Đồng hành vì môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn
Lời tòa soạn: Tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 29, năm 2024, đại diện các cơ quan báo Đảng khu vực phía Bắc và một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang trình bày tham luận về những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo Bắc Giang trích đăng một số ý kiến.
Báo Hànôịmới
“Cầu nối” chuyển tải chủ trương, chính sách đến doanh nghiệp
Từ năm 1989 đến nay, TP Hà Nội đã thu hút được 7.495 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 55,73 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để Hà Nội thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị.
Là cơ quan ngôn luận của Thành ủy, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Báo Hànôịmới đã mở các chuyên trang, chuyên mục chủ đề kinh tế, phản ánh đầy đủ những lĩnh vực như: Đầu tư, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bất động sản, thương mại, chuyển đổi số, tài nguyên-môi trường và các vấn đề doanh nghiệp (DN) quan tâm. Các chuyên đề, chuyên trang chính là “cầu nối” chuyển tải chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như của TP đến cộng đồng DN. Báo Hànôịmới theo dõi, cập nhật diễn biến, tiến độ xây dựng các công trình, dự án hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp. Qua đó, nhà đầu tư, DN có thể tự tham khảo, sàng lọc những thông tin cần thiết, xác định những yếu tố thuận lợi hay phù hợp trước khi quyết định đầu tư. Đặc biệt, Báo Hànôịmới luôn kịp thời phát hiện, cổ vũ những bài học, nhân tố mới, cách ứng xử khoa học và văn minh của cơ quan chức năng, cán bộ, viên chức khi giải quyết công việc với DN và người dân.
Bên cạnh đó, Báo nêu ý kiến phản biện, đề xuất từ phía DN, nhất là những vấn đề như đất đai, điện, hạ tầng, thủ tục hành chính, quy định mới, thủ tục về thuế… với cơ quan công quyền. Thông qua các chuyên mục, từng bài báo, Báo thu thập, phản ánh vấn đề, nguyện vọng của cộng đồng DN trên địa bàn với lãnh đạo TP. Báo Hànôịmới tăng cường tổ chức tọa đàm giữa DN, chuyên gia, cơ quan quản lý nhằm mở ra diễn đàn để các bên trao đổi, tương tác. Và điều quan trọng hơn là từ thực tiễn triển khai có thể rút ra bài học, kiến nghị giải pháp thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho TP.
Báo Hải Phòng
Quan tâm tuyên truyền về dịch vụ logistics, cảng biển
TP Hải Phòng là địa phương duy nhất trong khu vực phía Bắc hội tụ đầy đủ 5 phương thức vận tải gồm: Đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa. Hải Phòng vươn lên trở thành trung tâm logistics cảng biển lớn nhất miền Bắc, nằm trong top các địa phương đứng đầu cả nước về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đóng góp vào thành tựu chung này, Báo Hải Phòng đã truyền tải hiệu quả tiềm năng, lợi thế, những chính sách vượt trội của TP trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có quy hoạch, đầu tư phát triển logistics, cảng biển.
Bám sát định hướng phát triển logistics, cảng biển của TP, Ban Biên tập giao các phòng chuyên môn xây dựng chuyên mục, chuyên trang như kinh tế biển, DN, KT-XH… Cùng với đó, các vấn đề đối với công tác quy hoạch, phát triển logistics, cảng biển được phân tích, thể hiện qua các chuyên mục hằng ngày, hằng tuần như: Vấn đề tuần này, góc nhìn và suy ngẫm, chuyện đầu tuần, chuyện quản lý… Ngoài ra, bám sát các vấn đề thời sự phát sinh liên quan đến lĩnh vực, Ban Biên tập chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng đề cương tuyên truyền riêng (theo tuyến vấn đề hoặc loạt bài), từ đó tạo hiệu ứng tích cực đối với độc giả.
Bên cạnh phản ánh những tiềm năng, lợi thế, chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, Báo Hải Phòng ghi nhận, phản ánh kịp thời ý kiến của DN đối với cơ chế, chính sách của TP hoặc những khó khăn, vướng mắc của DN đang gặp phải trong quá trình đầu tư. Báo đăng tải nhiều tin, bài phản ánh một số bất cập đối với sự phát triển của ngành logistics. Từ phản ánh của Báo, chính quyền TP có nhiều cuộc họp bàn, xem xét giải quyết.
