Dòng họ có nhiều quận công nhất Việt Nam

Dòng họ Nguyễn Đức từng được sách 'Lê Quý kỷ sự' ca ngợi là một gia tộc lớn và mạnh nhất ở Kinh Bắc.

Cổng vào miếu Đại Trung.

Cổng vào miếu Đại Trung.

Họ Nguyễn Đức làng Quế Ổ, xã Chi Lăng (Quế Võ, Bắc Ninh) có tới 22 vị quận công, 2 Tạo sĩ, 5 vị được ban hôn lấy quận chúa, 3 vị được trung phong tước đại vương, 76 vị tước hầu…

Đời nối đời xông pha trận mạc

Dòng họ Nguyễn Đức từng được sách “Lê Quý kỷ sự” ca ngợi là một gia tộc lớn và mạnh nhất ở Kinh Bắc. Hiện nay, sau vài trăm năm dâu bể, dù nhiều người không còn biết tới sự thịnh vượng một thời của dòng họ đầy những võ tướng, quận công, song những di tích còn lại đã phần nào chứng minh về sự hiển hách khó có dòng họ nào ở Việt Nam có thể sánh được.

Dòng họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ bắt đầu từ đầu thế kỷ 15 thời Lê sơ. Đến khi nhà Lê sơ vào thời mạt trở đi, đất nước liên tục trải qua các cuộc nội chiến đến tận thời nhà Nguyễn. Trong bối cảnh đó, dòng họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ là nơi sản sinh ra nhiều võ tướng kiệt xuất

Theo gia phả dòng họ thì vào thời Lê sơ đầu thế kỷ 15, cụ thủy tổ là Nguyễn Đức Luân đã đến Quế Ổ lập nghiệp, được phong làm Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Đô đốc đồng tri, tặng Tả phủ Phù quận công. Ông nổi tiếng là người nhân từ, làm nhiều việc thiện, con cháu từ đó mà được hưởng phúc ấm.

Các tài liệu nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, các tướng lĩnh thuộc dòng họ Nguyễn Đức với tài năng võ lược xuất chúng đã góp phần đắc lực vào việc xây dựng, bảo vệ chính quyền và triều đình Lê - Trịnh; đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc; tiêu trừ bọn phản loạn, trộm cướp; khai mở đất hoang, lập ấp, đắp đê lấn biển, giúp dân yên ổn làm ăn.

Sách “Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm” của Viện nghiên cứu Hán Nôm có ghi chép về Thân Quận công hiệu là Thân Không tướng công (không rõ tên thật). Thân Quận công được thờ ở đền Quỷ Môn Quan thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng (Chi Lăng, Lạng Sơn).

Thời Lê trung hưng có giặc phương Bắc xâm lấn, vua xuống chiếu cầu người tài. Là người giỏi võ nghệ, ông ra ứng cử rồi cầm quân đánh thắng nhiều trận lớn, được phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tả hữu điểm, tước Thân Quận công.

Trong một trận chiến, Thân Quận công không may sa vào tay giặc. Quân Thanh dụ dỗ để thu dùng nhưng ông cự tuyệt, tuẫn tiết để giữ lòng son với triều đình nhà Lê. Cảm phục trước khí tiết của ông, người phương Bắc tìm đất tốt ở Quỷ Môn Quan để hậu táng, phong là “Thân Không tướng quân”. Tại mộ của ông dân chúng lập miếu thờ phụng. Các sứ thần dù là người phương Bắc hay nước Nam đi ngang qua đều vào hành lễ.

Tiếp sau đó có Nguyễn Đức Uyên - là một trong những quận công tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Đức. Ông được mô tả là tướng tinh anh, giỏi dùng mã mâu. Trong các cuộc khảo thí ở trường võ, ông luôn là người đứng đầu. Ông cầm quân đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thảo phạt nhà Mạc ở Cao Bằng, lập nhiều công lao, được vua yêu quý mà gả em gái út cho con trai.

 Tam quan lăng 18 quận công họ Nguyễn Đức.

Tam quan lăng 18 quận công họ Nguyễn Đức.

Dòng họ có 22 quận công

Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên còn có công lớn trong việc chống lũ lụt. Ông chủ động dùng tiền riêng của mình giúp dân đắp đê kè đá ngăn nước mặn vào ruộng, giúp mùa màng tươi tốt. Khi ông mất dân chúng thờ ở miếu Ụ và còn phối thờ ở đình làng.

Hiện nay ở xã Trấn Dương còn bảo lưu được tấm bia đá có tên “Hoàng thượng vạn vạn niên” niên đại Vĩnh Thịnh 7 (1711) ghi lại công đức của ông, trong đó có đoạn: “…Ngài thực là bậc văn võ toàn tài, đảm đương việc lớn của triều đình mà mưu lợi cho nhân dân. Công đức ngài như núi cao vời vợi, đức hạnh ngài đáng để muôn đời ngưỡng mộ”.

