'Đông Hồ' và giấc mơ ballet Việt

Lấy chất liệu truyền thống, từ ca trù, tuồng, chèo, tranh dân gian... đưa vào nghệ thuật đương đại đang là một xu hướng được nhiều nghệ sĩ quan tâm. Ballet - một loại hình nghệ thuật kinh điển của Phương Tây cũng đang được 'Việt hóa' bằng những chất liệu dân gian. Lần đầu tiên, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) dàn dựng và ra mắt vở ballet 'Đông Hồ' từ chất liệu và câu chuyện của tranh dân gian Đông Hồ.

Vẽ tranh Đông Hồ bằng ngôn ngữ ballet

Tranh Đông Hồ - một Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều sản phẩm văn hóa độc đáo và ấn tượng, từ thời trang, hội họa, âm nhạc. Tuy nhiên, tranh Đông Hồ hiếm khi được sử dụng làm chất liệu để sáng tạo qua các hình thức nghệ thuật như múa đương đại, ballet, âm nhạc cổ điển... Đây cũng chính là lý do khiến biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh mang ý tưởng vẽ tranh Đông Hồ bằng vũ điệu uyển chuyển của đôi giày mũi cứng qua chuyển động mềm mại, thanh thoát và quý phái của các nghệ sĩ ballet.

Cảnh trong vở “Ballet Kiều” của biên đạo múa Tuyết Minh.

Cảnh trong vở “Ballet Kiều” của biên đạo múa Tuyết Minh.

"Đông Hồ" là một trong những tác phẩm độc đáo được biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh dành nhiều tâm huyết sáng tạo và dàn dựng. Sau 20 năm tu nghiệp và thành danh ở nước ngoài, anh mong muốn trở về đóng góp cho Việt Nam. Trong ngôn ngữ múa của Ngọc Anh luôn có tinh thần Á Đông, Việt Nam, những chất liệu mà với anh, đó là bản sắc. Lần này, với vở ballet "Đông Hồ", anh thể hiện những cảm nhận của mình về nghệ thuật hội họa của tranh Đông Hồ qua mỗi một màn múa trong tác phẩm. Ngọc Anh không tập trung về phương pháp kể chuyện chi tiết mà dẫn dắt người xem hướng tới sự tinh tế giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận nhiều hơn.

Nói về đứa con tinh thần của mình, Ngọc Anh chia sẻ: "Tôi rất muốn mang đến cho Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ, hay những thiết kết trang phục, mà bằng "ngòi bút" sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet. Mặt khác, dù sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn tôi vẫn là người Việt. Tôi muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa được đến với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc".

"Đông Hồ" dẫn dắt người xem đến với sự tinh tế, giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận. Thông điệp "Cho và Nhận" (Give and Receive) xuyên suốt vở múa chính là sự kết nối chặt chẽ dựa trên giá trị nhân văn của người Việt Nam. Bên cạnh đó, "Đông Hồ" còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua "Bốn mùa - The New For Seasons", bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Antonio Vivaldi - một trong những nhà soạn nhạc Baroque vĩ đại nhất của thế giới.

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở diễn “Đông Hồ”.

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở diễn “Đông Hồ”.

Nói về ý tưởng đưa Đông Hồ lên sân khấu ballet, ông Phan Mạnh Đức, Giám đốc VNOB, cho biết: "Chúng tôi vẫn đi theo tôn chỉ của nhà hát là đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt, VNOB quyết định xây dựng "Đông Hồ" với mong muốn gắn kết hơn nữa, làm mới hơn nữa sợi dây kết nối giữa nghệ thuật hội họa truyền thống với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới. Để người yêu múa không còn cảm thấy sự xa vời của nghệ thuật dân gian truyền thống, mà nó đã và đang hiển hiện trong từng vũ khúc ballet cổ điển của phương Tây".

"Đông Hồ"/ "Give and Receive" được xây dựng với chuỗi các bức tranh như "Hứng dừa", "Đám cưới chuột", "Đánh ghen", "Vinh quy bái tổ", "Lý ngư vọng nguyệt"… bằng vũ điệu ballet cổ điển thế giới. Đó chính là sự độc đáo của "Đông Hồ" khi truyền thống hội họa dân gian kết hợp cùng nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới.