Báo Bắc Ninh
Chú trọng mảng đề tài chăm lo đời sống người lao động
Là tỉnh công nghiệp, Bắc Ninh có 12/16 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 300 nghìn lao động làm việc ở 1.200 DN. Các DN trong KCN hằng năm nộp ngân sách hơn 13.000 tỷ đồng. Đáp ứng nhu cầu rất cao của người lao động, việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn trong tỉnh xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, của DN. Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai xây dựng 4 nhà văn hóa, thể thao tại các KCN: Tiên Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn, V.sip, Thuận Thành. Hằng năm, các cấp công đoàn chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền đồng cấp tổ chức hàng trăm hội thao (cầu lông, bóng đá, bóng chuyền…), hội diễn văn nghệ nhân các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện trọng đại của địa phương, của ngành. Các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống công nhân lao động được nhiều DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp quan tâm đầu tư.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, ngoài nhiệm vụ thường kỳ, Báo Bắc Ninh chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền đậm nét các chương trình như: Tháng công nhân; Tết sum vầy; “Mái ấm Công đoàn”… Nhờ đó, nhiều mô hình được lan tỏa sâu rộng đến công nhân lao động. Đồng thời tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; các gương điển hình tiên tiến. Cùng đó, Báo Bắc Ninh kịp thời phản ánh những khó khăn của các đơn vị, DN, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, giúp tổ chức công đoàn nắm bắt kịp thời, từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Báo Vĩnh Phúc
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư
Trên địa bàn Vĩnh Phúc có 15.000 DN hoạt động, trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia như: Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản), Piaggio (Italia)... Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cũng nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều DN tên tuổi trong nước, điển hình như: VinGroup, SunGroup, Công ty Hồng Hạc Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô … Tất cả những nhà đầu tư này đều góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của tỉnh trong nhiều năm qua. Kết quả thu hút đầu tư, phát triển DN của Vĩnh Phúc những năm qua có sự đóng góp tích cực của Báo Vĩnh Phúc.
Để công tác tuyên truyền về phát triển DN, thu hút đầu tư được triển khai đồng bộ, đa dạng và hiệu quả, Báo Vĩnh Phúc bám sát định hướng của tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đưa tin kịp thời về các vấn đề nổi bật, những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KT-XH của tỉnh. Các ấn phẩm của Báo Vĩnh Phúc đã chuyển tải đến các DN, nhà đầu tư hình ảnh của một địa phương năng động, có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, DN của tỉnh; các khâu đột phá về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh... Qua đó không chỉ cung cấp những thông tin thuần túy mà còn mang tính định hướng thị trường; hướng dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những công nghệ tiên tiến, giới thiệu những kinh nghiệm hay của các DN điển hình…, góp phần tạo nên hiệu quả kinh tế lớn cho xã hội nói chung và cộng đồng DN nói riêng.
Nhiều tác phẩm báo chí trên các ấn phẩm của Báo Vĩnh Phúc phản ánh thực tiễn năng động, sáng tạo của tỉnh trong quá trình thực hiện, vận dụng cơ chế, chính sách của T.Ư trong thu hút đầu tư. Các tác phẩm đã tuyên truyền đậm nét về những nỗ lực, sự tận tâm, tận lực của tỉnh trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cho DN, khơi thông các nguồn lực đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thân thiện.
Báo Ninh Bình
Khai thác danh thắng, di sản phát triển du lịch
Tự hào là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội, từ năm 2001, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã thực hiện mô hình kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ dựa trên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, tự nhiên sinh thái. Năm 2023, tỉnh Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng ngành du lịch đạt 13,23 %, đứng thứ hai cả nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng khách đến Ninh Bình ước đạt trên 6,28 triệu lượt, trong đó có hơn 500 nghìn lượt khách quốc tế.
Xác định rõ vai trò to lớn của báo chí, tuyên truyền đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch, Báo Ninh Bình luôn chú trọng tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên, nhất là đội ngũ chuyên trách lĩnh vực du lịch, văn hóa, nông nghiệp được học tập, quán triệt, nghiên cứu chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phóng viên, biên tập viên sâu sát cơ sở để phát hiện đề tài, xu hướng vận động của thực tiễn, thực hiện những tác phẩm báo chí đúng, trúng với chủ trương, đường lối.
Báo Ninh Bình luôn tập trung đầu tư xây dựng các chuyên trang, chuyên mục có chất lượng cao để tuyên truyền, quảng bá lĩnh vực du lịch, di sản, văn hóa. Trong đó có trang báo điện tử phiên bản tiếng Anh thường xuyên đăng tải các tin, bài về di sản, danh thắng của tỉnh. Để nâng tầm các sự kiện lớn của tỉnh và có cái nhìn sâu sắc hơn về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản thế giới Tràng An, Báo Ninh Bình chú trọng đặt bài các nhà quản lý các bộ, ban, ngành T.Ư, các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu. Trong quá trình tuyên truyền, Ban Biên tập yêu cầu phóng viên phải luôn tìm tòi để có cách làm sáng tạo, đổi mới hình thức thể hiện, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm, thu hút bạn đọc trong nước và quốc tế.
Báo Lạng Sơn
Tiếp tục cải thiện thủ tục hải quan, thuế
Tỉnh Lạng Sơn có đường biên giới dài 231,74 km tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); có 12 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ. Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Khu KTCK) với quy mô diện tích khoảng 394 km2. Đến nay, Khu KTCK đã trở thành đầu mối giao lưu quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch với Quảng Tây. Hiện nay, trung bình mỗi năm có hơn 2.500 DN xuất nhập khẩu qua tỉnh Lạng Sơn. Trung bình mỗi ngày có từ 1.100 - 1.300 xe chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh.
