Dòng họ 'kế thế khoa đăng', 4 đời 5 lần đi sứ

Dòng họ Nguyễn Trọng không chỉ nổi danh khoa bảng xứ Nghệ, mà còn nổi tiếng trong lĩnh vực ngoại giao của đất nước thời kỳ phong kiến.

Nhà thờ đại tôn dòng họ Nguyễn Trọng.

Nhà thờ đại tôn dòng họ Nguyễn Trọng.

Không chỉ góp cho đất nước 3 vị tiến sĩ với sự nghiệp quan trường hiển hách “ích nước, lợi dân”, bốn đời của dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần còn 5 lần được cử đi sứ xây đắp tình bang giao giữa hai nước Việt - Trung.

Dòng họ Nguyễn Trọng vốn gốc ở thôn Bến Nễ, xã Ước Lễ (Hưng Nguyên, Nghệ An), sau chuyển cư sang làng Trung Cần, xã Nam Trung (nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Dòng họ Nguyễn Trọng không chỉ nổi danh khoa bảng xứ Nghệ, mà còn nổi tiếng trong lĩnh vực ngoại giao của đất nước thời kỳ phong kiến.

Ba đời nối tiếp đỗ đại khoa

Theo Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An, lịch sử khoa bảng xứ Nghệ ghi danh người khai khoa là Bạch Liêu quê ở làng Thanh Đà, huyện Đông Thành (nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đỗ Trại Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1266).

 Tượng Cần quận công Nguyễn Trọng Thường – người khai khoa của dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần.

Tượng Cần quận công Nguyễn Trọng Thường – người khai khoa của dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần.

Còn người khai khoa cho dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường đỗ trong khoa thi năm Nhâm Thìn (1712) đời vua Lê Dụ Tông.

Theo các nguồn gia phả và lịch sử, dòng họ Nguyễn Trọng vốn gốc ở Bến Nễ (Hưng Nguyên). Thủy tổ đầu tiên đến ở làng Trung Cần là cụ Nguyễn Trọng Quyên, được miêu tả là người giỏi văn học, giỏi nghề y và từng làm quan.

Hiện trong nhà thờ họ Nguyễn Trọng còn giữ đôi câu đối: Nhất môn hàn mặc truyền thi lễ/ Lưỡng quốc giang sơn chí tính danh (Nghiên bút một nhà truyền thi lễ/ Non sông hai nước nhớ họ tên).

Nguyễn Trọng Thường (1681 - 1735) sinh ra trong gia đình quan lại, cha là Nguyễn Trọng Tuyền (Tuyển), người có tài năng đức độ, nhiều công lao với triều đình Lê trung hưng thời Vĩnh Thịnh (1709 - 1719). Nguyễn Trọng Tuyền làm quan đến chức Viên ngoại lang bộ Lại, phong Tham nghị xứ Lạng Sơn, tước Nam.

Khi còn nhỏ, Nguyễn Trọng Thường thiên tư đặc biệt tinh anh, sớm thành hiển đạt, luôn chăm lo việc học hành khoa cử. Năm 19 tuổi, ông được mệnh danh là một trong tứ hổ của đất Tràng An cùng với Nguyễn Chương, Đậu Minh, Lê Đăng. Năm 22 tuổi, Nguyễn Trọng Thường đỗ Hương tiến. Năm 32 tuổi, ông tham gia ứng thi khoa Nhâm Thìn (1712), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 6 trong 16 người đỗ Đệ tam giáp.

Khoa thi này không có Đệ nhất giáp, chỉ lấy duy nhất một Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân là Nguyễn Duy Đôn, người xã Cao Lãm, huyện Sơn Minh (nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội). Tên tuổi của Nguyễn Trọng Thường được ghi trong văn bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sự nghiệp quan trường của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường trải qua các chức vụ với các vị trí quan trọng trong triều Lê - Trịnh, sau ông được thăng làm Gia hạnh đại phu Hình bộ Hữu thị lang Tư Chính Khánh Hộ bộ Hữu thị lang. Trong hơn 20 năm làm quan, ông đã đem hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết giữ gìn phép nước, góp phần quan trọng trong công cuộc kinh bang tế thế của triều nhà Lê.

Sau Nguyễn Trọng Thường, người con trai thứ của ông là Nguyễn Trọng Đương (Đang) (1724 - 1786) cũng nối chí cha mà nổi danh khoa bảng. Từ nhỏ, Nguyễn Trọng Đương đã rất thông minh, đến khi trưởng thành ông luôn chuyên lo việc học hành. Năm 24 tuổi ông đỗ Hương tiến, 46 tuổi tham gia ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu (1769).

Khoa thi này lấy đỗ một Tiến sĩ xuất thân Đệ nhị giáp và 8 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Trọng Đương đứng thứ 8. Nội dung văn bia về Nguyễn Trọng Đương như sau: “Nguyễn Trọng Đương người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay thuộc tỉnh Nghệ An), Thiêm tri Hình phiên, Tri phủ”.

Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, Lạp Sơn bá, phụng sai Đốc đồng xứ Kinh Bắc, Thị tham chính xứ Thanh Hoa. Trong thời kỳ làm quan, ông nổi tiếng là người thanh liêm chính trực, hết lòng vì dân.

Người thứ ba của dòng họ đỗ tiến sĩ là Nguyễn Trọng Đường (1746 - 1811), là cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, và cháu gọi Nguyễn Trọng Đương bằng chú ruột. Năm 34 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi (1779), đời vua Lê Hiển Tông. Khoa thi này lấy đỗ 2 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và 13 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Nguyễn Trọng Đường trải qua các chức: Thanh hình Hiến sát sứ đạo Sơn Nam, sau thăng Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá, làm Đốc đồng Thanh Hoa. Đến năm Gia Long thứ nhất năm 1802 triều Nguyễn, ông được triều đình mời ra làm Kinh hoa điện Đại học sĩ, bổ chức Đốc học trấn Sơn Nam thượng, tước Thanh Ngọc hầu. Trong sự nghiệp làm quan, Nguyễn Trọng Đường đã có nhiều đóng góp cho vương triều Gia Long trong việc quản lý đất nước.

 Khu lăng mộ dòng tộc Nguyễn Trọng – Trung Cần trên núi Động Sơn (rú Hốc).

Khu lăng mộ dòng tộc Nguyễn Trọng – Trung Cần trên núi Động Sơn (rú Hốc).

4 đời 5 lần đi sứ

Như vậy, dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần với ba vị đại khoa, trong mối quan hệ dòng tộc là cha, con, ông, cháu. Cả ba thế hệ liên tiếp đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, cũng được coi là một trong những trường hợp đặc biệt, hiếm có trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường là người khai khoa cho dòng họ khoa bảng đất Trung Cần, mở ra truyền thống khoa bảng vẻ vang cho dòng họ Nguyễn Trọng. Không chỉ là các nhà khoa bảng hay chữ, ba vị tiến sĩ họ Nguyễn Trọng còn được đánh giá là các nhà ngoại giao, có công vun đắp tình bang giao giữa hai nước Việt – Trung thời kỳ phong kiến.

 Sắc phong cho Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2.

Sắc phong cho Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2.

Năm 1734, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường cùng với Nguyễn Tông Quai, Đồng Trung Thư, Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đăng Cao lên Lạng Sơn nghênh tiếp sứ Trung Quốc sang sách phong cho vua Lê Thuần Tông. Cũng trong năm đó, ông được cử làm Chánh sứ cùng phái đoàn sứ bộ sang tuế cống nhà Thanh.

Khi viết về tiểu sử của Nguyễn Trọng Thường, các sách lịch sử, địa chí xưa đều thống nhất chép là ông đi sứ năm 1734 và mất ở Hán Khẩu (Trung Quốc). Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Tâm - Viện Sử học, sau khi khảo sát tư liệu quốc sử triều Thanh đã đưa ra kết luận là tháng 9/1736, đoàn sứ bộ do Nguyễn Trọng Thường dẫn đầu được cử đi với hai nhiệm vụ là báo tang vua Lê Thuần Tông mất và tiến cống sản vật của hai kỳ trước thuộc năm 1732 và 1735.

Đến cuối năm 1737 hoặc đầu năm 1738, đoàn sứ của Nguyễn Trọng Thường về nước. Cùng thời gian này triều Thanh đã cử đoàn sứ sang ban bài văn tế vua Lê Thuần Tông và sắc phong lên ngôi cho Lê Ý Tông.

Như vậy với vai Chánh sứ của đoàn sứ thần năm 1736 Nguyễn Trọng Thường đã thực hiện thành công nhiệm vụ của một sứ thần được nhà vua giao phó. Đồng thời ông là người mở đầu truyền thống ngoại giao xuất sắc của dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đương sau khi đậu Tiến sĩ, ra làm quan và đến năm Đinh Dậu (1777) được Tĩnh vương Trịnh Sâm cử đi sứ nhà Thanh. Ý thức rõ trách nhiệm của bề tôi với triều đình, ông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau khi hoàn thành sứ mệnh trở về, Nguyễn Trọng Đương được thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá.

Khi làm Đốc trấn Lạng Sơn vào năm 1785, ông đã tổ chức trùng tu xây dựng lại đài Ngưỡng Đức một cách chắc chắn bằng gạch đá (trước đó làm bằng tranh tre), là một công trình làm nơi dừng chân nghỉ và đón tiếp các sứ đoàn nước ta đi sứ sang Trung Quốc, và trở thành một cột mốc biên giới vững chắc giữa hai nước.

