Đồng hành vì Hà Giang phát triển

Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp, doanh nhân Hà Giang đã và đang phát huy tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Năng động - Sáng tạo - Hội nhập và Phát triển”, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển mảnh đất địa đầu cực Bắc.

Xác định doanh nghiệp là động lực giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, coi “sức khỏe” của doanh nghiệp chính là “sức khỏe” của nền kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận, quan tâm xây dựng và phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 13.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công thương Việt Nam. Người khẳng định: “Giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước”. Phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, ngày 20.9.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 13.10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao Bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao Bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu.

Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, xảy ra nhiều đợt thiên tai, hạn hán; giá cả nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất tăng mạnh; thị trường tiêu thụ khó khăn, sản lượng hàng tồn kho lớn... nhưng cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh khắc phục khó khăn, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp tiếp tục phát triển cả về số lượng và hiệu quả sản xuất. Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới 232 doanh nghiệp, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh có 3.784 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký trên 36.500 tỷ đồng, trong đó trên 70% doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phạm Công Nhân chia sẻ: Hàng năm, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh tạo ra trên 60% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, đóng góp trên 70% thu nội địa, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Trong đó, xuất hiện nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế, ưu tiên phát triển, như: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp H’Mong Village (Quản Bạ); sản phẩm chè Shan tuyết cao cấp của Công ty trà Thành Sơn với 3 sản phẩm chè đạt giải cao nhất tại cuộc thi chè quốc tế tổ chức năm 2019 tại Pháp và nhiều sản phẩm chè Shan tuyết giá trị cao; các sản phẩm OCOP của Công ty Gia Long (Xín Mần) được thị trường trên cả nước đón nhận; các hợp tác xã, khởi nghiệp viên triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nhân dân.

Nhà thầu thi công mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn thôn Tự Lập, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang).

Nhà thầu thi công mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn thôn Tự Lập, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang).

Đặc biệt, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước; hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, doanh nhân trong sản xuất, kinh doanh; nỗ lực, cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp triển khai thực chất, hiệu quả bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành năm 2022, qua đó góp phần nâng cao tiếng nói của doanh nghiệp, cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Với tinh thần tương thân tương ái, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia hưởng ứng các chương trình của tỉnh về giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… Quyên góp, ủng hộ Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở 30 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ khuyến học – khuyến tài tỉnh 13 tỷ đồng; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ trên 20 tỷ đồng...

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với tình cảm gắn bó với quê hương Hà Giang, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, các doanh nhân, các nhà đầu tư đã không ngừng nỗ lực vươn lên, năng động, sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, ngày càng khẳng định rõ vai trò động lực phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.

Nhà thầu thi công huy động máy móc san gạt mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn nút giao với Quốc lộ 279 thuộc xã Quang Minh (Bắc Quang).

Nhà thầu thi công huy động máy móc san gạt mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn nút giao với Quốc lộ 279 thuộc xã Quang Minh (Bắc Quang).

Để thực hiện hiệu quả 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm và hoàn thành thắng lợi 17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Hà Giang tiếp tục đoàn kết, quyết tâm tháo gỡ nút thắt về kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang (giai đoạn 1) kết nối Hà Giang với mạng lưới cao tốc quốc gia; hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ; nâng cấp các tuyến đường tỉnh; đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông biên giới; đảm bảo 100% các thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn Nông thôn mới; xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT – XH. Triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dự án đầu tư theo quy hoạch.

Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index; triển khai hiệu quả bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp. Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế; phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm tỉnh Hà Giang; thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, xuất nhập khẩu; phát triển ngành xây dựng, công nghiệp gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Với tinh thần doanh nhân Việt Nam “Tâm - Tài - Cống hiến - Phụng sự Tổ quốc - Đồng hành cùng dân tộc”; bằng bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đang chủ động nghiên cứu chủ trương, định hướng, quy hoạch phát triển của tỉnh; mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Từ đó, giúp Hà Giang bứt phá đi lên, hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển về về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh có KT – XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030.

“Tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt; kiến tạo môi trường thực sự thuận lợi cho sản xuất, đầu tư, kinh doanh; mở ra cơ hội công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế chung tay xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng phát triển” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định.

Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202310/dong-hanh-vi-ha-giang-phat-trien-6d52805/