Ý thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về cải cách hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan và thuế, Báo Lạng Sơn thường xuyên xây dựng những tuyến bài liên quan đến các hoạt động như: Hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc DN; các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với DN; các giải pháp các cấp chính quyền, các ngành, cơ quan hải quan và cơ quan thuế đang triển khai để hỗ trợ DN.
Cùng đó tập trung tuyên truyền về cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, cung cấp thông tin về dự án đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án; hỗ trợ DN trong hoạt động kê khai hải quan, rút ngắn thời gian thông quan. Báo Lạng Sơn thường xuyên phối hợp với cơ quan hải quan, cơ quan thuế tổ chức chuyên mục trả lời ý kiến của các DN. Trong đó chủ yếu giải đáp các thắc mắc của các DN về những thủ tục hải quan, thủ tục thuế liên quan trực tiếp đến lợi ích của DN. Báo cũng nhận diện những nội dung, vấn đề, thủ tục của những đơn vị gây phiền hà cho DN để phản ánh kịp thời, từ đó giúp các cơ quan quản lý kịp thời chấn chỉnh, tạo niềm tin cho cộng đồng DN.
Báo Sơn La
Phát huy thế mạnh của từng loại hình báo chí
Tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai… cho phát triển vùng cây nguyên liệu, cây ăn quả phục vụ chế biến và xuất khẩu. Điển hình là vùng chè, vùng cà phê Arabica, vùng trồng mía, vùng nguyên liệu sắn và đặc biệt là vùng cây ăn quả rộng lớn. Tỉnh Sơn La đã thu hút nhiều tập đoàn, DN có năng lực, uy tín trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản trong và ngoài nước.
Thực hiện nhiệm vụ, Báo Sơn La tuyên truyền đậm nét các chương trình trọng điểm lớn của tỉnh về xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Chú trọng phát huy thế mạnh của từng loại hình, ấn phẩm báo chí để chỉ đạo thực hiện các tuyến bài phù hợp. Chẳng hạn như báo in tập trung nhiều bài viết phân tích chuyên sâu, đúc rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp. Báo điện tử duy trì các cửa sổ giới thiệu tiềm năng, quảng bá xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất tiêu thụ và xuất khẩu nông sản với nhiều thông tin, thể hiện dưới hình thức báo chí hiện đại. Tập trung tuyên truyền theo chuyên đề, các tuyến bài trọng điểm như: Thông tin về những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; công tác xây dựng quy hoạch tỉnh; các phương án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh; phát triển công nghiệp gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, liên kết vùng nguyên liệu.
Cùng đó, Báo Sơn La tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh ký kết chương trình tuyên truyền; đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số, mạng xã hội. Liên kết với các cơ quan báo chí T.Ư và các báo Đảng địa phương trong việc chia sẻ, đăng tải các tin, bài tuyên truyền xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu sản phẩm của địa phương, tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thu hút các tập đoàn, công ty lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đầu tư vào tỉnh Sơn La.
UBND TP Bắc Giang
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển thương mại-dịch vụ
Bằng những việc làm thiết thực, các cấp chính quyền TP Bắc Giang đã không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Sự đồng hành giữa chính quyền các cấp với DN, hộ kinh doanh góp phần phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn.
TP Bắc Giang tập trung cao cho công tác quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch gắn với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên quy hoạch và tạo quỹ đất thu hút đầu tư công trình thương mại - dịch vụ, vui chơi, giải trí cao cấp. UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có khu đô thị thông minh, chất lượng cao, 3 khách sạn 4 - 5 sao. Quy hoạch cục bộ một số khu vực cũng được điều chỉnh để thu hút đầu tư công trình thương mại - dịch vụ. Chính quyền TP chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông theo tiêu chuẩn đường đô thị, hoàn chỉnh hệ thống giao thông - vận tải, nhất là các trục vành đai TP, hệ thống cầu vượt qua sông Thương. Tập trung phát triển các khu đô thị chức năng, mở rộng không gian phát triển, chỉnh trang công viên, khuôn viên, cây xanh…
Trên cơ sở quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu phát triển KT-XH, TP tiếp tục rà soát, lập danh mục vị trí đất thương mại - dịch vụ trong các khu đô thị. Huy động tối đa các nguồn lực của địa phương, DN; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư, tỉnh và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ. Thời gian tới, TP Bắc Giang tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch, tạo diện mạo mới cho bức tranh kinh tế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang
5 cách làm sáng tạo
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Bắc Giang có 5 cách làm sáng tạo.
Thứ nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-TU, ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2021-2025. Sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 26/6/2021 nhằm cụ thể hóa thành 73 nhiệm vụ và giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện.
Thứ hai, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng hiệu quả, thực chất, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động của DN.
Thứ ba, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Để khai thác tối đa hiệu quả Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận và hạ tầng khu, cụm công nghiệp, mở ra không gian, động lực mới cho phát triển.
Thứ tư, thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành với DN”, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại, trực tiếp lắng nghe ý kiến của DN và chỉ đạo giải quyết.
Thứ năm, đẩy mạnh truyền thông về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu và sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. UBND tỉnh đã ban hành bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh, qua đó xác định các điểm nghẽn, nút thắt để giải quyết, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch.
Thu Phong (tổng hợp).