơn sự hiện diện tại hội chợ diễn ra ở Ai Cập và khu vực châu Phi nhằm giới thiệu sản phẩm. “Ai Cập đang thiếu hụt ngoại tệ, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề chậm thanh toán dẫn đến tranh chấp”, ông Nguyễn Duy Hưng khuyến cáo.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, bức tranh của ngành thủy sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024. Vì vậy, những thông tin được đưa ra trong Hội nghị ngày hôm nay cần được các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội tham khảo, tận dụng tốt nhất cho hoạt động của chính mình.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động, nắm bắt, phân tích chính sách, nhu cầu thị trường để cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đồng thời tham mưu cho Bộ Công Thương để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Các đơn vị của Bộ Công Thương trong nước như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại… cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ kịp thời tham mưu cho Bộ Công Thương xây dựng chính sách ứng phó với biến động thị trường; điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu gắn với định hướng phát triển của doanh nghiệp, địa phương. Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tăng cường phối hợp nhằm đẩy mạnh hoạt động đa dạng hóa thị trường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị chủ động hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại của đơn vị đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động cung cấp thông tin của chính doanh nghiệp để các Bộ ngành xây dựng, định hướng chính sách phù hợp.
“Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục tuân thủ quy định của Nhà nước, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp làm tốt, địa phương làm tốt các hoạt động liên quan sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành nói riêng, phát triển nền kinh tế nói chung”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.