Đồng hành nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Dù còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nhiều phụ nữ dân tộc vẫn tự tin, dám vượt qua chính mình, tham gia làm kinh tế, khẳng định bản thân và thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
Từ hơn 2 năm nay, chăm sóc cây gai xanh đã trở thành việc làm quen thuộc của những người phụ nữ thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Sắc áo truyền thống của người Xa Phó, người Tày, người Dao, người Thái, người H'mong… nổi bật giữa những lùm cây sắp đến kỳ thu hoạch. Lẫn trong tiếng gió là những câu chuyện chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, là những tiếng cười nói rộn ràng. Sự ngại ngùng, e dè khi gặp người lạ như thường thấy của những phụ nữ dân tộc thiểu số nhường chỗ cho sự tự tin và tự hào, khi họ giới thiệu về công việc của mình.
Trước đây, cả vùng chỉ trồng ngô, trồng sắn, trồng lúa, mỗi năm thu vài ba triệu, cuộc sống không đảm bảo. Cái nghèo mãi đeo đẳng các gia đình nơi vùng cao của tỉnh Lào Cai này.
Từ năm 2017, 2018, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây gai xanh – loại cây có thể khai thác để làm nguyên liệu dệt may, Hội LHPN huyện Văn Bàn triển khai dự án Phụ nữ làm chủ chuỗi giá trị cây gai xanh, vận động bà con tham gia để thay đổi cơ cấu cây trồng nông thôn, cuộc sống đã dần thay đổi.
Chị Lương Thị Điến, dân tộc Xa Phó, tổ trưởng tổ liên kết trồng cây gai xanh (thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn) nhớ lại: Được vận động tham gia dự án trồng cây xanh, năm đầu tiên, chỉ có 6 hộ tham gia. Chị em lo lắng lắm, sợ không làm được vì đây là loại cây trồng mới. Hơn nữa, nếu trồng cây lương thực như cây ngô, cây lúa hay khoai tây... như trước đây, không bán được thì còn có thể ăn, còn cây gai xanh, không có người mua, chỉ có nước đổ bỏ.
Thấu hiểu những băn khoăn đó của bà con, Hội LHPN huyện Văn Bàn đã tổ chức các buổi vận động; phân tích giá trị, trồng, chăm sóc; tập huấn kiến thức kỹ năng cho bà con. Năm đầu tiên là minh chứng minh rõ rệt nhất cho thấy hiệu quả kinh tế do cây gai xanh mang lại, từ 120 - 160 triệu đồng/năm, sau khi từ các loại chi phí, có thể thu về 40 - 60 triệu đồng/ha. Thu nhập từ cây gai xanh tăng cao hơn từ 4 đến 5 lần so với trồng ngô, trồng sắn. Từ 3ha trồng cây gai xanh, đến nay, sau 3 năm, dự án đã mở rộng ra được 50ha với 171 hộ tham gia - chị Nguyễn Thị Quyên, Hội LHPN huyện Văn Bàn, cán bộ phụ trách dự án, chia sẻ.
Đồng hành cùng hội phụ nữ làm "bà đỡ"
Phụ nữ dân tộc thiểu số phải đối mặt với nhiều thách thức khác như không thông thạo tiếng Kinh làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin và thị trường. Ngoài ra, xã hội vẫn còn tồn tại những chuẩn mực văn hóa không phải lúc nào cũng ủng hộ nguyện vọng kinh doanh của phụ nữ.
Đồng hành cùng các cấp hội phụ nữ địa phương làm "bà đỡ" cho các mô hình khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số là Dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La" (GREAT). Đây là một dự án được chính phủ Australia tài trợ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, tập trung vào các tỉnh có nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống là Sơn La và Lào Cai.Chị Vi Thị Loan, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Bàn thông tin.
Huyện Văn Bàn là một trong 5 huyện/thị xã mục tiêu của dự án GREAT tại tỉnh Lào Cai. Đồng hành cùng Hội LHPN huyện, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tại Lào Cai mở rộng và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng ngành. Điều quan trọng là phải thiết kế và triển khai được một chương trình tăng tốc phù hợp với bối cảnh địa phương và giúp kết nối doanh nhân nữ với các doanh nghiệp hàng đầu và các dịch vụ hỗ trợ địa phương. Bà Vũ Thị Quỳnh Anh - Phó Cố vấn trưởng Dự án GREAT cho biết mục tiêu của dự án.
Với sự đồng hành, hỗ trợ từ dự án, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tạo sinh kế, hỗ trợ máy móc trang thiết bị sản xuất, tập huấn các kỹ năng, marketing, quảng bá sản phẩm, được kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường bền vững, có thu nhập ổn định.
Cùng với Dự án Phụ nữ làm chủ chuỗi giá trị cây gai xanh, hiện tại, huyện Văn Bàn đang có nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ dân tộc làm chủ, xây dựng thương hiệu từ sản phẩm đặc trưng của địa phương như măng, bánh chưng, tương ớt, trồng nấm…
Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường tiếng nói cho phụ nữ dân tộc
Không chỉ hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, phát triển kinh tế, cán bộ dự án và cán bộ phụ nữ còn thường xuyên lồng nghép các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động tập huấn, tuyên truyền.
Chị Hoàng Thị Năm, dân tộc Tày, thôn Nà Lộc, xã Khánh Yên Hạ chia sẻ thêm: Từ khi tham gia dự án, nhiều chị em đã xây được nhà, sửa nhà, mua sắm đồ dùng, thiết bị trong gia đình, có tiền lo cho con cái ăn học. Tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình cũng được coi trọng hơn. Nếu như trước đây, người phụ nữ dân tộc không được quyền phát biểu, nói lên ý kiến của mình, không được phản đối lại ý kiến của chồng, thì nay đã khác. Có chuyện gì, vợ chồng cùng bàn bạc, giải quyết. Đàn ông trong gia đình cũng tham gia chia sẻ việc nhà và giúp đỡ vợ con trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chị em đã trở thành giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng tổ liên kết, lãnh đạo doanh nghiệp…
Dù còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các hoạt động hỗ trợ này là điểm tựa để phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, vượt qua chính mình, tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.