Dòng họ Nguyễn Đức còn có Tào nham hầu Nguyễn Đức Hưng nhiều lần cầm quân đánh tan giặc phương Bắc. Khi phương Nam có giặc, ông lại cầm quân xuống dẹp. Ông lại cùng vợ là Hà Thị Phúc giúp dân làng Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng, Bắc Giang).

Khi ông mất dân chúng lập bia ca ngợi công đức, trong đó có đoạn: “Tào nham hầu Nguyễn Đức Hưng… là người xuất thân dòng võ tướng, khí chất như ngọc quý, chỉ huy xung trận tài tình, luyện quân sĩ tinh thần hăng hái, sẵn sàng xông pha nơi khó nhọc, gánh việc đánh giặc phương Bắc nhiều lần, được vua khen ngợi phong thưởng. Gió gào sấm dậy vẫn tiên phong tiến đánh giặc phương Nam, được chư tướng động lòng khen ngợi, ghi công lớn kịp thời chính danh trong sử sách”.

Chính sự hiển hách của những người dòng họ Nguyễn Đức đã cống hiến cho đất nước, nên trong sách “Lê Quý kỷ sự”, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: “Họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ từ khi Lê trung hưng trở về sau nối đời làm tướng, trong họ có tới 18 người được phong tước Quận công, họ hàng to và mạnh nhất ở Kinh Bắc”.

Họ Nguyễn Đức từ xưa tới nay gia tộc và mọi người quan tâm đều xác định họ có 18 vị quận công, nhưng sau hội thảo khoa học “Truyền thống võ lược tỉnh Bắc Ninh và công tác giáo dục lịch sử trong xã hội đương đại” năm 2015 do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với gia tộc Nguyễn Đức tổ chức, các nhà khoa học và gia tộc đã xác định - gia tộc Nguyễn Đức có tới 22 vị quận công.

Lăng và nhà thờ họ Nguyễn Đức vốn được khởi dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần tu bổ tôn tạo. Với những giá trị to lớn về người được thờ tự, lăng và nhà thờ 18 quận công dòng họ Nguyễn Đức đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992.

Đây là công trình tín ngưỡng văn hóa chứa đựng các giá trị nghệ thuật sâu sắc được xây dựng từ thời Lê, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại một bia đá, 2 voi đá và 2 ngựa đá ở lăng mộ.

May mắn là nhà thờ còn bảo lưu và sưu tầm được nhiều tài liệu cổ vật quý báu như: Tộc phả, ngai, bài vị, tượng thờ, bia đá, hoành phi, câu đối... cho biết rõ ràng về gốc tích của dòng họ Nguyễn Đức, cũng như lai lịch công trạng của các bậc quận công.

 Tượng thờ một vị võ quan dòng họ Nguyễn Đức.

Tượng thờ một vị võ quan dòng họ Nguyễn Đức.

 Các tác phẩm voi, ngựa tại miếu Đại Trung làm theo dáng khỏe, không rườm rà.

Các tác phẩm voi, ngựa tại miếu Đại Trung làm theo dáng khỏe, không rườm rà.

Dấu xưa còn lại Quế Ổ

Theo TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, lăng bia của họ Nguyễn Đức từ khi khởi dựng đến khi xếp hạng di tích chưa mai táng hoặc thờ ai, cho nên gia tộc vẫn gọi là “lăng bia”, vì ở đó mới xây dựng bước đầu (chưa hoàn thành), chỉ có một tấm bia đá cỡ lớn.

Phía trước bia này là cặp ngựa đá và cặp voi đá (tư thế đứng chầu), nhưng mới tập kết về chưa dựng đặt đúng vị trí cố định. Do vậy ở đây cũng vẫn chưa mai táng hay thờ ai, chỉ biết là tấm bia đá cỡ lớn có khắc một dòng chữ Hán ghi tên và quan chức của Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên.

Theo gia phả của dòng họ, tấm bia này được dựng vào năm 1708 cùng với năm Quế Quận công cho đắp đê đá ở hai xã Dương Am, Ngãi Am, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Bia hiện đặt tại ngôi miếu do chính Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên xây dựng để truy ân tiên tổ mình. Đây là một tòa bia khá đồ sộ, kết cấu bia gồm 2 phần: Đế bia và thân bia.