Để giúp khán giả có cái nhìn sâu hơn về vở ballet "Đông Hồ", VNOB với sự đồng hành của Thanh Productions còn tạo nên một Gallery tranh Đông Hồ với sự góp mặt của nghệ nhân đến từ làng tranh Đông Hồ tại sảnh đón tiếp của Nhà hát Lớn Hà Nội. Các khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu các vật liệu, quá trình làm nên một tác phẩm tranh và trực tiếp tham gia tạo nên bức tranh Đông Hồ của riêng mình. Đây cũng là cơ hội để đưa dòng tranh dân gian của chúng ta đến gần hơn nữa với công chúng.

Đưa văn hóa Việt lên sân khấu ballet

Đây không phải lần đầu tiên, ballet - một loại hình âm nhạc cổ điển phương Tây được các nghệ sĩ chúng ta sáng tạo và "Việt hóa". Trước đó, VNOB đã trình diễn vở "Hàm lệ Minh Châu" lấy cảm hứng từ câu chuyện tình của Mỵ Châu - Trọng Thủy, với sự kết nối giữa truyền thuyết dân gian Việt Nam với vũ điệu ballet cổ điển Phương Tây. Mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy qua ngôn ngữ ballet được tái hiện từ sự chuyển kiếp của đôi trai gái thời hiện đại thông qua một giấc mơ. Dựa trên phiên bản của Betrand D'at, "Hàm Lệ Minh Châu" kể về mối tình đẹp nhưng nhuốm màu bi kịch của cặp đôi đến với nhau từ những toan tính, vụ lợi của bề trên.

Nói về vở ballet "Hàm Lệ Minh Châu", Tổng đạo diễn - Biên đạo múa, NSND Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: "Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để kết hợp được nội dung chuyện tình phương Đông với chất liệu múa ballet một cách hiệu quả, tạo nên sự truyền tải hợp lý, ấn tượng với khán giả. Và chúng tôi đã làm được, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Có lẽ, đây là một điều đặc biệt khi chúng ta biết khai thác kho tàng văn hóa Việt đưa vào những ngôn ngữ kinh điển của thế giới. Đó là kênh tiếp cận khán giả và là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam".

NSƯT Trần Ly Ly cũng đã từng chia sẻ với tôi về giấc mơ ballet Việt. Ngoài việc dàn dựng lại các tác phẩm ballet của thế giới như "Hồ Thiên Nga", "Carmen"... thì mong muốn của chị là vẫn dàn dựng những vở ballet, sử dụng kỹ thuật của phương Tây nhưng trên chất liệu Việt Nam để kể câu chuyện về con người và văn hóa Việt. Đó cũng là cách chị và ê kíp mong muốn đưa ballet đến gần hơn với công chúng.

Chia sẻ về điều này, biên đạo múa Tuyết Minh cũng bày tỏ giấc mơ ballet Việt và con đường mà chị theo đuổi. Chị đã dàn dựng vở ballet "Kiều" thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Chị nói: "Tôi luôn tôn vinh những giá trị của văn hóa bản địa, kho âm thanh và những nhạc cụ độc đáo của các cây đàn dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong kỹ thuật phương Tây ấy, tôi quay trở về phát huy những giá trị truyền thống của văn hóa, di sản Việt Nam, để khán giả Việt sẽ thấy nhạc kịch gần gụi, dễ tiếp cận hơn. Tôi muốn ballet mang bản sắc Việt, là sáng tạo của người Việt dựa trên những quy chuẩn của loại hình nghệ thuật này".

Trước đó, với ballet "Kiều", biên đạo múa Tuyết Minh đã mang đến một sắc màu mới cho loại hình ballet kinh điển, với những vẻ đẹp được khai thác từ văn hóa Việt Nam như đường nét cơ thể, phong cách múa, trang phục mang đậm văn hóa kinh Bắc, thanh âm của lẩy Kiều, ca trù, hát xẩm được phối khí với dàn nhạc giao hưởng, song tấu giữa cello và đàn nhị...

Chúng tôi muốn xây dựng những vở diễn mới, mang tâm hồn, bản sắc của Việt Nam nhưng phải đạt quy chuẩn thế giới như được diễn tấu trên dàn nhạc giao hưởng, với những khúc thức riêng biệt của loại hình cổ điển châu Âu. Đó cũng là con đường mà các nghệ sĩ đang tiếp nối truyền thống, mang đến cho truyền thống những hơi thở mới, để những giá trị truyền thống không mất đi mà được sáng tạo theo một hình thức mới. "Đó cũng là con đường bền vững và ngắn nhất để quảng bá Việt Nam ra thế giới. Không có gì hấp dẫn và thu hút bằng chính văn hóa".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dong-ho-va-giac-mo-ballet-viet-i687040/