Với Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường, vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), ông được cử làm Phó sứ cùng Chánh sứ Hoàng Bình Chính và đoàn sứ thần sang tuế cống nhà Thanh. Khi đoàn đi đến Nam Ninh gặp vua nhà Thanh, Nguyễn Trọng Đường vào yết, được vua nhà Thanh đặc ban 4 chữ “Nam giao bình hãn” (Rường cột của cõi Nam) có đóng dấu ngọc ấn 4 chữ “cổ hy thiên tử” - tức dấu của vua Càn Long.

Trong lần đi sứ này, ông cũng được vua Càn Long khen ngợi ban chức “Lưỡng quốc Hàn lâm” và bức đại tự 4 chữ “Tam thế sứ hoa” thêu trên lá cờ bằng gấm đặc biệt nổi danh đất Trung Châu.

Nối đời làm quan trong triều, ngoài trấn

Con trai Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường là Nguyễn Trọng Vũ, dù chỉ là một nho sinh nhưng vì tài năng danh tiếng bay xa nên năm 1821, được triều đình Huế chọn làm Phó Đốc học. Sự kiện này được “Đại Nam thực lục” chép: Tháng 3 năm Tân Tỵ (1821), triều đình Huế đã chọn 2 người Bắc Thành là Hàn lâm Tu soạn Nguyễn Đăng Sở làm Đốc học thành Gia Định và sĩ nhân Nghệ An là Nguyễn Trọng Vũ làm Phó Đốc học để “làm thầy dạy bảo cho điều lễ”.

Năm Giáp Thân 1824, vua Minh Mạng cử 2 đoàn sứ thần sang nhà Thanh, Nguyễn Trọng Vũ được cử làm Phó sứ. Sau khi đi sứ về Nguyễn Trọng Vũ được thăng chức Thiên sự Công bộ. Tháng 9/1826, ông được phái đi làm Tham hiệp Sơn Tây, sau đó tiếp tục giữ các chức Tham hiệp Nam Định, Hiệp trấn Hưng Hóa.

 Năm 2023, hội thảo khoa học về dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần đã thu hút đông đảo giới sử học và những người yêu mến lịch sử.

Năm 2023, hội thảo khoa học về dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần đã thu hút đông đảo giới sử học và những người yêu mến lịch sử.

Tháng 11 năm Mậu Tý (1828), triều đình sai sứ sang nhà Thanh, Nguyễn Trọng Vũ được gia hàm Hữu Thị lang Công bộ sung chức làm Chánh sứ, lần đi sứ này có thứ phu nhân là Nguyễn Thị Sách cùng đi. Là người kế tục sự nghiệp quan trường của dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần, hơn 12 năm làm quan, Nguyễn Trọng Vũ được 18 lần thăng chức, từ Tư vụ ở Vũ khố đến Thự hữu thị lang bộ Binh và Thự hữu Tham Tri bộ Binh, Nguyễn Trọng Vũ đã trở thành vị đại thần triều Nguyễn, có nhiều đóng góp cho triều đình trong việc yên dân trị quốc.

Noi gương truyền thống tổ tiên, những người con của dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần đã đóng góp nhiều người con ưu tú, tài năng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước - như nhà văn, nhà khoa học, đại tá Nguyễn Trọng Khoát; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nhưỡng…

Đặc biệt Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (tức Nguyễn Trọng Cảnh), được Trung tướng, GS.TS Nguyễn Văn Ngọc - nguyên Giám đốc Học viện An ninh nhân dân đánh giá “là con người như sinh ra để làm nghề công an, sắc sảo, giỏi giang ở 2 phương diện: Vừa tổ chức thực tiễn rất tài, vừa là nhà chiến lược”.

Theo giới nghiên cứu lịch sử, ngoài ba vị đại khoa và Nguyễn Trọng Vũ, trong 2 thế kỷ 18 – 19 còn nhiều người trong dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần được bổ chức quan khác nhau trong triều, ngoài trấn. Điều này đã góp phần làm nổi danh làng Trung Cần – làng khoa bảng – làng quan lại nổi tiếng không chỉ của riêng xứ Nghệ, mà còn của cả nước.

Sự kiện dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần ba đời liên tiếp đỗ tiến sĩ được lịch sử gọi là “tam thế kế đăng khoa”, cùng với việc 4 đời 5 lần được cử đi sứ “tứ thế ngũ hoàng hoa”, thậm chí hai vợ chồng đi sứ, được ghi nhận là hiếm có trong lịch sử. Năm 2023, Hội thảo khoa học “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” được tổ chức đã thu hút đông đảo giới sử học và những người yêu mến lịch sử. Với những tài liệu lưu trữ tương đối đầy đủ và trọn vẹn, cùng với những điểm độc đáo của lịch sử, sau hội thảo Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Kỷ lục Guinness dòng họ có 4 đời, 5 lần đi sứ.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-ho-ke-the-khoa-dang-4-doi-5-lan-di-su-post698787.html