Đế bia có kích thước chiều dài 2,5m, rộng 1,5m, cao 1m, được tạo tác bằng một khối đá lớn, giật thành 2 cấp, xung quanh thân đế bia được chạm nổi họa tiết mây cụm. Thân bia được tạo tác bằng một phiến đá lớn, cùng chất đá với đế bia, phần thân bia có kích thước rộng 90cm, cao 1,7m, dày 80cm. Bố cục trang trí thân bia được chia làm 2 phần: Phần thứ nhất là mặt sau bia và 2 bên hồi trái, phải; phần thứ hai là phần mặt trước của bia.

 Di vật cọc gỗ của Quế Quận công vẫn được lưu giữ.

Di vật cọc gỗ của Quế Quận công vẫn được lưu giữ.

Phần mặt sau bia và 2 bên hồi trái, phải vẫn sử dụng họa tiết mây cụm giống như phần đế bia tạo nên một thể thống nhất, hài hòa. Phần mặt trước bia được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ. Trán bia được chạm nổi họa tiết rồng, mặt trời, đao lửa theo chủ đề “lưỡng long chầu nhật”, nét chạm khỏe khoắn toát ra được vẻ uy nghi, dữ tợn của rồng đang vần vũ trong những đám mây, hướng về Mặt trời đang rực lửa, đây là phong cách điêu khắc quen thuộc của thời Lê trung hưng. Chạy dọc hai đường diềm bia là hình ảnh rồng đang ẩn mình, thỏa chí trong mây mù một cách hết sức uyển chuyển và sống động.

Đáng chú ý ở diềm bia phía dưới được chạm hình tượng một đôi long mã, mình ngựa có vảy rồng, đầu rồng với tư thế hùng dũng, uy nghi đang tiến về phía trước. Phần chính giữa lòng bia là dòng chữ Hán gồm tất cả 35 chữ được viết theo lối viết bài vị đan xít vào nhau, nét chữ đục sâu và sắc nét.

“Ngoài giá trị về mặt nội dung văn bia cung cấp các thông tin về chức tước và thời gian dựng bia, qua đó kết hợp với tư liệu gia phả của dòng họ có thể biết được thời điểm xây dựng ngôi miếu này và ngôi miếu tại thôn Dũng Quyết thì tấm bia còn giá trị cao khi nghiên cứu về nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê trung hưng”, TS Lê Viết Nga cho hay.

Về phương diện mỹ thuật thì tấm bia đá này không dừng lại là một tấm bia đơn thuần, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa, nó xứng đáng được coi là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê, hậu thế phải ngưỡng vọng chiêm bái.

Sự bài trí các hạng mục công trình, hiện vật trong lăng nhìn từ cổng trở vào: Một đôi ngựa đá, đến đôi voi đá - vị trí đăng đối nhau qua đường thần đạo chạy vào ban thờ và bia đá. Ngựa đá được thể hiện ở tư thế đứng trên bệ, có đầy đủ yên cương, chuông nhạc, miệng đóng hàm thiếc.

Trên thân ngựa phủ một vạt vải, có trang trí những diềm hoa nhỏ, lớp trên là bàn đạp. Các khoảng trống từ bụng xuống bệ đứng vẫn liền trong một phiến đá, thể hiện rõ kỹ thuật chạm nổi.

Đặc biệt, nhà thờ 18 quận công họ Nguyễn Đức từ khi khởi dựng đến nay vẫn ở trên đất cũ nền xưa, giữa khu dân cư thôn Quế Ổ. Khu nhà thờ gồm 2 công trình: Tiền tế và hậu đường, tạo thành hình chữ Nhị. Hậu đường xây dựng khôi phục năm 1957 gồm 3 gian, cấu trúc kiểu kẻ truyền con chồng đơn giản. Các hiện vật có 1 bức đại tự “Môn lỡ đỉnh chung”.

Theo TS Lê Viết Nga, các dấu tích còn lại về dòng họ Nguyễn Đức ngoài lăng mộ đá, nhà thờ thì phải kể đến miếu Đại Trung ở làng Guột. Miếu Đại Trung là một trong những di tích tiêu biểu và độc đáo có một không hai trong thời kỳ lịch sử trung đại và cho đến tận ngày nay. Mặc dù đã trải qua mấy trăm năm biến động của lịch sử dân tộc cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng công trình kiến trúc vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Giá trị kiến trúc lịch sử - văn hóa của di tích là tính nguyên gốc được khởi dựng năm Canh Tý (1660) hoàn thành vào năm 1708 (thời chúa Trịnh Cương). Sự đặc biệt thể hiện trên những hiện vật thể khối, tất cả đều được chạm khắc tinh xảo, họa tiết rõ nét, phản ánh về tinh thần võ lược của các danh tướng dòng họ Nguyễn Đức.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-ho-co-nhieu-quan-cong-nhat-viet-nam-post698680.html